Hàn Quốc ghi nhận số ca COVID-19 kỷ lục hàng ngày sau Singapore, chưa hé lộ loại vắc xin tặng Việt Nam

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:39, 24/09/2021

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết Hàn Quốc ghi nhận số ca COVID-19 kỷ lục hàng ngày là 2.434, phá vỡ kỷ lục trước đó được thiết lập vào tháng trước, khi nước này phải vật lộn với làn sóng nhiễm trùng bắt đầu vào đầu tháng 7.

KDCA cho biết tỷ lệ tử vong và các trường hợp nặng vẫn tương đối thấp, ổn định ở mức 0,82% và 309, phần lớn nhờ vào việc tiêm vắc xin ưu tiên những người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc COVID-19 nghiêm trọng.

Thủ tướng Hàn Quốc, Kim Boo-kyum nhấn mạnh sự cần thiết của các quy tắc phòng chống vi rút phải nghiêm ngặt hơn vì việc tuân thủ có thể còn lỏng lẻo trong kỳ nghỉ kéo dài 3 ngày ở tuần này.

"Nếu các biện pháp phòng ngừa không được quản lý ổn định, việc phục hồi dần dần trở lại cuộc sống bình thường chắc chắn sẽ bị trì hoãn", ông Kim Boo-kyum nói với cuộc họp phản ứng COVID-19 hôm 24.9.

Các nhà chức trách đã khuyến cáo những người trở về sau kỳ nghỉ nên được xét nghiệm ngay cả những triệu chứng nhẹ nhất của COVID-19, đặc biệt là trước khi đi làm.

Số ca mắc COVID-19 có thể tiếp tục tăng và đạt đỉnh vào tuần tới khi có nhiều người đi xét nghiệm, Lee Ki-il, Thứ trưởng phụ trách chính sách y tế Hàn Quốc, nói trong một cuộc họp báo.

Chính phủ Hàn Quốc đang lập kế hoạch về cách sống bình thường hơn với vi rút, dự kiến ​​80% người lớn sẽ được tiêm vắc xin đầy đủ vào cuối tháng 10.

Chiến lược này sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn để giảm dần các hạn chế, trong khi ít nhất vẫn yêu cầu đeo khẩu trang trong giai đoạn đầu.

Dù chiến lược sẽ không dỡ bỏ ngay lập tức tất cả các biện pháp phòng ngừa, Hàn Quốc - quốc gia đấu tranh để có được nguồn cung cấp vắc xin ban đầu - hiện đã ở một vị trí thoải mái hơn cho quá trình chuyển đổi, Tổng thống Moon Jae-in nói với các phóng viên trên máy bay chở ông hôm 24.9.

"Không có vấn đề gì với số lượng vắc xin đảm bảo cho năm nay. Lô vắc xin xuất phát chậm hơn so với các nước khác, khiến chương trình tiêm chủng bị trì hoãn, nhưng tôi tin rằng vào tháng tới, chúng tôi sẽ bắt kịp và là quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ tiêm chủng", Tổng thống Hàn Quốc nói.

Tuần này, Hàn Quốc cho biết sẽ tặng hơn 1 triệu liều vắc xin COVID-19 cho Việt Nam vào tháng tới, trong lần chia sẻ trực tiếp kho dự trữ vắc xin xuyên biên giới đầu tiên của nước này. Việt Nam đóng vai trò là trung tâm sản xuất chính của nhiều công ty Hàn Quốc, trong đó có Samsung Electronics.

Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Kang Do-tae từ chối tiết lộ nhãn hiệu vắc xin tặng cho Việt Nam khi được hỏi trong cuộc họp giao ban hôm 22.9. Moderna, Pfizer và AstraZeneca là 3 loại vắc xin được sử dụng nhiều ở Hàn Quốc.

Người Hàn Quốc sẽ tiếp tục chịu những hạn chế khó khăn về giãn cách xã hội cho đến ngày 3.10, bao gồm thời gian hoạt động hạn chế với các quán cà phê, nhà hàng và giới hạn số người được phép tham gia các cuộc tụ tập xã hội ở mức tối đa hai người sau 18 giờ ở thủ đô Seoul.

Hiện Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 295.132 ca mắc COVID-19 với 2.434 người chết.

Tính đến ngày 24.9, Hàn Quốc đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 cho 72,3% trong số 52 triệu dân và tiêm 2 mũi gần 44%.

han-quoc-singapore-ghi-nhan-so-ca-covid-19-ky-luc(1).jpg
Những người đeo khẩu trang đi dạo tại công viên Hanriver ở Seoul, Hàn Quốc

Tối 23.9, Bộ Y tế Singapore đã báo cáo 1.504 trường hợp COVID-19 mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ đầu đại dịch. Trong số này, 1.218 ca COVID-19 cộng đồng, 273 ca lây nhiễm tại các khu ký túc xá, 13 trường hợp còn lại là nhập cảnh. 343 trong số những ca lây nhiễm trong nước của Singapore là người trên 60 tuổi.

Singapore cũng ghi nhận thêm 2 ca tử vong do COVID-19 là hai cụ bà chưa tiêm vắc xin COVID-19 và có bệnh nền, một người 71 tuổi và một người 93 tuổi.

Qua đó, số bệnh nhân COVID-19 đã qua đời của Singapore là 70.

Sau khi nới lỏng một số biện pháp chống vi rút gần đây, Singapore chứng kiến sự gia tăng số ca COVID-19 nên phải tạm dừng mở cửa trở lại. Hơn 81% dân số nước này đã được tiêm hai mũi vắc xin ngừa COVID-19.

Sơn Vân