Chân dung Quang Trung hom hem hoàn toàn không có giá trị
Giáo dục - Ngày đăng : 13:38, 05/01/2018
Trong bài trước, báo điện tử Một Thế Giới đã chỉ ra một số điểm sai ở bài báo nói "Trong bộ Thập toàn phu tảo, vua Quang Trung xuất hiện trong bức tranh có tên "An Nam quốc vương chí Tị Thử sơn trang", vẽ hình vua Quang Trung và hai bồi thần (tức Phan Huy Ích và Ngô Văn Sở) vào triều kiến vua Càn Long ở Nhiệt Hà".
Cũng trong bài báo đó còn trích đăng bức hình vẽ vua Quang Trung do Trần Quang Đức công bố và trích ý kiến ông Đức nói rằng “gần đây “một người bạn Trung Quốc gửi cho tôi bức tranh chân dung Quang Trung, hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh. Bức tranh này có ghi rõ An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của Quang Trung khi ở bên nhà Thanh)”.
Phải nói bức hình vẽ vua Quang Trung gây tranh cãi mạnh mẽ trong dư luận vì nó khác với tưởng tượng của nhiều người về vị vua trưởng thành trên lưng ngựa. Thật khó hình dung một vị vua, một vị tướng quân từng đánh bại hàng chục vạn quân Thanh lại hom hem như thế.
Bài báo trích lời một nhà nghiên cứu cho rằng đây chính là một trong ba bức chân dung vua Càn Long đã ra lệnh cho hoạ gia trong cung vẽ tại Bắc Kinh năm 1790 khi vua Quang Trung cầm đầu một phái đoàn sang chúc thọ. Nhưng như báo Một Thế Giới dẫn các sử liệu từ Việt Nam và cả từ chính Trung Quốc thì người sang Nhiệt Hà gặp Càn Long không phải Quang Trung. Do vậy, bức chân dung này không thể là của Quang Trung thực.
Lật lại vấn đề là người chọn đi thay vua Quang Trung phải có khuôn mặt ít nhiều giống Quang Trung nên bức tranh vẽ “Quang Trung giả” có thể phảng phất được Quang Trung thực không? Nếu bức tranh này là một họa sỹ phương Tây vẽ thì có thể tin được nhưng đây là bức vẽ được giới thiệu do họa gia Mậu Bính Thái và một hoạ sĩ phụ tá là Y Lan Thái thực hiện. Hai ông này đều là họa sĩ có tiếng trong cung đời Thanh Cao Tông (tức Càn Long).
Các họa sỹ cung đình Trung Quốc vẽ hình Càn Long - Ảnh: Internet
Khác xa với cách vẽ Càn Long của họa sỹ châu Âu đương thời - Ảnh: Internet
Cách vẽ của họa sỹ Trung Quốc thời xưa không giống như cách vẽ truyền thần của người phương Tây tôn trọng sự thật. Họa sỹ Trung Quốc muốn sống lâu trong cung thì phải biết vẽ. Để hiểu nỗi khổ của họa sỹ Trung Quốc trong cung đình thì xin hầu bạn đọc câu truyện thú vị được ghi trong sách "Ngũ đại sử bổ" nói về sự tích vẽ tranh cho Hậu Đường Thái Tổ Lý Khắc Dụng:
“Lý Khắc Dụng vốn bị chột mắt và có một họa sỹ giỏi làm gian tế bị bắt. Lý Khắc Dụng nói: nhà ngươi nhất định là họa sĩ giỏi, nếu như ngày nay nhà ngươi vẽ ta không tốt, thì bậc thềm dưới kia là nơi nhà ngươi chôn mình!". Họa sĩ vái lạy rồi bắt đầu đặt bút vẽ tranh. Bấy giờ đang là mùa hạ oi bức, Lý Khắc Dụng cầm trên tay một cây quạt tám cạnh, họa sĩ vẽ cạnh quạt che mất nửa mặt của ông, khuất đi con mắt bị chột. Ông xem tranh rồi nói: "Đây là nhà ngươi nịnh nọt, lấy lòng ta!" rồi ném trả bức tranh, bắt họa sĩ vẽ lại.
Họa sĩ rất thông minh, lập tức vẽ ngay một bức tranh Lý Khắc Dụng đang giương cung đặt tên, vì vậy một mắt phải nheo lại để ngắm đích. Ông rất vui, đem vàng lụa trọng thưởng cho họa sĩ rồi thả ông ta đi”.
Câu chuyện đủ thấy họa sỹ vẽ tranh cho các bậc đế vương Trung Quốc sống lâu là phải khôn ngoan khi vẽ thần thái vua theo các quý tướng, bỏ đi nét không thuận. Thành thử ra giờ xem tranh vẽ các vua Trung Quốc từ đời Đường, Tống đến Minh, Thanh thì thấy vị nào cũng giống vị nào, ai cũng mày đẹp, mắt cao hệt như khuôn đúc cả.
Với họa sỹ vẽ dưới triều Càn Long thì càng phải cẩn thận giữ mình chứ không lại mất đầu như chơi. Vì sao vậy? Càn Long ngại nhất là phạm húy và khá khát máu trong vụ văn tự . Cũng không mất nhiều thời gian để nhắc qua mấy án văn tự điển hình thời Càn Long như vụ Hàn lâm học sĩ Hồ Trung Tảo. Chỉ vì từng sáng tác câu thơ "Nhất bả tâm tràng luận trọc Thanh". Sau khi đọc xong, Hoàng đế liền nổi trận lôi đình, cho rằng việc thêm một chữ "trọc" ngay bên cạnh Quốc hiệu (chữ Thanh) là ý đồ phỉ báng. Bởi vậy, Hồ Trung Tảo chỉ vì một chữ "trọc" mà phải chịu chết, thậm chí còn liên lụy tới gia quyến, thầy dạy, bạn bè.
Hình vua Ung Chính cũng giống với hình vua Càn Long - Ảnh: Internet
Hình vua Gia Khánh cũng vậy - Ảnh: Internet
Lúc bấy giờ, danh sĩ Từ Thuật Quỳ từng sáng tác tập thơ "Nhất trụ lâu", trong đó có đôi câu: "Minh triều ky chấn thiên, nhất cử khứ thanh đô". Vua Càn Long cho rằng Từ Thuật Quỳ mượn chữ "triều" trong "triều tịch" để đọc thành "triều" trong "triều đại", sau đó suy luận ra ý nghĩa của câu thơ là: "Muốn chấn hưng Minh triều mà làm triều đại của ta mất đi". Do những suy luận vô cớ này, Từ Thuật Quỳ hiển nhiên mất mạng, Từ gia và những người có liên quan đều phải nhận án xử trảm.
Các họa sỹ cung đình thấy mấy án văn tự thì càng phải liệu mình vẽ Càn Long cho đủ các phúc tướng (không có thì gắng vẽ cho có), bỏ hết mấy nét không đẹp để giữ cái đầu. Nếu xem tranh các họa sỹ cung đình Trung Quốc vẽ Ung Chính hay Càn Long thì chúng ta cũng khó phân biệt vì hai vua nhà Thanh đều được vẽ với quý tướng như nhau. Đến khi xem tranh do họa sỹ phương Tây vẽ Càn Long (những họa sỹ được vẽ đúng sự thật) thì chúng ta thấy hình ảnh hai người khác nhau.
Khi vẽ chân dung người được gọi là “vua Quang Trung” thì các ông Mậu Bính Thái hay Y Lan Thái có dám vẽ thật không? Chỉ e rằng không dám vẽ thật hết mà phải bỏ đi những nét phúc tướng, có dấu hiệu đế vương. Vô phúc mà vẽ có lông mày hay đôi mắt từng vẽ cho Càn Long thì có khi lại sợ phạm “long nhan”.
Suy cho cùng thì cũng không cần tranh cãi khuôn mặt thực của Quang Trung như thế nào nếu chúng ta không thể có những bằng chứng đáng tin cậy ở thời điểm ấy (một bức tranh của họa sỹ phương Tây chẳng hạn). Quan trọng là Quang Trung đã đóng góp gì cho lịch sử và cho đất nước ta, điều đó đáng nhớ hơn.
Anh Tú