Ngân hàng sẽ giảm tiếp lãi suất cho vay, phí dịch vụ thanh toán

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:15, 20/09/2021

Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán.

Lãi suất cho vay giảm

Ngày 20.9, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết trước tác động tiêu cực của dịch COVID-19, thời gian qua cơ quan này đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5 - 2%/năm đối với lãi suất điều hành, giảm 0,6 - 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm), sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho ngân hàng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm khoảng 0,55%/năm (tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước dịch).

Mới đây, 16 ngân hàng (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã thống nhất nguyên tắc tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng tiền đồng Việt Nam trong 5 tháng cuối năm 2021 đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cụ thể, 16 ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15.7.2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỉ đồng. Riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỉ đồng để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến ngày 31.8.2021, các ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỉ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23.1.2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỉ đồng cho 628.662 khách hàng. Lũy kế từ 23.1.2020 đến 31.8.2021 tổng số tiền lãi ngân hàng miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỉ đồng. Trong đó, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng lũy kế từ 15.7.2021 đến 31.8.2021 là 8.865 tỉ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỉ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ ngày  23.1.2020 là khoảng 520.000 tỉ đồng.

tien-lai-suat-ngan-hang.jpeg
Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh lãi suất từ khi dịch COVID-19 bùng phát - Ảnh: Internet

Sẽ nới lỏng điều kiện vay vốn trả lương

Từ nay đến cuối năm và sang đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, cơ quan này sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ đôn đốc các tổ chức tín dụng trong triển khai việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng quyết liệt thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán. Tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh COVID-19 nói chung, nhất là vấn đề sản xuất, lưu thông hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm nói riêng với thời hạn và lãi suất hợp lý.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 68/NQ-CP, quyết định 23/2021/QĐ-TTg, trong đó chú trọng sửa đổi, nới lỏng điều kiện tiếp cận chính sách vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh.

Hồ Đông