Phát hiện 20% bệnh nhân COVID-19 bị trầm cảm, bệnh viện mời chuyên gia tâm lý hỗ trợ

Sự kiện - Ngày đăng : 18:30, 20/09/2021

Có đến 53,3% bệnh nhân mắc COVID-19 bị rối loạn lo âu, 16,7% bị stress, đặc biệt có đến 20% bệnh nhân bị trầm cảm.

Ngày 20.9, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM cho hay, kết quả khảo sát, đánh giá sức khỏe tinh thần của người bệnh tại các khoa điều trị ở bệnh viện cho thấy tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 bị trầm cảm là 20%, rối loạn lo âu là 53,3%, stress là 16,7%.

Đặc biệt, những bệnh nhân từng thở HFNC có tỷ lệ trầm cảm là 66,7%. Tương tự, những bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ, hoặc thở máy cũng có tỉ lệ rối loạn lo âu cao, lên tới 66,7%.

phat-hien-20-benh-nhan-covid-19-bi-tram-cam-benh-vien-moi-chuyen-gia-tam-ly-ho-tro-hinh-anh(1).png
Tiến sĩ tâm lý Trì Thị Minh Thúy (chuyên gia trị liệu tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 - Ảnh: BVCC

Bên cạnh đó, bệnh nhân hài lòng về mọi mặt trong suốt quá trình điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19. Đồng thời, 67% bệnh nhân rất mong muốn được tư vấn, điều trị tâm lý trong suốt quá trình điều trị tại bệnh viện và sau khi xuất viện. Ngay lập tức, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã mời chuyên gia tâm lý đến hỗ trợ.

Tiến sĩ tâm lý Trì Thị Minh Thúy (chuyên gia trị liệu tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) – người trực tiếp điều trị tâm lý cho những bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, cho biết thông thường những người bệnh cần có người thân chăm sóc, nhưng với bệnh nhân COVID-19 bị cách ly, không có người thân, dễ bị tình trạng trầm buồn, chán ăn, không muốn tiếp xúc với người xung quanh.

Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, phải thở máy ở bệnh viện này thì việc tiếp cận là điều gần như không thể.

“Ngành tâm lý cần phải có bệnh nhân nói chuyện, trao đổi, lắng nghe bệnh nhân giãi bày thì mới chia sẻ được tốt hơn. Với những bệnh nhân nặng, nằm thở máy thì đâu còn biết gì mà chia sẻ. Lúc đó, tôi đặt câu hỏi không biết mình giúp được gì đây?”, chuyên gia tâm lý Minh Thúy nói.

Theo chuyên gia tâm lý Trì Thị Minh Thúy, những ngày đầu đến Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cũng như đến các khoa, bản thân chị cảm thấy bất lực, vì bệnh nhân nặng nhiều quá. Nhưng sau đó, chị tiếp xúc với những bệnh nhân khác, tỉnh táo hơn, nói chuyện được thì cảm nhận có những vấn đề lo lắng, hoảng hoạn, trầm buồn ở họ.

“Có những bệnh nhân nằm im lặng, không nói một lời nào. Lúc đó, tôi đề nghị họ đồng ý thì ra một dấu hiệu nào đó. Khi đó, tôi cố gắng tiếp cận nói chuyện, khơi gợi cho bệnh nhân, và giúp họ massage, ăn uống… để có dấu hiệu nói trước thì mới bắt đầu giao tiếp. Đối với những bệnh nhân quá hoảng loạn, sợ hãi, nếu có tâm lý giúp được thì họ từ từ sẽ vượt lên được”, chuyên gia tâm lý Minh Thúy chia sẻ.

Theo chuyên gia tâm lý Minh Thúy, những bệnh nhân COVID-19 sau khi hồi phục bị ám ảnh về quá khứ, nên người làm công tác tâm lý phải có nhiệm vụ nói chuyện, kết nối để bệnh nhân hiểu tất cả những điều đó chỉ là quá khứ. Tâm lý là giúp cho bệnh nhân vượt qua những điều đó, nhất là những vấn đề lo âu, hoảng loạn, trầm buồn. Việc này đòi hỏi phải có những người kế bên đồng hành, lắng nghe, trò chuyện. Có thể có một vài liệu pháp tâm lý sẽ giúp bệnh nhân vượt qua những điều đó.

“Tôi muốn đóng góp một điều gì đó cho lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch. Đây là cơ hội để tôi đóng góp một phần nào đó trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 này. Tôi nghĩ mình có thể hỗ trợ cho bệnh nhân phần nào với công sức nhỏ bé của mình. Bản thân tôi thì không làm được gì nhiều đâu, nhưng sẽ cố gắng hết sức mình để giúp cho bệnh nhân”, chuyên gia tâm lý Minh Thúy bày tỏ.

Hồ Quang