Việt Nam có thể tăng trưởng xuất khẩu bất chấp đại dịch COVID-19
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:17, 23/09/2021
Tăng trưởng bất chấp đại dịch
8 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 213,52 tỉ USD, tăng 21,8%, tương ứng tăng 38,15 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 297,43 tỉ USD, tăng 31,2% (tương ứng tăng gần 70,8 tỉ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 132,25 tỉ USD, tăng 19,8% (tương ứng tăng 21,83 tỉ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó 6 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỉ USD, chiếm 63,1%).
Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương lý giải, nguyên nhân đầu tiên khiến Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu bất chấp đại dịch COVID-19 là do các quốc gia trên thế giới dần mở cửa trở lại, làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam như: dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử....
Đơn cử như: kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 10,31 tỉ USD, tăng mạnh 68%, tương ứng tăng 4,16 tỉ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Mỹ đạt 8,09 tỉ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước; Giày dép các loại: đạt 5,17 tỉ USD, tăng 30,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,33 tỉ USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước;…
Sang Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu của máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác của Việt Nam đạt 1,7 tỉ USD, tăng 33%, tương ứng tăng 417 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 931 triệu USD, tăng 14%;…
Nguyên nhân thứ hai là do việc triển khai các FTA hiệu quả góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Với việc tận dụng ưu đãi mở cửa thị trường từ các hiệp định thương mại tự do mới ký kết như: EVFTA, UKVFTA, CPTPP, xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2021 sang Mỹ với kim ngạch đạt 62,2 tỉ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 32,7 tỉ USD, tăng 19,8%...
Ban Chỉ đạo 35 đánh giá: "Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã có tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại trên phạm vi toàn cầu, xuất khẩu của cả nước vẫn có tăng trưởng dương do các doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thay thế. Điều này cho thấy việc đẩy mạnh các hoạt động đàm phán, ký kết các FTA đã giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường".
Bên cạnh đó, xuất khẩu đã có sự tăng trưởng cân đối hơn, không chỉ về quy mô chiều rộng mà hướng tới cả về chiều sâu. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tiếp cận được các khu vực thị trường được coi là “khó tính” nhất trên thế giới, nơi áp dụng những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là với nhóm hàng nông sản và thủy sản.
Ví dụ như: xuất khẩu mặt hàng rau quả 7 tháng đầu năm sang Anh tăng 72,5% (đạt 9,5 triệu USD), sang Canada tăng 16,2% (đạt 19,2 triệu USD), sang Nhật Bản tăng 18,2% (đạt 93,6 triệu USD), sang Australia tăng 45,6% (đạt 46,6 triệu USD),…
Nguyên nhân thứ ba là do sức cầu của thị trường thế giới hồi phục mạnh. Trong đó, các nền kinh tế lớn có tốc độ phục hồi nhanh gây ra sự thiếu hụt, tạo sự gia tăng giá hàng hóa trên thị trường quốc tế. Giá xuất khẩu tăng góp phần thúc đẩy giá trị xuất khẩu gia tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Ở nhóm hàng nông, thủy sản, các mặt hàng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về giá xuất khẩu bình quân so với cùng kỳ là hạt tiêu (tăng 51,3%) và cao su (tăng 30%). Trong đó, xuất khẩu cao su đạt 919 nghìn tấn, tăng 34,2% so với cùng kỳ, cùng với mức giá xuất khẩu bình quân khoảng 1.678 USD/tấn, tăng 30% so với cùng kỳ giúp trị giá xuất khẩu cao su đạt 1,54 tỉ USD, tăng 74.5%, là mặt hàng tăng cao nhất trong nhóm hàng nông, thủy sản....
Tăng cường gỡ khó cho xuất khẩu
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương vùng dịch, các hiệp hội ngành hàng để tìm hiểu, có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ sẽ chú trọng triển khai các hiệp định thương mại tự do nói chung, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Mục tiêu là không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp nắm được nội dung cam kết CPTPP, EVFTA mà còn vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi của hiệp định.
Đặc biệt, sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để cắt giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, cắt giảm chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước cho doanh nghiệp.
Theo đó, Ban Chỉ đạo 35 dự báo: "Trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao theo chu kỳ xuất nhập khẩu hàng hóa và tín hiệu phục hồi của cầu hàng hóa trên thị trường thế giới, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản,…"