Những điều đắng lòng sau chiến lược kiểm soát đại dịch tại Singapore
Hồ sơ - Ngày đăng : 13:51, 24/09/2021
Năm 2020, Singapore bị ảnh hưởng bởi một loạt đợt bùng phát coronavirus, tập trung xung quanh các ký túc xá dành cho hàng nghìn công nhân nhập khẩu.
Các ca nhiễm đến nay đã giảm đáng kể, nhưng hầu hết người tại đây vẫn không được phép rời khuôn viên ngoại trừ khi đi làm (bằng xe đưa đón). Đó là một trong những nơi có thời gian "giam lỏng" vì COVID lâu nhất trên thế giới.
Cuộc sống trong tù của công nhân nhập cư
"Đây là cuộc sống ở trong tù. Đây là cuộc sống của tù nhân bị giam cầm", một công nhân tên Sharif cho biết. Sharif đến Singapore vào năm 2008. Khi đó, vợ anh đang mang thai và hiệu sách của anh ở Bangladesh đã phá sản.
Trong 13 năm qua, Sharif đã tự kiếm sống ở Singapore, nhưng kể từ đầu năm 2020, tất cả những gì anh biết là bốn bức tường ở khu ký túc xá và công trường nơi anh làm việc.
Sharif và gần 300.000 người khác bị cấm tiếp xúc với người ngoài ký túc xá. Tuần trước, chính phủ Singapore thông báo sẽ cho phép một số ít người lao động được ra ngoài theo một "kế hoạch thí điểm".
Sharif nói: "Tôi hoan nghênh việc thí điểm. Nhưng tôi không thể tỏ ra quá vui trước tin này. Người lao động chỉ được phép đến một địa điểm nhất định trong một thời gian cố định".
Và Sharif cũng không có trong danh sách những người tham gia kế hoạch thí điểm. Ngồi trên chiếc xe tải chở đến nơi làm việc, Sharif thường nhìn thoáng qua thành phố và con người nơi đây, những người chưa bao giờ phải chịu những hạn chế tương tự.
Sharif kể: "Khi tôi nhìn thấy mọi người bên ngoài, trông hạnh phúc, tôi rất đau lòng. Họ đi ăn, đi mua sắm, gặp gỡ bạn bè. Và tôi nghĩ, 'tại sao lại không phải là tôi? Tôi đã tạo ra loại coronavirus này à?'"
Hầu hết thời gian rảnh rỗi, Sharif đều dành để nằm trên tầng giường cao nhất để nói chuyện với gia đình hoặc viết văn, làm thơ - cả bằng tiếng Anh và tiếng Bengali.
Sharif nói ban đêm là lúc mọi thứ khó khăn nhất. Mọi người thường đi lang thang ngoài hành lang hoặc cố gắng ngủ trên mặt đất bên ngoài.
Sharif kể: "Tôi nằm trên giường và giấc ngủ sẽ không đến. Làm sao tôi có thể ngủ được? Tôi cần ánh sáng trong lành, tôi cần oxy trong lành".
Tại sao lại có bất bình đẳng ở trong và ngoài ký túc xá?
Vào ngày đầu tiên của kế hoạch thí điểm, BBC đã được mời đến khu Litte India của Singapore. Năm mươi công nhân được phép dành bốn giờ ngoài ký túc xá của họ mà không có người giám sát. Người phát ngôn của Bộ Nhân lực Singapore (MOM) gọi đây là một "cột mốc".
Tại một trong những ngôi đền Hindu chính của Singapore, hai người đàn ông đã được giới thiệu với các nhà báo. Một trong số họ, Packrisamy Muruganantham đến từ Ấn Độ, nói rằng anh ấy "rất vui khi được ra ngoài" và "rất biết ơn chính phủ Singapore và MOM đã quan tâm đến chúng tôi".
Kể từ khi bắt đầu đại dịch, Singapore đã báo cáo 58 ca tử vong trên tổng dân số 5,7 triệu người.
Thành công của nước này trong việc ngăn chặn vi rút đã mang lại cho người dân Singapore thời gian dài thoải mái suốt hơn một năm rưỡi qua.
Nhưng ngay cả khi những hạn chế ở mức khắc nghiệt nhất khi đất nước thực hiện phong tỏa, không một người khỏe mạnh nào ở Singapore bị cấm rời khỏi nhà của họ.
Ví dụ, các bài tập thể dục trong điều kiện giãn xã hội đã được khuyến khích. Nhưng điều đó không áp dụng đối với những người ở ký túc xá.
Vào tháng hai, Bộ trưởng Nhân lực Singapore, Tiến sĩ Tan See Leng cho biết: "Điều kiện sống và làm việc chung của công nhân nhập cư trong các ký túc xá khiến họ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn và dễ hình thành các ổ dịch lớn".
Tiến sĩ Tan đã từ chối cuộc phỏng vấn với BBC, nhưng trong một tuyên bố, người phát ngôn của Bộ Nhân lực (MOM) cho biết chính sách giữ chân công nhân trong ký túc xá là "để bảo vệ sức khỏe của công nhân nhập cư và giảm thiểu nguy cơ lây truyền bệnh thêm".
Đối với Sharif, có cảm giác như anh ta đang bị trừng phạt hơn là được bảo vệ. Sharif nói: “Mọi người trong cộng đồng đều được phép ra ngoài. Khi tôi nhìn thấy luật chỉ dành cho lao động nhập cư, tôi nghĩ, 'Chúng ta không phải là con người? Hay chúng ta là động vật? Chúng ta không hiểu gì sao? Chúng ta vô ý thức đến vậy sao?'"
Một sự thức tỉnh
Những người trong ký túc xá - hầu hết đến từ các nước Nam Á - làm những công việc chân tay chủ yếu ở đây. Họ xây dựng những con đường, cây cầu và các tòa chung cư của Singapore. Đổi lại, họ có thể gửi về cho gia đình những khoản tiền hậu hĩnh.
Tasrif - cũng đến từ Bangladesh - đến vào năm 2017 với phí môi giới 7.500 USD. Anh chàng 25 tuổi, kiếm được dưới 750 USD một tháng với nghề bảo trì các thiết bị điều hòa không khí.
Tasrif nói: “Chúng tôi đang làm việc không mệt mỏi cho đất nước này. Chúng tôi đang làm mọi thứ, chúng tôi đang làm mọi thứ cho các người. Chúng tôi là những con người giống như bất kỳ ai, như tất cả mọi người trong cộng đồng. Chúng tôi muốn được trả lại nhân phẩm".
Nhưng cuộc sống trong ký túc xá thường có nghĩa là phải chung phòng với 30 người và chia không gian phòng tắm, nấu ăn và giải trí với hàng trăm người khác.
Những điều kiện này đã dẫn đến sự bùng phát COVID-19 lớn trong các ký túc xá vào tháng 3.2020. Các ổ dịch lớn khiến Singapore vốn gần như không bị ảnh hưởng bởi coronavirus phải chuyển sang tuyên bố đóng cửa trên toàn đảo trong hai tháng.
Tình cảnh trên đã khiến Tommy Koh, cựu đại sứ Singapore tại LHQ, gần đây đã lên tiếng chỉ trích chính sách.
Ông Koh nói: “Chúng ta nên coi điều này như một lời cảnh tỉnh. " Nên đối xử với những người lao động nhập cư mà chúng ta không thể thiếu như một quốc gia thuộc thế giới thứ nhất và không phải theo cách mà họ đang bị đối xử đáng hổ thẹn như hiện nay".
Nhưng chính phủ Singapore luôn đề cao về việc tách biệt dân nhập cư ở ký túc xá khỏi những người khác trong nước.
Họ có thị thực khác, làm việc theo luật lao động khác nhau và chính quyền cũng không vờ quên rằng những người ở ký túc xá có quyền lợi giống như những người nước ngoài khác làm công việc cổ cồn trắng trong thành phố.
Ngay cả số ca COVID-19 chính thức được báo cáo hàng ngày cũng được chia thành ba loại: "Nhập cảnh", "Cư dân ký túc xá" và "Cộng đồng".
"Cộng đồng" có nghĩa là tất cả mọi người, ngoại trừ những người sống trong ký túc xá.
Các số liệu thật đáng kinh ngạc. Tính đến ngày 16.9, lao động nhập cư chiếm 74% tổng số các ca mắc COVID-19 được ghi nhận cho dù giới công nhân này chỉ chiếm 5% tổng dân số Singapore.
Năm ngoái, truyền thông đã đưa tin về một loạt các vụ tự tử và cố gắng tự tử trong ký túc xá. Khi được hỏi về tình hình hiện tại, MOM từ chối cung cấp bất kỳ chi tiết nào.
Thay vào đó, họ cho biết họ "luôn quan tâm và có ý thức về sự cần thiết phải hỗ trợ tốt hơn cho đời sống tinh thần của những người lao động nhập cư " và rằng họ cung cấp các dịch vụ tư vấn và đường dây trợ giúp cho những người cần nó.
Giáo sư Jeremy Lim, giám đốc y tế toàn cầu tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng việc từ chối quyền tự do của người lao động hiện nay chỉ có lợi cho sức khỏe cộng đồng.
Giáo sư Lim nói: "Tôi có thể nói rằng mối quan tâm của COVID-19 đang bị thổi phồng quá mức. Họ đã được tiêm phòng, họ đã quen với việc giữ khoảng cách an toàn, họ đeo khẩu trang. Vậy chúng ta có thể làm gì hơn? Nói với tư cách là một chuyên gia y tế công cộng, chúng tôi phải nhận ra có những giới hạn. Ngay bây giờ là lúc để tập trung vào sức khỏe tinh thần của những người lao động này bởi vì họ thực sự, thực sự đang gặp khó khăn vào lúc này".