Chấm phá về Trần Vũ Mai và Đỗ Nam Cao
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 13:22, 24/09/2021
Hai anh chàng này, sinh thời rất thân thiết với nhau. Trần Vũ Mai còn thân với cả vợ chồng Đỗ Nam Cao, và đã không dưới một lần, mượn xe đạp của vợ chồng Cao - Hồng để đi… bán - đặng trả tiền rượu.
Trần Vũ Mai, sau chiến tranh, là nhà thơ thể hiện rõ nhất cái mà người ta hay gọi là “hội chứng chiến tranh” hay “sang chấn chiến tranh’.
Đỗ Nam Cao thì ngược lại, chiến tranh ngấm vào anh từ từ, sau khi anh đã đi qua nó. Ngấm từ từ không có nghĩa là dễ chịu, nhưng ít những xung động bộc lộ khó kiếm soát. Cứ ngỡ, Đỗ Nam Cao hoàn toàn kiểm soát được mình khi làm thơ. Hóa ra không phải. Anh chỉ thăng hoa những gì anh không kiểm soát được, khi làm thơ mà thôi. Mà thăng hoa những gì mình khó kiểm soát để thành thơ, là cái thăng hoa tuyệt vời nhất, may mắn nhất cho một nhà thơ. Cao có một tập thơ nhan đề là Dính. Nhưng thực ra, thơ anh Trôi, trôi trước rồi mới dính sau.
Sự thăng hoa tạo cho thơ cái bất ngờ không cố ý. Và như thế là tự nhiên. Khi Đỗ Nam Cao viết về nhà thơ Hữu Loan “Người câm như hạt thóc” thì ta có thể đoán ý, dù Cao chưa nói rõ. Nhưng khi Đỗ Nam Cao viết hai câu lục bát, mà câu lục là “Cho chân vào cái cối đời” thì không ai đoán được câu bát anh sẽ viết gì “Niềm tin ra bã lại vời đến quê”, ta mới “vỡ òa” ra. Không ai nghĩ, cái cối đời lại “giã nát niềm tin” cả. Vậy mà có đấy. Đỗ Nam Cao cảm nhận điều đó rất rõ. Hay hai câu thơ này nữa:
“Làm kinh sợ
Một cuộc đời nữa làm sao kham nổi”
Hóa ra, nhà thơ sợ… sống thêm cuộc đời nữa, chứ không sợ chết. Những ý nghĩ như thế rất kỳ lạ, và hoàn toàn ngoài dự đoán.
Có những nhà thơ, những trường phái thơ luôn tạo ra những bất ngờ trong một bài thơ, nhưng đó là họ cố ý, có kỹ thuật can thiệp vào đó, như bây giờ nói là có “công nghệ” đổ vào. Đỗ Nam Cao vô ý khi “đánh rơi” sự bất ngờ, có rất nhiều trong thơ anh. Chẳng hạn:
“Mùa thu này khó nhận biết
Nắng gió khác đi
Các cô gái khác đi”
Nắng gió khác đi, chuyện thường. Nhưng các cô gái đi, chuyện lạ. Cũng bởi mùa thu cả.
Thơ Trần Vũ Mai, trong chiến tranh nghiêng hẳn về bi hùng ca, sau chiến tranh lại nghiêng hẳn về đau đớn ca. Như thế là hợp logic, không có gì khiến phải “đặt vấn đề” cả. May mà bây giờ không còn như ngày xưa, vua chúa hay nhà cầm quyền có thể tùy ý “phần thư khanh nho”, làm thơ cũng dễ mất mạng như không. Nhưng bây giờ lại có cái khó của bây giờ. Thơ rất cần những “áp lực nặng ký” để nhà thơ cảm nhận điều đó trong tận vô thức, và coi đó như một động lực để làm thơ. Những áp lực ấy, bây giờ nhà thơ phải tự mình tìm lấy cho mình. Nó có vô khối trong xã hội, trong cuộc sống, có xung quanh mình, vấn đề là mình có chịu tiếp nhận nó như áp lực hay không thôi.
Dù Trần Vũ Mai rất kỹ với từng con chữ khi làm thơ, còn Đỗ Nam Cao lại có vẻ thả mình “trôi” khi viết, nhưng thơ hai người này vẫn giống nhau ở điểm hồn nhiên. Một người hồn nhiên đau đớn, còn một người đau đớn hồn nhiên.
Vậy, một đằng thì:
“Lăn vào rơm rạ mà chơi
Còn mê hồn trận dạ thôi xin chừa”( Đỗ Nam Cao)
Đằng kia thì:
“Anh đã hét trong phòng im cửa đóng
lúc thương người lại giận chính mình thôi” (Trần Vũ Mai)
Một đằng đau đớn rất mềm, một đằng đau đớn rất cứng, nhưng không ai gọi đó là hạnh phúc cả.
Có một điểm mà hai nhà thơ này giống nhau, là sinh thời, họ chưa từng nhận bất cứ một giải thưởng nào về thơ cả. Với Đỗ Nam Cao, chắc anh nghĩ, giải thưởng cũng là một thứ ‘mê hồn trận”, nên tốt nhất là “dạ thôi xin chừa”. Còn với Trần Vũ Mai, anh hoàn toàn không nghĩ tới.
Nếu Đỗ Nam Cao cứ cười cười, cứ lơ ngơ:
“ Đi dọc đường Nguyễn Du
Lẽo đẽo mùa thu theo cùng phố
Một người dắt con chó
Đi cùng”
Nhại theo thơ Tế Hanh là “Một bên con chó một bên thu”, bên nào cũng dễ thương cả.
Trần Vũ Mai trong tột cùng yêu thương, lại khác:
“Có chăng mới là giọng em hát đó
có chăng mới tiếng cười em nho nhỏ
vỡ tan dần trong thầm lắng lòng anh”
Trong khi Đỗ Nam Cao vẫn nhìn thấy cái mới ở sự ngơ ngác vẩn vơ của mùa thu, thì Trần Vũ Mai lại nghe được cái mới trong giọng hát em (nho nhỏ) và “tiếng cười em nho nhỏ”. Một người còn nghe được đời sống bên ngoài, một người chỉ còn nghe tiếng vọng nội tâm của mình.
Nhưng đó đều là thơ, thơ đích thực.
Trước thực trạng sau chiến tranh với nhiều thất vọng, Trần Vũ Mai quyết liệt nói không. Anh từng có câu thơ: “Ta thề không vào hạng ăn may”. Còn Đỗ Nam Cao, hiền hòa hơn, thì im lặng. Nhưng đó không hề là im lặng đồng lõa. Đỗ Nam Cao đã lặng lẽ chuyển hướng thơ mình, để “Bây giờ chỉ còn những tiếng nổ nhỏ” (Văn Cao). Và những vẻ đẹp bất ngờ đầy đau đớn.
Và đó là hai nhà thơ bạn cùng thế hệ chống Mỹ với tôi.