Hơn 4.690 ca COVID-19 nặng đang điều trị
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:15, 24/09/2021
Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 728.435 ca nhiễm, đứng thứ 46/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.402 ca nhiễm).
Nếu tính riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 723.962 ca, trong đó có 488.309 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Hiện có 16/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn.
Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Hải Dương.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (358.707), Bình Dương (190.257), Đồng Nai (43.122), Long An (31.231), Tiền Giang (13.531).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
Trong ngày 23.9, thêm 6.226 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên con số 493.488 người.
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.696 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.964
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 798
- Thở máy không xâm lấn: 178
- Thở máy xâm lấn: 725
- ECMO: 31
Số bệnh nhân tử vong
Trong ngày 23.9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ghi nhận 236 ca tử vong tại TP.HCM (175), Bình Dương (37), Long An (7), Đồng Nai (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Bình Thuận (2), Tây Ninh (2), Tiền Giang (1), Hà Nội (2), Bình Định (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 227 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.017 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
+ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã bàn giao 63.000 kit test cho Sở Công thương để phân bổ cho các doanh nghiệp quản lý shipper. Đồng thời tập huấn công tác lấy mẫu xét nghiệm để các đơn vị có thể tự lấy mẫu xét nghiệm cho shipper.
+ Sở Y tế vừa có văn bản trình UBND TP.HCM xem xét cơ chế tài chính đối với các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị COVID-19. Ngoài chi phí điều trị COVID-19, chi phí vật tư tiêu hao chưa được kết cấu vào giá dịch vụ kỹ thuật và thuốc điều trị COVID-19 được ngân sách nhà nước thanh toán theo quy định phù hợp, các chi phí phục vụ khác theo yêu cầu ngoài phạm vi chi trả của ngân sách nhà nước (tiền phòng, tiền ăn theo yêu cầu, các dịch vụ tiện ích tăng thêm theo yêu cầu người bệnh), bệnh viện được thu tiền người bệnh theo mức giá thỏa thuận giữa bệnh viện và người bệnh nhưng không được vượt quá mức giá mà bệnh viện đã kê khai với Sở Y tế (nếu có).
+ Người dân trên 18 tuổi ở TP.HCM nếu chưa được tiêm vắc-xin mũi 1 có thể gửi tin nhắn đến tổng đài 8066 theo cú pháp MUI1 HoTen NamSinh QuanHuyen để đăng ký. Danh sách đăng ký sẽ được chuyển qua thư điện tử với tần suất 1 giờ/lần đến UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức để tổ chức tiêm theo Kế hoạch tiêm chủng của Thành phố.(Theo HCDC)