Malaysia cũng rút ngắn thời gian giữa 2 mũi tiêm vắc xin AstraZeneca
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:04, 27/09/2021
Đây là lần thứ hai Bộ Y tế nước này quyết định rút ngắn thời gian giữa 2 mũi tiêm đối với loại vắc xin này. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1.10.
Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho biết điều này sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những người tiêm loại vắc xin của AstraZeneca hoàn thành liệu trình tiêm chủng. Malaysia bắt đầu triển khai tiêm vắc xin của AstraZeneca từ tháng 5 với thời gian giữa 2 mũi tiêm ban đầu là 12 tuần.
Theo khuyến nghị của Anh, với khoảng thời gian giữa hai mũi tiêm như vậy, vắc xin sẽ có hiệu lực là 82,4%. Tuy nhiên, đến tháng 7, Bộ Y tế Malaysia đã quyết định giảm xuống còn 9 tuần do các ca mới tăng mạnh theo cấp số nhân tại nước này.
Giáo sư dịch tễ học, Tiến sĩ Awang Bulgiba Awang Mahmud của Đại học Malaya cho biết vắc xin của Pfizer-BioNTech và của AstraZeneca đã cho thấy có tác dụng chống lại biến thể Delta sau 2 mũi tiêm, tiêm một mũi không mang lại hiệu quả bảo vệ tối ưu.
Do đó, việc giảm khoảng cách giữa 2 lần tiêm xuống còn 6 tuần nhằm cân bằng giữa việc cố gắng đạt được mức kháng thể tối đa và đảm bảo rằng có sự bảo vệ tối ưu chống lại biến thể Delta. Hiện Malaysia đã tiêm được đủ hai mũi cho 82,5% người trưởng thành, do vậy việc giảm khoảng cách giữa hai mũi tiêm để những người tiêm vắc xin của AstraZeneca hoàn thành tiêm chủng là rất quan trọng.
Trong khi đó, nhằm nhanh chóng xét nghiệm và cách ly các ca mắc COVID-19, Bộ Y tế Malaysia quyết định thành lập Lực lượng Đặc nhiệm phản ứng nhanh quốc gia. Trong một phát biểu ngày 26.9, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết lực lượng này sẽ áp dụng kinh nghiệm đạt được trong việc giảm số ca nhiễm ở Thung lũng Klang (gồm lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur, bang Selangor và một phần bang Nigeri Sembilan) vào việc phòng chống COVID-19 trên phạm vi toàn quốc.
Lực lượng sẽ tập trung vào việc nhanh chóng xét nghiệm và cách ly những người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Cùng ngày, cảnh sát Malaysia đã phát cảnh báo về tình trạng làm giả chứng nhận tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Theo một nhân viên y tế ở trung tâm thủ đô Kuala Lumpur, có một số người tới các điểm tiêm chủng nhưng không muốn tiêm mà chỉ muốn “sở hữu” giấy chứng nhận. Nhân viên này cho biết: “Chúng tôi có gặp những người phản đối việc tiêm vắc xin, họ không muốn tiêm mà chỉ muốn giấy chứng nhận”. (Theo TTXVN)