Năm 2021, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam có kết quả nổi bật
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 21:23, 21/09/2021
Nhiều chỉ số nổi bật
Chiều 21.9, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức Hội thảo Chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) năm 2021 và Kết quả của Việt Nam.
Năm 2021, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố thứ hạng của Việt Nam là 44/132 quốc gia và nền kinh tế, khoảng tin cậy của thứ hạng này nằm trong khoảng 42 - 47. Năm 2020, Việt Nam ở thứ hạng 42 và khoảng tin cậy là 41 - 50. Do vậy, nếu đánh giá theo khoảng tin cậy thì thứ hạng GII của Việt Nam năm 2021 và 2020 gần như tương đương nhau.
Trong Báo cáo GII 2021 do WIPO phát hành, Việt Nam tiếp tục được WIPO nhận định: “Việt Nam nằm trong số 50 nền kinh tế GII có tiến bộ đáng kể nhất trong xếp hạng đổi mới sáng tạo theo thời gian. Cùng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Philippines, Việt Nam có tiềm năng thực sự để thay đổi cục diện đổi mới sáng tạo toàn cầu trong những năm tới”.
Theo đánh giá của WIPO năm 2021, chỉ số GII của Việt Nam có kết quả nổi bật về Trình độ phát triển của thị trường, xếp hạng 22, tăng 12 bậc (vị trí 34 năm 2020). Trong đó, tiến bộ mạnh mẽ nhất là nhóm chỉ số về Thương mại, đa dạng hóa và quy mô thị trường đã tăng 34 bậc (từ thứ hạng 49 lên 15).
Nhóm chỉ số về Tín dụng của Việt Nam tiếp tục giữ thứ hạng 9 đã đạt được từ năm 2020, và là nhóm chỉ số có thứ hạng cao nhất trong tổng số 21 nhóm chỉ số của GII.
Trong nhóm chỉ số về Liên kết đổi mới sáng tạo, chỉ số Hợp tác đại học - doanh nghiệp trong trong nghiên cứu và phát triển, tăng 31 bậc (từ hạng 65 lên 34). Chỉ số Quy mô phát triển cụm công nghiệp tăng 25 bậc (từ hạng 42 lên 17)...
Một số chỉ số đầu vào đổi mới sáng tạo mặc dù thứ hạng còn thấp nhưng đã có cải thiện nhất định so với năm 2020. Cụ thể, chỉ số Chất lượng các quy định pháp luật tăng 6 bậc (từ hạng 99 lên 93); chỉ số Lao động nữ có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao (% tổng lao động) tăng 5 bậc (từ hạng 84 lên 79)...
Về đầu ra đổi mới sáng tạo, một số chỉ số có cải thiện đáng ghi nhận dù thứ hạng còn thấp, như chỉ số Xuất khẩu dịch vụ ICT (% tổng giao dịch thương mại) tăng 11 bậc (từ hạng gần cuối 126 lên 115); chỉ số Xuất khẩu dịch vụ văn hóa và sáng tạo (% tổng giao dịch thương mại) tăng 6 bậc (từ hạng 97 lên 91).
Một số hạn chế còn tồn tại
Mặc dù, chỉ số GII của Việt Nam có sự chuyển biến nhưng các chuyên gia cũng thẳng thắn nhận định ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế còn tồn tại. Điển hình như các vấn về Thể chế, trong đó có 2 chỉ số quan trọng còn được đánh giá chưa cao dù đã có những thay đổi tích cực qua những năm gần đây, gồm Hiệu lực Chính phủ (hiện xếp hạng 71) và Chất lượng các quy định pháp luật (hiện xếp hạng 93).
Hạ tầng, dịch vụ ICT tuy đã có những tiến bộ vượt bậc trong nhiều năm qua nhưng chưa theo kịp sự phát triển chung của thế giới, vẫn còn đi sau nhiều quốc gia trên thế giới. Nhóm chỉ số về cơ sở hạ tầng CNTT giảm 3 bậc so với 2020 (từ thứ hạng 73 xuống 79). Trong đó, chỉ số có thứ hạng giảm nhiều nhất là Dịch vụ trực tuyến của Chính phủ, giảm 20 bậc (từ hạng 58 xuống 78)...
Ngoài ra, báo cáo của WIPO cũng cho biết chất lượng đổi mới sáng tạo cũng chưa cao, thể hiện ở các sản phẩm tri thức như bài báo, sáng chế, giải pháp hữu ích và các tài sản trí tuệ khác so với mức thu nhập còn ít và chưa được khai thác, phát triển, giao dịch nhiều trên thế giới...
Chú trọng xây dựng nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo
Với những số liệu đánh giá của WIPO, Bộ KH-CN đã nhấn mạnh tới một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải thiện các chỉ số thuộc trụ cột Thể chế.
Nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo cần được chú trọng xây dựng từ sớm qua hệ thống giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, cải thiện giáo dục ở cấp trung học và giáo dục đại học.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng CNTT. Cải cách thể chế cho các hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo. Tiếp tục nâng cao năng lực học hỏi công nghệ, hấp thụ tri thức, cả tri thức khoa học và tri thức kinh nghiệm của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân, của các cơ quan và công chức, viên chức Nhà nước.
Phát huy khai thác tốt hơn hoạt động đầu tư nước ngoài, các hiệp định thương mai song phương và đa phương; gây dựng cộng đồng doanh nghiệp năng động, có khả năng học hỏi và đổi mới sáng tạo.
Tăng chi cho KH-CN và đổi mới sáng tạo đi cùng với các biện pháp nâng cao tác động tích cực của KH-CN, đổi mới sáng tạo đến đời sống kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, sức khỏe của người dân...