Các nhà sách vẫn rao bán cuốn sách sai trái về chủ quyền Biển Đông
Giáo dục - Ngày đăng : 06:44, 25/12/2017
>>Cuốn sách lịch sử với các chi tiết sai trái về chủ quyền Biển Đông
Ảnh chụp màn hình
Vào 5 giờ sáng nay 25.12, trên trang bán hàng của nhà sách Văn Lang - đơn vị có tên trong liên kết xuất bản cuốn sách Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc, cuốn sách này vẫn được chào bán với giá ưu đãi giảm 20%.
Ảnh chụp màn hình
Trên trang bán sách trực tuyến hàng đầu Việt Nam Tiki, con số hiển thị cho thấy ngay lúc hơn 5 giờ sáng đã có 21 người đang truy cập vào trang rao bán cuốn sách Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc (phần Minh - Thanh). Sách cũng đang trong tình trạng "Còn hàng" và được chào bán với giá ưu đãi giảm 20%.
Ảnh chụp màn hình
Trang bán sách của công ty phát hành sách Fahasa thì sao? Sách cũng được rao bán giảm giá 20% và đã được bán hết nên không còn hàng. Tuy nhiên, Fahasa cho biết sẵn sàng thông báo cho người mua nếu có hàng trở lại.
Ảnh chụp màn hình
Tương tự, trang Vinabook với slogan "Đọc sách không giới hạn" cũng rao bán cuốn sách trên nhưng thông báo sách đã hết hàng và sẽ gửi thông báo khi có hàng trở lại.
Ảnh chụp màn hình
Trang bán sách của Nhà sách Khai Tâm thông báo vẫn còn cuốn sách này và đưa ra giá bán cũng giảm 20%.
Ảnh chụp màn hình
Trang bán sách của Nhà sách Minh Khai cũng giới thiệu cuốn sách này nhưng trong tình trạng hết hàng. Đặc biệt, nhà sách Minh Khai giới thiệu khá kỹ nội dung cuốn sách với cả chương 5, phần V là: Chính sách và biện pháp của vương triều nhà Thanh áp dụng cho biên cương trong thời kỳ đầu.
Ngày 24.12, một ngày sau khi báo điện tử Một Thế Giới đăng bài vạch trần sai trái trong cuốn Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc, phóng viên đã liên lạc với Cục Xuất bản để làm rõ hơn về vấn đề này. Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết hiện nay ông mới nắm được những thông tin chưa chính xác trong cuốn sách này. “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại ngay, nếu có sai phạm đặc biệt về Biển Đông thì sẽ phải cho thu hồi sách và xử lý ngay lập tức. Trong ngày mai (25.12.2017) tôi sẽ cho kiểm tra và sẽ báo lại cho truyền thông được biết”.
Nhưng đến hôm nay, ngày 25.12, các nhà sách vẫn rao bán công khai rộng rãi cuốn sách nói trên thì mới thấy độ trễ trong việc sửa sai có vẻ hơi lâu. Trong cuộc sống, có những sai sót thông cảm được nhưng có những sai sót không thể thông cảm, đặc biệt là sai sót liên quan đến chủ quyền quốc gia. Cũng cần nói thêm là việc biết sai mà không nhanh chóng sửa sai là điều càng đáng trách.
Bộ sách này gồm 3 tập trong đó tập 3 nói về triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Chuyện lịch sử của Trung Quốc sẽ không có gì đáng nói nếu như sách không dẫn những chi tiết sai trái về chủ quyền trên Biển Đông.
Cụ thể trong trang 390 thuộc mục 3, chương 4 nói về cương vực lãnh thổ nhà Thanh dưới triều vua Khang Hy thì sách viết: "Bắt đầu từ ngày hoàng đế Khang Hy thống trị, cương thổ của nước Trung Quốc phía đông đến bờ biển Thái Bình Dương, phía nam đến quần đảo Nam Sa, phía tây vượt qua Thông Lãnh, phía bắc tiếp giáp Tây Bắc Lợi Á (nv: tức là Siberia của Nga). Có thể nói, trước vương triều nhà Thanh chưa có một vương triều phong kiến nào ở Trung Quốc lại có bản đồ rộng lớn và thống nhất một cách hữu hiệu lâu dài như thế".
Trang 403 thuộc mục 4, chương 5 nói về xác định biên cương của Trung Quốc trong thời kỳ vương triều nhà Thanh lại viết tiếp: "Trong thời kỳ Càn Long của vương triều nhà Thanh, cương thổ Trung Quốc bắt đầu từ Đài Loan, chạy dài cho tới hồ Balkhash ở phía tây bắc, còn phía tây nam bắt đầu từ biên giới Vân Nam, chạy dài cho tới Ngoại Hưng An Lĩnh; phia nam xuống tận cả đảo Nam Hải, phía bắc lên đến Kháp Khắc Đồ, phía đông đến đảo Sakhalin; phía tây đến Thông Lãnh. Tất cả nguồn đất đó đều nằm dưới sự cai quản của chính phủ trung ương vương triều nhà Thanh".
Trong phần bản đồ phụ lục sau đó, có đăng cả chú thích Nam hải ở phần Biển Đông và kèm theo những đường đứt lạ thể hiện biên giới trên biển của nhà Thanh.
Đại Việt