Các nhà nghiên cứu dơi Campuchia thực hiện sứ mệnh truy tìm nguồn gốc của COVID-19

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:11, 20/09/2021

Các nhà nghiên cứu đang thu thập mẫu từ những con dơi ở miền bắc Campuchia trong nỗ lực tìm hiểu đại dịch COVID-19, quay trở lại khu vực nơi một loại vi rút tương tự đã được tìm thấy trên động vật một thập kỷ trước.

Hai mẫu từ dơi móng ngựa được thu thập vào năm 2010 ở tỉnh Stung Treng gần Lào và được giữ trong tủ đông lạnh tại Viện Pasteur Campuchia (IPC) ở thủ đô Phnom Penh.

Các thử nghiệm được thực hiện vào năm ngoái hé lộ một họ hàng gần với loại coronavirus mới đã giết chết hơn 4,6 triệu người trên toàn thế giới.

Nhóm nghiên cứu IPC gồm 8 thành viên đã thu thập các mẫu từ dơi và ghi lại các loài dơi, giới tính, tuổi tác và các thông tin chi tiết khác của chúng trong một tuần. Nghiên cứu tương tự cũng đang diễn ra ở Philippines như trong trích đoạn bên dưới.

Các nhà nghiên cứu đeo đèn pha và mặc đồ bảo hộ chạy đua để gỡ móng vuốt, cánh của những con dơi mắc vào một tấm lưới lớn sau khi trời tối ở tỉnh Laguna của Philippines.

Những con vật nhỏ bé được đặt cẩn thận trong những chiếc túi vải để mang đi, đo đạc và lấy mẫu bằng tăm bông, ghi lại các chi tiết, thu thập nước bọt và phân để phân tích trước khi chúng được trả về tự nhiên.

Các nhà nghiên cứu tự gọi mình là "thợ săn vi rút", được giao nhiệm vụ bắt hàng ngàn con dơi để phát triển một mô hình mô phỏng mà họ hy vọng sẽ giúp thế giới tránh được đại dịch tương tự COVID-19.

Mô hình do Nhật Bản tài trợ sẽ được Đại học Los Banos của Philippines phát triển trong ba năm tới, hy vọng thông qua loài dơi sẽ giúp dự đoán động thái của coronavirus bằng cách phân tích các yếu tố như khí hậu, nhiệt độ và mức độ dễ lây lan, bao gồm cả con người.

Nhà sinh thái học Phillip Alviola, trưởng nhóm, người đã nghiên cứu vi rút dơi trong hơn một thập kỷ, nói: “Những gì chúng tôi đang cố gắng xem xét là các chủng coronavirus khác có tiềm năng nhảy sang người. Nếu chúng ta biết vi rút và biết nó đến từ đâu, chúng ta sẽ biết cách phân lập vi rút đó về mặt địa lý".

Ngoài công việc trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu còn đòi hỏi những chuyến đi thực tế kéo dài, bao gồm việc đi xe kéo hàng giờ xuyên qua khu rừng nhiệt đới dày và đi bộ đường dài ban đêm bấp bênh trên những ngọn núi phủ đầy đá, rễ cây, bùn, rêu.

Nhóm này cũng nhắm mục tiêu vào các ổ dơi trong các tòa nhà, giăng lưới sương mù trước khi trời chạng vạng để bắt dơi và lấy mẫu bằng ánh sáng của đuốc.

Mỗi con dơi được giữ cố định bằng đầu khi các nhà nghiên cứu nhét những miếng tăm bông nhỏ vào miệng chúng và ghi lại các sải cánh bằng thước nhựa, để thử xem loài nào trong số hơn 1.300 loài cùng 20 họ dơi dễ bị nhiễm trùng nhất và tại sao.

Các nhà nghiên cứu mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang và găng tay khi tiếp xúc với dơi để đề phòng nhiễm vi rút.

Edison Cosico, người hỗ trợ Alviola, cho biết: “Những ngày này thực sự đáng sợ. Bạn không bao giờ biết nếu con dơi đã là vật mang mầm bệnh hay chưa. Những gì chúng tôi đang theo đuổi là tìm hiểu xem liệu có thêm loại vi rút nào từ dơi có thể truyền sang người hay không. Chúng tôi sẽ không bao giờ biết liệu loại tiếp theo có giống như COVID-19 hay không".

Phần lớn những con bị bắt là dơi móng ngựa được biết đến là nơi chứa coronavirus, bao gồm cả họ hàng gần nhất được biết đến của coronavirus mới.

Dơi móng ngựa là hai trong số các kịch bản của các chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây ra COVID-19.

Các loài vật chủ, chẳng hạn như dơi, thường không có triệu chứng của mầm bệnh, dù chúng có thể gây tàn phá nếu truyền sang người hoặc động vật khác.

Theo nhà sinh thái học về dơi Kirk Taray, việc con người tiếp xúc và tương tác gần gũi hơn với động vật hoang dã đồng nghĩa với việc nguy cơ lây truyền bệnh tật cao hơn bao giờ hết.

"Bằng cách có dữ liệu cơ bản về bản chất và sự xuất hiện của vi rút có khả năng lây truyền từ động vật sang dơi, chúng tôi có thể dự đoán bằng cách nào đó những đợt bùng phát có thể xảy ra", Kirk Taray nói.

"Chúng tôi hy vọng rằng kết quả từ nghiên cứu này có thể giúp thế giới hiểu rõ hơn về COVID-19", điều phối viên hiện trường Thavry Hoem nói với Reuters khi cô cầm lưới bắt dơi.

Tiến sĩ Veasna Duong, Trưởng khoa Vi rút học tại IPC, cho biết viện của ông đã thực hiện bốn chuyến đi như vậy trong hai năm qua, với hy vọng có manh mối về nguồn gốc và sự tiến hóa của vi rút do dơi sinh ra.

Ông nói với Reuters: “Chúng tôi muốn tìm hiểu xem liệu vi rút có còn ở đó hay không và để biết vi rút đã phát triển như thế nào”.

cac-nha-nghien-cuu-campuchia-thuc-hien-su-menh-tim-nguon-goc-cua-covid-19.jpg
Nhà nghiên cứu từ Viện Pasteur Cambodge gỡ một con dơi bị mắc kẹt trong lưới sương mù tại đồi Chhngauk ở huyện Thala Borivat, tỉnh Steung Treng, Campuchia, ngày 31.8
cac-nha-nghien-cuu-campuchia-thuc-hien-su-menh-tim-nguon-goc-cua-covid-19-0.jpg
cac-nha-nghien-cuu-campuchia-thuc-hien-su-menh-tim-nguon-goc-cua-covid-19-1.jpg
Nhà nghiên cứu từ Viện Pasteur Cambodge lấy tăm bông ngoáy miệng từ một con dơi bị bắt tại đồi Chhngauk
cac-nha-nghien-cuu-campuchia-thuc-hien-su-menh-tim-nguon-goc-cua-covid-19-2.jpg
Cầm một con dơi bị bắt tại đồi Chhngauk
cac-nha-nghien-cuu-campuchia-thuc-hien-su-menh-tim-nguon-goc-cua-covid-19-4.jpg
Cầm túi vải đựng những con dơi bị bắt tại đồi Chhngauk

Vi rút gây chết người có nguồn gốc từ dơi bao gồm Ebola và các loại coronavirus khác như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

Thế nhưng, Tiến sĩ Veasna Duong cho rằng con người phải chịu trách nhiệm về sự tàn phá do COVID-19 gây ra, do sự can thiệp và phá hủy môi trường sống tự nhiên. Ông nói: “Nếu chúng ta cố gắng ở gần động vật hoang dã, khả năng nhiễm vi rút do động vật hoang dã mang theo cao hơn bình thường. Cơ hội của vi rút biến đổi để lây nhiễm sang người cũng nhiều hơn”.

Julia Guillebaud, kỹ sư nghiên cứu tại đơn vị vi rút học của IPC, cho biết dự án do Pháp tài trợ cũng nhằm xem xét việc buôn bán động vật hoang dã có thể đóng vai trò như thế nào.

"Dự án nhằm mục đích cung cấp kiến ​​thức mới về các chuỗi buôn bán thịt thú rừng ở Campuchia, ghi lại sự đa dạng của các betacoronavirus lưu hành qua các chuỗi này, đồng thời phát triển một hệ thống phát hiện sớm linh hoạt và tích hợp các sự kiện lan truyền của vi rút", Julia Guillebaud nói.

Betacoronavirus là một trong bốn chi coronavirus thuộc phân họ Orthocoronavirinae trong họ coronaviridae của bộ nidovirales. Chúng là các virus RNA có màng bọc, chiều dương, đơn chuỗi với nguồn gốc từ động vật. Mỗi chi coronavirus bao gồm các dòng dõi virus khác nhau, với chi betacoronavirus chứa 4 dòng dõi như vậy.

Sơn Vân/ảnh: Reuters