Quan hệ Đức – Trung liệu có 'nồng ấm’ thời hậu Merkel
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:42, 21/09/2021
Ngày 26.9 tới, cử tri sẽ bầu quốc hội mới, từ đó sẽ chọn ra nhà lãnh đạo tiếp theo của nước Đức. Các quan chức Trung Quốc sẽ rất chú ý đến sự kiện này bởi Đức là đối tác quan trọng nhất của Bắc Kinh trong Liên minh châu Âu, với giá trị thương mại giữa hai nước đạt 251,6 tỉ USD.
Theo chuyên gia Matthew Karnitschnig, dưới thời Thủ tướng Angela Merkel, Berlin và Bắc Kinh đã đạt được “sự hiểu biết ngầm”. Đức sẽ định kỳ có quan điểm về vấn đề nhân quyền và Trung Quốc sẽ thực hiện một số động thái phản đối. Tuy nhiên, về cơ bản, cả hai đều không thay đổi chính sách dựa trên lợi ích thực dụng. Chiến lược này có thể tồn tại lâu hơn sau nhiệm kỳ của bà Merkel.
Đức có thể tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc về nhân quyền và ủng hộ một số chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Song, trên thực tế nước này sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào tác động lớn đến mối quan hệ thương mại Đức - Trung. Để đổi lại, Trung Quốc sẽ giữ nguyên hiện trạng và không sử dụng các biện pháp cưỡng ép kinh tế đối với Đức vốn đã áp dụng với các nước phương Tây khác, điển hình như Úc và Canada.
Tuy nhiên, Nikkei nhận định vị thủ tướng tiếp theo có thể sẽ có lập trường ít thân thiện hơn với Bắc Kinh so với bà Merkel. Hiện 2 ứng cử viên có cơ hội chiến thắng thực tế là Armin Laschet thuộc Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) - đảng của bà Merkel, và Olaf Scholz của đảng Dân chủ xã hội (SPD).
Ứng viên Armin Laschet hiện được cho là người theo đuổi các chính sách đối với Trung Quốc tương tự bà Merkel, bất chấp sự phản đối trong đảng này ngày càng tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng CDU trong các cuộc thăm dò gần đây đã giảm xuống chỉ còn 26% trong khi đó tỷ lệ dành cho đảng Xanh tăng lên thành 21%. Tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Laschet đã giảm xuống còn 17%. Tỷ lệ ủng hộ dành cho bà Annalena Baerbock của đảng Xanh và ông Olaf Scholz của đảng SPD lần lượt là 19% và 18%.
Triển vọng quan hệ Trung - Đức thay đổi như thế nào, sẽ phụ thuộc đáng kể vào nhà lãnh đạo mới của Berlin sau cuộc tổng tuyển cử vào cuối tháng này. Kịch bản có thể xảy ra khi đảng Xanh nắm quyền có thể sẽ làm căng thẳng mối quan hệ của Đức với Trung Quốc vì cả hai đều chỉ trích Bắc Kinh hơn nhiều so với chính quyền của bà Merkel.
“Laschet và Scholz sẽ có lập trường về Trung Quốc tương tự dưới thời bà Merkel. Tuy nhiên, với việc đảng Xanh đang cạnh tranh để có được tiếng nói trong các bộ tài chính, kinh tế, ngoại giao, động thái này sẽ thúc đẩy thủ tướng mới của Đức chỉ trích Trung Quốc nhiều hơn”, nhà phân tích Ariane Reimers nhận định.
Đáng chú ý, cơn thịnh nộ gần đây của Pháp với thương vụ tàu ngầm giữa liên minh Úc, Mỹ và Anh (AUKUS) làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của Washington với mối liên minh xuyên Đại Tây Dương, đem lại cho Trung Quốc cơ hội cải thiện quan hệ với châu Âu.
Pháp, một trong những đồng minh lâu năm nhất của Mỹ, tuần trước đã triệu hồi đại sứ nước này tại Canberra và Washington sau khi liên minh AUKUS được thành lập, Canberra hủy hợp đồng mua tàu ngầm diesel của Pháp để chuyển sang hợp tác cùng Mỹ, Anh đóng ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân.
Giới quan sát Trung Quốc nhận định khủng hoảng ngoại giao giữa Paris và Washington có thể là cơ hội để Bắc Kinh cải thiện quan hệ với châu Âu, trong bối cảnh khối này muốn duy trì sự tự chủ chiến lược và tránh chọn phe giữa Bắc Kinh và Washington.
Và hiển nhiên, Trung Quốc cũng muốn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kế nhiệm vai trò quan trọng của Thủ tướng Đức Angela Merkel trên chính trường châu Âu. Ông Macron là người ủng hộ khái niệm "tự chủ chiến lược" - giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ.
Tháng 2 năm nay ông từng kêu gọi khối không nên tự động đứng về phía Mỹ chống Trung Quốc, mặc dù giữa họ và Washington chia sẻ nhiều giá trị chung. Trong suốt 2 năm qua, ông Macron đã sát cánh cùng bà Merkel trong một loạt hoạt động giao thiệp với Trung Quốc.