Tản mạn về sinh ngữ trong tiếng Việt

Giáo dục - Ngày đăng : 02:23, 14/02/2018

Cũng có những từ phát sinh, rồi chết yểu, sau không ai dùng nữa. Vì nó sai, gượng ép, dùng một thời nhất định rồi thôi. Chẳng hạn từ “thu giá” đang được Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải áp dụng nhưng chắc chắn sẽ chết. Vì nó đúng là “thu phí”.
Đội cờ đỏ cắt tóc những người để tóc dài, bị coi là dân "ăn chơi", ngay giữa phố - Ảnh: Tư liệu/Internet

Ngôn ngữ đời sống cũng có đời sống riêng. Nó có số phận. Nó cũng sinh ra, tồn tại và chết đi.
Những từ như “hết sảy”, “mút chỉ” thịnh hành ở miền Nam trước năm 1975, bây giờ không mấy ai dùng nữa.

Để chỉ những người ngang tàng, không theo chuẩn, ngày xưa (trước 1975) người ta dùng từ “du côn”. Văn chương tiền chiến cho thấy ngày đó, người ta dùng từ “đàng điếm” chỉ loại thanh niên mà nửa thế kỷ sau gọi là dân "du côn”, dân "ăn chơi”…

Để chỉ những cô gái làm nghề bán trôn nuôi miệng, trước kia (trước 1954) thì dùng từ “đĩ”. Từ này sống dai ở miền Nam đến sau này, còn ở miền Bắc tuy cũng dùng từ đó nhưng không phổ biến, mỗi nơi một khác. Ở khu vực Hà Nội thì gọi là “điếm”, ở khu vực Hải Phòng gọi là “bớp”. Tất nhiên, từ “điếm” ở thủ đô sống dai, gắn với “đĩ” thành “đĩ điếm”. Nhưng thực ra từ “bớp” mới là gợi tả. Con bớp là con cá bớp. Con cá bớp ăn cua, là tập tính đặc biệt của nó. Đến con cua mà còn ăn, thì con ấy ăn mọi thứ. Phải người Hải Phòng mới hiểu vì sao gọi là “con bớp”. Ngày nay, đồng loạt gọi là “ca ve” cả.

Hồi trước năm 1945, để gọi Trung Quốc, sách báo và tài liệu nghiêm túc nước ta đều gọi là “nước Tàu”. Bây giờ gọi “Tàu” lại thành ra miệt thị. Nhưng nếu làm phim năm 1940, để cho nhân vật nói “tôi đi Trung Quốc” thì đích thị không phải ngôn ngữ của thời kỳ đó.

“Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ” là ngôn từ của những năm rất xa, từ thời Pháp thuộc, sống dai ở miền Nam (Nam kỳ lục tỉnh). Còn người miền Bắc thì gọi đơn giản “miền Bắc, miền Trung, miền Nam”. Ngày nay gọi gắn chữ “kỳ” vào lại là miệt thị. Hoặc ngày nay có từ “xe ôm”, chỉ có từ sau 1975, từ miền Nam lan tỏa ra cả nước.

Cũng như vậy, có một hành động, mà mỗi thời, mỗi miền gọi một khác. Đầu quân, tòng quân, nhập ngũ, đi lính, vô lính, đi bộ đội... Mỗi thời mỗi khác, mỗi miền một khác. Nghe là biết ở thời nào, miền nào.

Hiện nay, ngôn ngữ vận động rất nhanh, nhiều từ mới. Ví dụ như “thả thính”, “lầy lội”. Mấy ông già hỏi tôi: “chúng nó nói thằng ấy lầy lội lắm là sao hả?”. Hoặc từ “tự sướng” chỉ trở nên phổ biến khi có điện thoại thông minh. Ngày xưa nói đến “tự sướng” thì là ám chỉ việc khác.

Ngôn ngữ là một sinh ngữ, không bất biến. Nó cũng “tự diễn biến” như là một quy luật tất yếu, khách quan. Liệt kê ra không hết. Nhưng người biên tập văn học sử và kịch bản nên và phải biết. Nếu không thì không ra không khí lịch sử của thời đại đó. Chuyện này sẽ nói dài dài, xứng đáng là một loạt bài chứ không chỉ một bài.

Cũng có những từ phát sinh, rồi chết yểu, sau này không ai nói đến nữa. Vì nó sai, gượng ép, dùng một thời rồi thôi. Ngày nay, từ “thu giá” đang được chính phủ và Bộ Giao thông vận tải dùng nhưng chắc chắn sẽ chết. Vì nó đúng là “thu phí”. Chắc những ông bảo vệ các trạm BOT giao thông muốn người ta hiểu là thu thêm vào giá đi đường một cách chính thống. Vậy sao không bảo đó là “thu bù” cái gì đó?

Cuối cùng, một ví dụ, từ “chém gió”. Thời kháng chiến chống Mỹ không ai dùng từ đó. Ngày nay bảo “thằng này chém gió chém bão” thì ai cũng hiểu. Ngày trước phải nói “thằng này bốc phét”, trước đó nữa, thời xa hơn thì phải nói “thằng này nói khoác” hay là “thằng này khuếch khoác”.

Nguyễn Xuân Hưng