TP.HCM đề xuất thay đổi cách tính ca mắc mới, không cách ly F1

Sự kiện - Ngày đăng : 12:05, 27/09/2021

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về góp ý dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Đề xuất không cách ly tập trung F1

Trong văn bản, TP.HCM nhấn mạnh đề xuất không cách ly tập trung F1 để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại cơ sở cách ly tập trung, tiết kiệm nguồn lực tài chính cho địa phương và người dân, tạo điều kiện tập trung nguồn lực để chăm sóc, điều trị F0 tốt hơn; cho phép địa phương được chủ động và linh hoạt về phương án cách ly F1 tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương.

test-nhanh-phong-chong-covid-19-tai-khu-dan-cu-586-can-tho-vkk.jpg
TP.HCM muốn thay đổi cách tính ca mắc mới - Ảnh: Internet

Về phụ lục 1 yêu cầu và cách tính chỉ số, TP.HCM đề nghị chỉ số ca mắc mới cần định nghĩa rõ là ca PCR. Được tính hàng tuần bằng số ca mắc mới phát hiện tại cộng đồng/100.000 dân (không tính trong các cơ sở cách ly tập trung), lấy tỷ lệ trung bình của 2 tuần liên tiếp để quyết định chuyển mức độ nguy cơ. Số lượng xét nghiệm tối thiểu là 1.500 xét nghiệm/100.000 dân trong 28 ngày để đánh giá đúng số ca mắc mới.

Về phụ lục 2, các biện pháp thích ứng an toàn theo cấp độ dịch, Thành phố đề nghị đối với hoạt động tập trung ngoài trời và trong nhà cần nhấn mạnh tiêm đủ liều vắc xin + tuân thủ 5K; số lượng người tham gia hoạt động ngoài trời nhiều hơn số lượng người tham gia các hoạt động trong nhà.

Bài học cho các địa phương khác

Dựa trên tình hình thực tiễn của TP.HCM, nhằm khuyến khích các địa phương phấn đấu tiêm phủ kín mũi 1 làm cơ sở mở cửa nền kinh tế trong an toàn cũng như tạo thuận lợi trong giao thương giữa TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam, TP.HCM kiến nghị Ban Chỉ đạo bổ sung thêm phần đánh giá an toàn cho các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 cao (trên 95%), tỉ lệ tiêm đủ liều đạt mức độ hợp lý thay vì hiện nay chỉ có 2 mức là dưới 70% và từ 70% trở lên.

tp-1.jpg

Trong đó, đối với mức này, xem xét cho phép các địa phương linh hoạt áp dụng các biện pháp nới lỏng hoạt động kinh tế xã hội ở cấp thấp hơn, phù hợp với đặc thù cơ cấu kinh tế và diễn biến dịch tễ, năng lực điều trị của từng địa phương.

Cụ thể, TP.HCM đưa ra hai phương án tính cấp độ dịch theo chỉ số thích ứng. Phương án 1 bổ sung thêm phần đánh giá an toàn cho các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 cao (trên 95%), nếu các địa phương đạt mốc này thì được “linh hoạt áp dụng các biện pháp nới lỏng hoạt động kinh tế xã hội ở một cấp thấp hơn”. Chỉ số bắt buộc áp dụng là có trên 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ 2 liều vaccine, nếu không đạt chỉ số này thì phải nâng lên 1 cấp độ dịch khi Bộ Y tế cấp đủ vắc xinnhưng địa phương không đảm bảo tiến độ tiêm. Phương án 2 là giữ nguyên mốc 70% tỷ lệ tiêm chủng như dự thảo, nhưng chỉ số bắt buộc áp dụng cho ít nhất 50% người trên 50 tuổi được tiêm đủ vắc xin, nếu chỉ số này không đạt thì phải nâng lên 1 cấp độ dịch khi Bộ Y tế cấp đủ vắc xin nhưng địa phương không đảm bảo tiến độ tiêm.

UBND TPHCM cũng có văn bản góp ý dự thảo Nghị định quy định về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Trong đó văn bản điều chỉnh một số nội dung liên quan đến việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (VAT), tiền thuê đất; gia hạn thời gian nộp thuế; hỗ trợ lãi suất… Các nội dung này được UBND TP.HCM gửi Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ sung, đưa vào dự thảo để tổng hợp trình Chính phủ.

Cụ thể, TPHCM kiến nghị giảm 50% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021, tiếp tục giảm 30% thuế TNDN năm 2022, 2023 cho các DN có doanh thu năm dưới 200 tỷ đồng. Chấp nhận được trừ vào chi phí tính thuế TNDN của tất cả các chi phí phòng chống dịch của DN như: chi phí xét nghiệm COVID-19 và điều trị y tế (nếu có); chi phí ăn uống, sinh hoạt; chi phí đồ bảo hộ cá nhân như khẩu trang, mặt nạ, nước khử khuẩn; chi phí khách sạn để cách ly…

Về thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, TP.HCM đề xuất hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý 3 và quý 4 năm 2021, năm 2022 và năm 2023. Đồng thời kiến nghị bổ sung miễn thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động có thu nhập từ tiền lương tiền công thuộc diện nộp thuế bậc 1 và 2…

TP.HCM cũng đề xuất giảm 50% mức thuế suất VAT (hoặc mức tỷ lệ %) của 3 tháng cuối năm 2021 và các năm 2022, 2023. Đồng thời, đề xuất kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế đến hết quý 2 năm 2022. Không phạt tiền chậm khai thuế trong năm 2021 do ảnh hưởng của giãn cách xã hội để phòng chống dịch theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Cơ quan thuế địa phương chủ động thực hiện theo thẩm quyền và không yêu cầu người nộp thuế lập hồ sơ đề nghị.

Về tiền thuê đất, TP.HCM đề xuất giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với tất cả DN, riêng đối DN thuộc ngành du lịch và liên quan du lịch được giảm 100% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021. Liên quan đến việc hỗ trợ lãi suất cho các DN, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ sung vào dự thảo điều khoản giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất cho vay đối với DN theo hướng lãi suất cho vay không cao hơn 2% so với lãi suất huy động tiền gửi; có chính sách hỗ trợ vay tái cấp vốn, vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh, bảo lãnh thanh toán các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu với mức lãi suất 0% cho các DN khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ, cho vay ưu đãi, gia hạn thời gian thanh toán nợ…

Tú Viên (tổng hợp)