Bà mẹ có con 10 tuổi bị tiểu đường và những phụ huynh trông chờ vắc xin COVID-19 cho trẻ nhỏ

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 21:24, 22/09/2021

Trong một thế giới lý tưởng, Leah Smithers cho biết có thể đủ khả năng chờ đợi thử nghiệm lâu hơn với vắc xin COVID-19 trước khi tiêm cho con trai 10 tuổi của mình. Song căn bệnh tiểu đường tuổi vị thành niên khiến cậu bé có nguy cơ bị biến chứng cao hơn nếu mắc COVID-19.

Với cuộc đời tuổi trẻ của con trai gắn liền cùng đại dịch, Leah Smithers sẵn sàng cho bé tiêm vắc xin ngay khi đủ điều kiện.

Năm nay 43 tuổi, Leah Smithers sống ở thành phố Albany (vùng ngoại ô San Francisco, Mỹ) và có hai đứa con khác, 13 tuổi và 4. "Tôi là một phụ huynh lo lắng về thức ăn mà tôi đưa vào cơ thể con, về bất cứ thứ gì tôi đưa vào cơ thể chúng. Nhưng đây có vẻ là lựa chọn tốt nhất để giữ an toàn cho con", bà chia sẻ.

Thông báo hôm 20.9 từ Pfizer - BioNTech rằng vắc xin COVID-19 liều thấp của họ đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi trong thử nghiệm lâm sàng làm nhiều bậc cha mẹ trông chờ cơ hội bảo vệ con mình.

Biến thể Delta rất dễ lây lan tiếp tục hoành hành vào đầu năm học ở Mỹ khiến số trẻ nhỏ nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tăng vọt, bao gồm cả nhiều trường hợp phải nhập viện, và buộc hàng ngàn trường học phải đóng cửa trong nhiều ngày hoặc thậm chí vài tuần.

Pfizer - BioNTech cho biết họ có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép vắc xin theo quy định càng sớm càng tốt với liều 10 microgram mRNA cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, sau khi tạo đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ trong thử nghiệm với 2.268 người tham gia.

Loại vắc xin này ban đầu có liều 30 microgram mRNA, đã được phê duyệt khẩn cấp cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi. Các quan chức y tế tin rằng vắc xin với liều lượng thấp hơn của vắc xin Pfizer - BioNTech có thể được phê duyệt cho trẻ nhỏ hơn vào cuối tháng 10.2021.

Một số bậc cha mẹ tỏ ra do dự về việc tiêm vắc xin cho con nhỏ, với lý do thiếu các nghiên cứu quy mô lớn và dữ liệu dài hạn về ảnh hưởng của nó với lứa tuổi đó. Có khoảng 29 triệu trẻ em Mỹ từ 5 đến 11 tuổi.

Shen Nagel, bác sĩ nhi khoa ở thành phố Denver (bang Colorado, Mỹ), cho biết: “Nhiều bậc cha mẹ đã được tiêm vắc xin và mong con cái của họ cũng được tiêm phòng nhưng chỉ lo ngại về một loại vắc xin hoàn toàn mới. Họ cũng có suy nghĩ rằng trẻ em ít có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo hơn".

Khoảng 4/10 phụ huynh có con từ 5 đến 11 tuổi ở Mỹ cho biết sẽ "chờ xem" vắc xin hoạt động như thế nào trước khi tiêm cho con mình, theo dữ liệu thăm dò do Kaiser Family Foundation công bố vào tháng 8.

1/4 nói rằng "chắc chắn sẽ cho con mình tiêm vắc xin", trong khi "1/4 khác khẳng định sẽ làm như vậy ngay lập tức".

ba-me-co-con-10-tuoi-bi-tieu-duong-va-nhung-phu-huynh-trong-cho-vac-xin-cho-tre-nho.jpg
Một cậu bé đeo khẩu trang trong ngày đầu tiên đến trường ở thành phố New York, Mỹ hôm 13.9 giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh: Reuters

Trong các cuộc phỏng vấn, các bác sĩ nhi khoa và chuyên gia sức khỏe cộng đồng cho biết các bậc cha mẹ dường như ngày càng ít do dự hơn khi thời gian trôi qua.

Nancy Lataitis, bác sĩ nhi khoa khác ở thành phố Denver, nói một số phụ huynh mệt mỏi vì đại dịch COVID-19 đã nhận ra rằng tiêm vắc xin có thể là cách duy nhất để tránh trường học bị gián đoạn.

"Các trường học đang áp đặt cách ly, đóng cửa. Họ đang nghe về những giáo viên mắc COVID-19", Nancy Lataitis cho hay.

Jill Goldstein (50 tuổi) đã phải kéo con gái 8 tuổi của mình khỏi trường tiểu học ở thành phố New York vào ngày thứ hai của năm học sau khi một đứa trẻ khác có kết quả dương tính với COVID-19, dẫn đến việc cách ly 10 ngày bắt buộc với lớp học.

Jill Goldstein nói sẽ đưa con gái đi tiêm vắc xin và thừa nhận rằng bà có thể không phải là "người đầu tiên".

Jill Goldstein nói: “Tôi chỉ muốn đảm bảo lợi ích lớn hơn rủi ro. Tôi hiểu lợi ích không chỉ dành cho con gái mà còn cho cộng đồng, và tôi cũng đang tính đến điều đó".

Đánh giá rủi ro

Los Angeles, nơi có khu học lớn thứ hai của Mỹ, đã bắt buộc tiêm vắc xin cho học sinh 12 tuổi trở lên.

Theo dữ liệu liên bang, hơn 50% trẻ em Mỹ từ 12 đến 15 tuổi đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19, thấp hơn bất kỳ nhóm tuổi đủ điều kiện nào khác.

Theo Sean O'Leary, Phó chủ tịch Ủy ban các bệnh truyền nhiễm của Học viện Nhi khoa Mỹ, trong khi trẻ em vẫn có nguy cơ thấp hơn, gần 500 bé đã tử vong do COVID-19, đưa nó vào top 10 nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em tại Mỹ.

Tại một số khu vực có tỷ lệ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 cao, các bệnh viện nhi đã quá tải.

Sean O'Leary nói không có lý do gì để lo lắng vắc xin có thể gây ra bất kỳ nguy cơ cụ thể nào cho trẻ nhỏ hơn. “Những loại vắc xin này có lẽ đã được đánh giá về độ an toàn tốt hơn bất kỳ loại thuốc nào khác trong lịch sử”, ông nói.

Sean O'Leary lưu ý rằng trước đây vắc xin không mang lại tác dụng phụ lâu dài. Các phản ứng có hại có xu hướng xảy ra ngay sau khi tiêm vắc xin, không phải vài tháng sau đó.

Vẫn có khả năng vắc xin có thể gây ra một số tác dụng phụ hiếm gặp ở trẻ em mà không thể phát hiện được trong một nghiên cứu tương đối nhỏ. Song đó không phải là lý do để tránh vắc xin, Arthur Reingold, Chủ nhiệm khoa dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học California-Berkeley, cho biết.

Adrienne Day, nhà báo ở quận Brooklyn, thành phố New York, chắc chắn về kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 cho con gái 7 tuổi của mình, nói rằng cô tin tưởng vào khoa học đằng sau nó.

"Với tôi, nó giống như việc chủng ngừa bệnh sởi, quai bị và rubella hoặc tiêm phòng cúm", Adrienne Day nói.

Sơn Vân