Phản ứng của Úc khi Pháp làm hòa với Mỹ nhưng vẫn lạnh nhạt với Úc
Quốc tế - Ngày đăng : 08:45, 23/09/2021
Pháp chưa nguôi giận Úc
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn lạnh nhạt với Úc khi chưa sẵn sàng nói chuyện với Thủ tướng Scott Morrison trong bối cảnh Paris chưa nguôi giận dữ về thỏa thuận tàu ngầm bị phá bỏ.
Thủ tướng Morrison bày tỏ hy vọng sẽ có cuộc nói chuyện với Macron “vào thời điểm thích hợp và khi cơ hội xuất hiện” nhưng ông hiểu “sự tổn thương và thất vọng” mà Pháp cảm thấy về việc hủy bỏ thỏa thuận 56 tỉ euro.
Như đã đưa tin hai tổng thống Macron và Joe Biden đã có cuộc điện đàm vào 21.9, đã kết thúc 5 ngày bế tắc giữa các nhà lãnh đạo. Trong tuyên bố chung, hai vị lãnh đạo Mỹ - Pháp đã đồng ý gặp nhau ở châu Âu vào cuối tháng 10, có thể là tại hội nghị thượng đỉnh G20, để thảo luận về cách cải thiện các cuộc tham vấn trong tương lai.
Trong một dấu hiệu của một số tiến triển, Macron hứa sẽ đưa đại sứ Pháp trở lại Washington vào tuần tới. Thế nhưng, vẫn chưa rõ khi nào Pháp sẽ đưa đại sứ quay trở lại Úc. Cuối tuần trước, Pháp đã triệu hồi đại sứ từ cả Mỹ và Úc về nước để thể hiện thái độ giận dữ trước việc Úc bỏ hợp đồng mua tàu ngầm Pháp để chuyển sang mua tàu ngầm Mỹ. Việc Úc hủy bỏ hợp đồng gây sứt mẻ nghiêm trọng tới uy tín của Tổng thống Pháp trước cuộc bầu cử vào năm tới.
Úc sẽ kiên nhẫn chờ đợi
Trước việc Mỹ - Pháp ra được tuyên bố chung, Thủ tướng Úc Morrison cho biết ông “vui mừng” vì ông Biden đã “có thể làm rõ, không chỉ quan điểm của Mỹ, mà là của tất cả các đối tác trong thỏa thuận mới này” về vai trò quan trọng của Pháp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“Tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng đối với ngài tổng thống là phải đạt được tuyên bố đó”, Thủ tướng Morrison nói với các phóng viên tại Washington. "Tôi mong đợi, vào thời điểm thích hợp và khi cơ hội đến, chúng tôi sẽ có một cuộc thảo luận tương tự".
Nhưng ông Morrison cho rằng các vấn đề giữa Úc và Pháp sẽ “cần nhiều thời gian để giải quyết hơn những vấn đề đang được giải quyết giữa Mỹ và Pháp”.
Thủ tướng Morrison cho biết Úc coi trọng mối quan hệ với Pháp và muốn hợp tác với Paris và châu Âu để duy trì một khu vực ổn định và an ninh.
“Vì vậy, cánh cửa của chúng ta vẫn đang rộng mở. Chúng tôi vẫn luôn để ngỏ cánh cửa đó. Chúng tôi hiểu sự tổn thương và thất vọng. Chúng tôi sẽ kiên nhẫn và chúng tôi mong muốn được làm việc với những người bạn cũ một lần nữa".
Khi Thủ tướng Morrison được hỏi liệu ông có sẵn sàng xin lỗi Macron khi có cơ hội hay không, người đứng đầu chính quyền Úc trả lời rằng ông đã hành động phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia của Úc.
Ông Morrison khẳng định: "Các quyết định khó khăn phải được đưa ra bởi thủ tướng dựa trên lợi ích của chúng tôi, và vì vậy tất nhiên đó là điều cần thiết đối với tôi".
Thủ tướng Morrison cũng bác bỏ ý kiến cho rằng tuyên bố chung của hai tổng thống Biden và Macron có thể được coi là sự phủ nhận đối với chính sách ngoại giao của Úc trong việc hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm.
Ông Morrison cho biết Mỹ và Pháp là đối tác của NATO, một mối quan hệ mang lại “những kỳ vọng nhất định… về cách họ liên minh với nhau trong các vấn đề an ninh quốc gia”.
“Các vấn đề mà Tổng thống Mỹ đang giải quyết rất khác nhau vì đó là các mối quan hệ khác và có các nghĩa vụ khác nhau”.
Thủ tướng Morrison tái khẳng định rằng Úc “đã thông báo” đánh giá của họ rằng tàu ngầm thông thường sẽ không còn đáp ứng được các yêu cầu của họ. Đây là cách phủ nhận việc chính phủ Pháp cho biết họ đã bị "đâm sau lưng", "bị phản bội" và lập luận rằng các đồng minh cố tình giấu giếm chuyện này trong bóng tối và không đưa ra lời báo trước xác thực.
Úc làm việc chặt chẽ với Mỹ
Hôm 22.9, ông Morrison đã hội đàm với các nhà lãnh đạo quốc hội Mỹ trên Đồi Capitol, trong đó có Chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi, nhằm tăng cường ủng hộ về mặt luật pháp cần thiết để cho phép Mỹ chia sẻ công nghệ hạt nhân nhạy cảm với Úc.
Chào mừng Thủ tướng Morrison tới Lầu Năm Góc hôm 22.9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh rằng quan hệ đối tác Aukus “được thiết kế để xây dựng dựa trên các liên minh hiện có của chúng ta”.
Bộ trưởng Austin cho biết sự liên kết giữa Mỹ và Úc đang “mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, vì cả hai quốc gia đều nhìn nhận những thách thức tại khu vực “qua một lăng kính giống nhau” và chia sẻ “cùng một cảm giác cấp bách”. Cả hai bên đều đánh dấu kế hoạch triển khai thêm quân đội Mỹ tới Úc sau cuộc đàm phán an ninh thường niên ở Washington vào tuần trước.
Thủ tướng Morrison cảm ơn Mỹ đã hỗ trợ các hoạt động sơ tán của Úc sau khi Afghanistan thất thủ vào tay Taliban vào tháng 8. Ông nói rằng “Úc không thể vận chuyển 4.100 người ra khỏi địa điểm khủng khiếp đó nếu không nhờ sự hy sinh của Lực lượng phòng vệ Mỹ”.
Áp lực từ trong chính nước Úc
Những vận động của ông Morrison tại Mỹ cũng là cách đáp trả nhắm vào các đối thủ chính trị trong nước của mình. Trước đó, người phát ngôn đối ngoại của đảng Lao động đối lập, Penny Wong phàn nàn thỏa thuận mới trong đó có việc mua tàu ngầm hạt nhân sẽ khiến Úc không thể duy trì quyền tự do hành động đơn phương do ngày càng phụ thuộc công nghệ từ Mỹ.
Đảng Lao động bày tỏ cam kết rằng sẽ tìm cách để Úc không thành lập một ngành công nghiệp hạt nhân dân dụng trong nước, cũng như không mua vũ khí hạt nhân và sẽ tuân thủ hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Từ Mỹ, Thủ tướng Morrison phát biểu: “Tôi nghĩ rằng người Úc sẽ cảm thấy khó hiểu tại sao lại có thể có sự ủng hộ của lưỡng đảng ở Mỹ đối với sáng kiến này và chỉ trong vài ngày, trong vài ngày, đảng Lao động dường như đang muốn đánh cược bất chấp. Còn tôi không có cách nào để đặt cược vào an ninh quốc gia".
Như vậy, có thể thấy ông Morrison chịu áp lực không chỉ từ quốc tế mà cả từ trong nước về vấn đề tàu ngầm hạt nhân. Nhưng ông khẳng định đó là sự lựa chọn vì lợi ích quốc gia. Cuộc bầu cử sắp tới vào năm 2022 sẽ cho thấy cử tri Úc muốn gì.