Những thế hệ tiếp nối dòng nhạc Trịnh Công Sơn
Văn hóa - Ngày đăng : 11:49, 26/09/2021
Những ca sĩ tiếp nối giọng hát Khánh Ly
Giới trẻ lúc đó như nghiện dòng nhạc Trịnh Công Sơn qua giọng hát khàn đục của Khánh Ly với phong thái bình dị khi trình diễn trước công chúng. Một nữ ca sĩ với chiếc áo dài trắng nữ sinh, đôi chân trần trên bãi cỏ; nhạc sĩ họ Trịnh đệm đàn ghi ta thùng với quần Jeans xanh, áo sơ mi tay rộng thùng thình “đóng thùng”, gương mặt khắc khổ với đôi tròng kính cận to gọng đồi mồi. Hai hình ảnh quen thuộc của những đêm nhạc cuối tuần ở quán Văn thu hút rất đông học sinh, sinh viên bằng những ca khúc da vàng, du ca, và tình khúc đôi lứa đã tạo nên thương hiệu “Nhạc Trịnh”.
Sau năm 1975 là Hồng Nhung, tiếp nối Khánh Ly đưa nhạc Trịnh Công Sơn trở lại với công chúng bằng chất giọng mượt mà, sâu lắng hơn, với độ rung mới, đặc biệt là với những tình khúc mà nếu không hiểu được ca từ, tình ý lẫn triết lý của Trịnh Công Sơn trong mỗi lời nhạc mà như thơ, ca sĩ cũng rất khó thể hiện hết được những gì mà nhạc sĩ muốn trao gửi. Mặc dù bên cạnh Hồng Nhung (tôi chỉ muốn nới riêng về những nữ ca sĩ thôi), cũng có những Trịnh Vĩnh Trinh (em gái Trịnh Công Sơn), Cẩm Vân, Mỹ Linh, Thanh Lam… hát nhạc Trịnh Công sơn.
Hồng Nhung là người hát nhạc Trịnh thành công nhất sau năm 1975 kể từ Khánh Ly. Nhưng với riêng tôi, Hồng Nhung cũng chỉ thành công được 2/3 khi thể hiện những ca khúc của chàng nhạc sĩ họ Trịnh. Bởi lẽ, từ phong cách đến lối diễn đạt, biểu cảm khi trình diễn nhạc Trịnh, ca sĩ Hồng Nhung vẫn đưa kỹ thuật vào ca từ của Trịnh nhiều quá, một số bài lại mang tính cách hàn lâm, trình siễn sân khấu trong khi nhạc Trịnh không đòi hỏi như vậy. Nhạc Trịnh cần sự biểu đạt tự nhiên, gần gũi với công chúng và giao lưu, trải được lòng, trải được thâm ý trước khán thính giả của ông, dù bất cứ ở đâu.
Nhưng sau Hồng Nhung lại là một khoảng trống khó lấp đầy của dòng nhạc Trịnh. Người yêu thích nhạc Trịnh cảm thấy hụt hẫng khi nghe những ca sĩ khác cố hát nhạc Trịnh, cố làm mới nhạc Trịnh, nhất là những ca sĩ trẻ sau năm 1975. Điều này tôi thấy rõ nhất ở các sân khấu ngoài trời (Thời Trống đồng, 126), sân khấu nhỏ các quán cà phê (Thời Champa), sân khấu ca nhạc, phòng trà (Thời Đồng Dao - Ân Nam) và cả hiện nay… ở sân khấu các quán cà phê ca nhạc, phòng trà mới, những chương trình ca nhạc mang tính thi thố tài năng hay tìm kiếm tài năng do một số đài truyền hình từ trung ương tới địa phương tổ chức dưới cái nhãn “Bolero”.
Hoàng Trang - Nguyễn Đông; Tuyết Phượng và cha
Bỗng một, hai năm trở lại đây trên kênh Youtube nổi lên hiện tượng ca sĩ mạng hát nhạc Trịnh Công Sơn với phong thái “gọn nhẹ” của thời Trịnh Công Sơn - Khánh Ly ở sân cỏ quán Văn trước năm 1975 với một người đệm đàn ghi ta thùng rất ngẫu hứng, một nữ ca sĩ rất trẻ, thế hệ 9X mặc áo dài, hát nhạc Trịnh rất thu hút không thua gì thời Khánh Ly, Hồng Nhung. Cũng chỉ cần một cái micro, một chỗ đứng rất văn nghệ như trong sân nhà, góc nhà, sân khấu nhỏ của quán cà phê nhỏ…
Thế thôi. Nhưng những góc quây cận cảnh này, phong cách trình diễn mộc mạc, gần gũi này của nhạc Trịnh đã thu hút được lượng khán tính giả khổng lồ, hầu hết là giới trẻ thế hệ 8X,9X kể cả 2K. Tất nhiên, trong số đó thế hệ trung niên yêu thích nhạc Trịnh cũng không nhỏ, khiến số lượng view dành cho những clip hát nhạc Trịnh này tăng chóng mặt, không chỉ vài ngàn, vài chục ngàn mà hàng trăm ngàn, hàng triệu view.
Có hai “cặp đôi” tạo nên hiện tượng nhạc Trịnh phổ biến rầm rộ trên mạng xã hội, kênh Youtube, Facebook với lượng thu hút khán thính giả chóng mặt. Đó là Nguyễn Hoàng Trang - Nguyễn Đông, đã, đang và sẽ còn tạo dấu ấn sâu đậm, cơn sốt nhạc Trịnh trên mạng và cặp đôi này hiện nổi đình, nổi đám ở các quán cà phê nhạc, phòng trà, và ở những sân khấu sự kiện. Đặc biệt là sự kiện kỷ niệm về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Nhưng một “cặp đôi” khác tôi muốn viết về họ lại là cha và con. Đó là người cha đệm ghi ta thùng cho con gái hát nhạc Trịnh Công Sơn với phong cách nhẹ nhàng hơn, “thính phòng” hơn. Đó là cha con của ca sĩ trẻ Nguyễn Tuyết Phượng. Một người cha còn trẻ, mê đàn, mê âm nhạc, đặc biệt là nhạc Trịnh Công Sơn đã là bệ phóng cho cô con gái 9X mê hát nhạc Trịnh và họ trở thành một “cặp đôi” rất ăn ý khi người cha đệm đàn cho con gái hát đang gây sốt trên mạng xã hội.
Nguyễn Tuyết Phượng từ năm 3 tuổi đã được nghe nhạc, mê nhạc. Được người cha mê đàn, mê nhạc cho đi học Organ, sinh hoạt ca hát trong phong trào thiếu nhi. Tốt nghiệp phổ thông thi vào đại học Kiến Trúc và khi còn học năm III Kiến Trúc đã thi vào Nhạc viện TP.HCM học khoa thanh nhạc cổ điển. Khi đã đủ độ chín và đam mê nghệ thuật, đặc biệt là ca hát, Tuyết Phượng muốn thể hiện dòng nhạc Trịnh Sông Sơn mà cô yêu thích, say mê từ lúc còn rất nhỏ và nhạc Trịnh như đã ăn sâu vào tâm hồn cô.
Được học Kiến Trúc, được học Nhạc viện TP.HCM đặc biệt là thanh nhạc, không những Tuyết phượng nắm vững nhạc lý, luyện thanh chuẩn nên khi thể hiện nhạc Trịnh Công Sơn. Cô ca sĩ trẻ xem ca hát như một thứ “thiền đạo” này đã ngiên cứu thật kỹ nhạc Trịnh, ca từ, triết lý, hoàn cảnh ra đời của bài hát, kể cả cuộc đời và những bức thư tình mà nhạc sĩ họ Trịnh gửi cho người yêu, để hiểu sâu sắc về bài hát và tìm cách thể hiện sao cho đạt được hiệu quả cao nhất, cận kề với chiều sâu mà nhạc sĩ muốn giải bày nhất trước người nghe, người thưởng thức âm nhạc của Trịnh Công Sơn.
Thật vậy, tuy chưa phải là ca sĩ chuyên nghiệp, mới là sinh viên năm 2 của nhạc viện TP.HCM, với giọng hát nhẹ như gió lướt qua vườn nhưng đủ độ ngân và rung cảm Tuyết Phượng đã để lại cho người nghe cảm nhận những ca khúc của Trịnh Công Sơn ở một tầng suất thẩm sâu và rung động khác với những gì trước đây ta thường nghe nhạc Trịnh với những ca sĩ đã thành danh và rất hiếm sự thành công khi thể hiện dòng Trịnh Công Sơn.
Nhạc Trịnh: Hát dễ nhưng không dễ hát
Người ta cứ nghĩ rằng ca khúc của Trịnh Công Sơn từ điệu thức đến ca từ rất phổ thông, đại chúng, gần như ai cũng hát được: Học sinh, sinh viên, trí thức, nghệ sĩ, đứa bé lang thang trong hẻm nhỏ tới cô công nhân trong nhà máy, chị bán vé số dạo đều thuộc và “nghêu ngao” nhạc Trịnh ở đời thường, trong tiệc cưới, trong bàn nhậu, quán ốc khi say xỉn. Nhưng để diễn đạt ca từ như thơ và hàm chứa tính triết lý nhân sinh đến độ tinh luyện trong nhạc Trịnh thì không phải ca sĩ nào cũng làm được, kể cả ca sĩ chuyện nghiệp.
Tuyết Phượng cùng thế hệ của Nguyễn Thị Hoàng Trang, cô gái trẻ cùng hát nhạc Trịnh Công Sơn mới nổi tiếng gần đây với cây ghi ta thùng Nguyễn Đông (Người đệm đàn cho Trang hát) trở thành một hiện tượng trên Youtube và trên các sân khấu nhỏ quán cà phê như một cặp đôi du ca thời nhạc Trịnh sau Khánh Ly thì Tuyết Phượng và ba cô (Người đệm ghi ta cho Phượng hát) lại tạo cho tôi một ấn tượng khác của cô gái trẻ hát nhạc Trịnh với chiếc áo dài ở góc nhìn nghiêng về phong cách, tình tự, sự diễn đạt, lột tả không khoảng cách của thời nhạc Trịnh ở quán Văn, hay những buổi gặp gỡ bạn bè thân mật và ấm cúng trong phòng khách, trong sân vườn nhưng không kém phần sang trọng.
Nhạc Trịnh Công Sơn mang tính triết lý và ca từ tuyệt đẹp, chắt lọc như thơ, đặc biệt là tình khúc. Những nữ ca sĩ thế hệ trước như Khánh Ly, Thanh Thúy, Lệ Thu... đã có chỗ đứng riêng với dòng nhạc của Trịnh. Những nữ ca sĩ thế hệ kế tiếp như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Cẩm Vân... hát nhạc Trịnh ở mức độ trung bình, chưa chạm tới cái hồn sâu lắng của Trịnh và dùng kỹ thuật, phô diễn giọng hát hơn là khai thác độ rung cảm phía sau những ca từ mang tính triết lý và đẹp như thơ ấy.
Thế hệ trẻ gần đây như Nguyễn Thị Hoàng Trang lại chỉ phù hợp với du ca. Còn tình ca thì thiếu sự sâu lắng, có lẽ Nguyễn Thị Hoàng Trang còn quá trẻ.
Nhưng Nguyễn Tuyết Phượng mà tôi tình cờ nghe được trên youtube, với các clip do cha cô đệm, và giọng hát nhẹ nhàng như gió thu chớm tàn mùa nhất là ở những nốt trầm gần như đã chạm tới hồn vía ẩn sâu trong từng ca từ của chàng nhạc sĩ họ Trịnh khi viết những bản tình ca. Một kết hợp rất tuyệt giữa cha và con, rất đơn giản, không chút cầu kỳ nhưng lại làm những bản tình ca của Trịnh đi suốt vào hồn người nghe giống như những cơn gió dài se qua cửa. Tuyết Phượng hát Ru tình quá tình tứ, quá đẹp. Và buồn nhẹ nhàng như hạnh phúc của lứa đôi ngày mới yêu nhau. Nhưng đâu chỉ có Ru tình. Hãy nghe Tuyết Phượng với Chiếc lá thu phai, với Hoa vàng mấy độ, Diễm Xưa, Như cánh vạc bay. Hoặc cũng rất sôi nổi, lay động như Ta thấy gì trong nay, Hát trên những xác người...
Ca khúc Trịnh Công Sơn không "phôi pha" theo thời gian hay già nua theo phát triển xã hội mà là sự nối dài của tuổi trẻ đi qua thời gian, không gian, nắng mưa, năm tháng để sống mãi như những bản tình ca, tự sự... với những giọng ca rất trẻ như Nguyễn Thị Hoàng Trang, như Nguyễn Tuyết Phượng.
Nếu như Hoàng Trang sôi nổi hơn, đậm chất du ca, thì Tuyết Phượng lại đằm thắm, sâu lắng, đi vào lòng người nghe bằng giọng hát đặc trưng hiếm thấy. Tôi gọi đó là cơn gió thu phai nhẹ lướt qua vườn nhưng để lại nỗi buồn rất sâu, tận đáy lòng.