‘Liều thứ 2 của vắc xin J&J 1 mũi tăng khả năng bảo vệ từ 70% lên 94%’
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 21:08, 21/09/2021
Điều đó so với khả năng bảo vệ 70% với một liều vắc xin Johnson & Johnson duy nhất.
Dữ liệu sẽ giúp Johnson & Johnson đưa ra trường hợp của mình với các cơ quan quản lý Mỹ để tiêm nhắc lại khi công ty nhấn mạnh vắc xin tiêm một mũi này như công cụ giảm bớt ca mắc COVID-19 trên toàn cầu.
Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy các mũi tiêm thứ ba khi đối mặt với số ca nhập viện gia tăng do biến thể Delta gây ra và Johnson & Johnson (nhà sản xuất thuốc duy nhất có vắc xin COVID-19 một mũi được phê duyệt ở Mỹ) đã chịu áp lực phải đưa ra bằng chứng về hiệu quả của một liều bổ sung.
Tiến sĩ Paul Stoffels, Giám đốc khoa học của Johnson & Johnson, cho biết hiện đã "có bằng chứng cho thấy việc tiêm liều vắc xin bổ sung làm tăng khả năng bảo vệ chống lại COVID-19".
Johnson & Johnson nói tiêm liều nhắc lại vắc xin 2 tháng sau liều đầu tiên làm tăng lượng kháng thể từ 4 đến 6 lần. Khi tiêm liều vắc xin Johnson & Johnson thứ hai 6 tháng sau liều đầu tiên, mức độ kháng thể tăng gấp 12 lần, cho thấy sự cải thiện lớn về khả năng bảo vệ với khoảng cách giữa hai liều lâu hơn.
Các tác dụng phụ khi tiêm liều hai vắc xin Johnson & Johnson tương đương với những tác dụng phụ thấy trong các nghiên cứu với liều đầu tiên. Dữ liệu vẫn chưa được đánh giá ngang hàng nhưng sẽ được đệ trình để xuất bản trong những tháng tới.
Thử nghiệm hai liều pha III với khoảng 30.000 người tham gia, đã kiểm tra hiệu quả liều vắc xin thứ hai Johnson & Johnson được tiêm 56 ngày sau liều đầu tiên ở người lớn từ 18 tuổi trở lên.
Trong khi nghiên cứu phát hiện ra rằng hai liều vắc xin Johnson & Johnson có hiệu quả 94% trong việc ngăn ngừa bệnh từ trung bình đến nặng, chỉ có 1 trường hợp mắc COVID-19 ở nhóm vắc xin và 14 ca COVID-19 ở nhóm dùng giả dược, dẫn đến việc đặt câu hỏi về độ chắc chắn của kết quả.
Nghiên cứu có thời gian theo dõi ngắn khoảng 36 ngày, nhưng cho thấy liều vắc xin thứ hai được dung nạp tốt, công ty Mỹ cho biết.
Theo Johnson & Johnson, bằng chứng từ một nghiên cứu thực tế riêng biệt trên gần 400.000 người ở Mỹ đã tiêm vắc xin của hãng này cho thấy nó có hiệu quả 79% trong việc ngăn ngừa nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và 81% hiệu quả trong ngăn ngừa nhập viện so với 1,52 triệu người ở độ tuổi, giới tính cùng các vấn đề sức khỏe tương tự không được tiêm chủng
Johnson & Johnson cho biết không có bằng chứng về việc giảm hiệu quả trong thời gian nghiên cứu từ tháng 3 đến cuối tháng 7, thời điểm nước Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi biến thể Delta.
Hiệu quả của vắc xin Johnson & Johnson trong nghiên cứu thế giới thực thay đổi theo độ tuổi. Với những người dưới 60 tuổi, vắc xin này có hiệu quả 86% trong việc ngăn ngừa nhập viện so với 78% với những người 60 tuổi trở lên.
Đến nay, chỉ Pfizer - BioNTech SE đã gửi đủ dữ liệu cho các cơ quan quản lý của Mỹ để đánh giá xem liệu liều vắc xin tăng cường có được triển khai như ông Biden mong muốn hay không. Dự kiến sẽ có quyết định về việc tiêm tăng cường vắc xin Pfizer - BioNTech SE trong tuần này.
Hôm 17.9, ủy ban cố vấn của Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã bỏ phiếu để khuyến nghị cấp phép khẩn cấp liều vắc xin Pfizer thứ ba cho người Mỹ từ 65 tuổi trở lên và những người có nguy cơ mắc bệnh nặng, nhưng bỏ phiếu để khuyến nghị không chấp thuận rộng rãi hơn và nói rằng họ muốn xem thêm dữ liệu.
Johnson & Johnson cho biết đã đệ trình dữ liệu lên FDA và có kế hoạch đệ trình lên các cơ quan quản lý khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhóm tư vấn vắc xin khác trên toàn cầu để thông báo cho quyết định của họ.