Nguy cơ phải vứt bỏ hơn 100 triệu liều vắc xin COVID-19 ở các nước giàu có
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:01, 20/09/2021
Báo cáo mới từ nhóm nghiên cứu Airfinity, số lượng “đáng kinh ngạc” của các loại vắc xin hiện có sẽ không còn có ích cho bất kì ai vào tháng 12 tới.
Ông Gordon Brown cho biết việc Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo EU không đồng ý về kế hoạch phân phối vắc xin dự phòng có nghĩa là thế giới đang phải đối mặt với “thảm họa lãng phí vắc xin”.
Ông Gordon Brown đã gửi nghiên cứu của Airfinity cho các chính trị gia hàng đầu, bao gồm cả Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh và các nhân vật cấp cao ở Brussels (Bỉ), trước khi hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu diễn ra vào ngày 22.9.
Airfinity cho biết nghiên cứu của họ dự đoán rằng vào cuối tháng này, 7 tỉ liều vắc xin sẽ có sẵn trên khắp thế giới và tăng lên 12 tỉ liều vào tháng 12.
Ông Gordon Brown cũng cho biết vấn đề quan trọng là làm thế nào và các loại vắc xin sẽ được phân phối ở đâu, cảnh báo rằng không có thỏa thuận về việc sẽ cung cấp cho các nước nghèo vào tháng 12 trừ khi một kế hoạch được gấp rút lập ra, nếu không vắc xin sẽ bị lãng phí một cách vô ích.
“Chúng tôi cần một kế hoạch để phân phối vắc xin 'sử dụng ngay bây giờ' để ngăn ngừa thảm họa lãng phí vắc xin vì ngày hết hạn sắp cận kề. Thật không thể tưởng tượng được khi 100 triệu liều vắc xin sẽ phải bị vứt bỏ khỏi kho dự trữ của các quốc gia giàu có, trong khi dân số của các nước nghèo nhất thế giới sẽ phải trả giá cho sự lãng phí này. Sẽ là một bi kịch chính trị tập thể sâu sắc nếu hội nghị thượng đỉnh lần này bỏ lỡ cơ hội hành động với việc chuyển ngay những liều vắc xin này đến nhữngnước nghèo”, ông Brown nói.
Nhóm chiến dịch Global Justice Now cho biết lãng phí hàng triệu liều vắc xin COVID-19 sẽ là một “hành động tàn bạo” khi chúng có thể cứu sống được rất nhiều người dân tại các quốc gia nghèo.
Giám đốc Global Justice Now - Nick Dearden cho biết: “Các nước giàu có như Anh đang tích trữ vắc xin rất cần thiết cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Các nước nghèo hơn không cần phải đợi cho đến khi các loại vắc xin của chúng ta sắp hết hạn để tiêm chủng cho người dân của họ. Nhiều nước có khả năng sản xuất vắc xin một cách an toàn, nếu chúng ta từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, vắc xin có thể được sản xuất miễn phí bằng sáng chế ở những quốc gia cần chúng nhất”.
Tháng trước, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi tạm dừng triển khai kế hoạch tiêm mũi vắc xin tăng cường trên toàn cầu cho đến cuối năm để các nước nghèo có cơ hội được tiêm chủng nhiều hơn.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng không nên sử dụng rộng rãi liều vắc xin tăng cường cho người khỏe mạnh đã hoàn thành hai mũi.
COVAX, chương trình được hỗ trợ bởi WHO để giúp phân phối vắc xin cho các nước đang phát triển, đã cắt giảm 1/4 dự báo cung cấp các loại vắc xin trong năm nay.
Phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu sắp diễn ra, ông Gordon Brown nói thêm: “Báo cáo của Airfinity là một hướng dẫn cho các nhà lãnh đạo thế giới để chuẩn bị kế hoạch hành động đầy tham vọng hơn. Nó cho thấy chúng ta có đủ vắc xin để có thể tiêm chủng cho 70% dân số toàn cầu vào tháng 5.2022. Các nhà lãnh đạo chính trị toàn cầu phải cam kết và hợp tác với các nhà khoa học và nhà sản xuất vắc xin, những người đã tạo ra cơ hội tiêm chủng cho toàn thế giới”.