Phát sóng truyền hình các bài giảng lớp 1 và 2, không để học sinh dừng học vì thiếu máy tính
Giáo dục - Ngày đăng : 12:29, 23/09/2021
Triển khai việc dạy học ứng phó với tình hình dịch COVID-19, Bộ GD-ĐT đã tổ chức xây dựng, lựa chọn hệ thống bài giảng đảm bảo chất lượng để tổ chức dạy học trực tuyến và phát sóng trên truyền hình theo môn học, cấp học để các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh học tập phù hợp với kế hoạch dạy học của địa phương.
Riêng về dạy học trên truyền hình, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) sản xuất bài giảng truyền hình, trong đó ưu tiên cho lớp 1 và 2, vốn đang gặp nhiều khó khăn trong học tập trực tuyến. Đối với lớp 1, 2, việc dạy học qua truyền hình hiện được thực hiện với 3 môn: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh.
Cụ thể, khung giờ phát sóng bài giảng lớp 1, lớp 2 trên các kênh truyền hình quốc gia như sau:
- Kênh VTV1, từ 10h00 - 10h30 thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, phát sóng bài giảng môn Tiếng Việt lớp 1.
- Kênh VTV2, từ 9h15 - 9h45 và từ 14h30 - 15h00 thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, phát sóng bài giảng môn Tiếng Việt lớp 1.
- Kênh VTV7, từ 14h00 - 16h30 thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, phát sóng bài giảng Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh lớp 1 và lớp 2.
Thời gian qua, việc phát sóng qua truyền hình đã được thực hiện trên 3 kênh truyền hình quốc gia là VTV1, VTV2, VTV7; các kênh truyền hình tỉnh/thành phố thực hiện tiếp sóng hoặc phát lại các chương trình này trong các khung giờ phù hợp trên sóng truyền hình địa phương. Ngoài lớp 1, lớp 2, kênh VTV7 và một số kênh truyền hình địa phương hiện còn đang phát sóng bài giảng các môn lớp 6, lớp 10, lớp 12.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu ngành giáo dục rà soát chương trình giáo dục các cấp học xây dựng các bài giảng chất lượng tốt để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình khi học sinh không thể đến trường do phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội. Chú trọng hơn nữa trong bảo đảm công bằng giáo dục giữa thành thị và nông thôn, giữa nơi có dịch và không có dịch. Đặc biệt lưu ý đối tượng là học sinh nghèo trong vùng có dịch.
Tổ chức chương trình hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ giá cước viễn thông, internet cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn để tham gia học trực tuyến trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tăng cường công tác giám sát y tế trong trường học, không để dịch bệnh lây lan. Đối với các địa phương phải giãn cách xã hội dài ngày, cần chủ động điều chỉnh kế hoạch năm học; có phương án đặc cách kết thúc năm học, thi cuối cấp, tuyển sinh nếu cần thiết.