Chủ tịch Quốc hội: Không thể lạc quan một chiều
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:39, 27/09/2021
Ngày 27.9, Văn phòng Quốc hội tổ chức buổi tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về kinh tế- xã hội.
Không thể lạc quan một chiều
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chủng mới của vi rút khiến dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại vào năm 2021. Điều này đã tác động nặng nề đến kinh tế - xã hội; tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế quý 3/2021 và việc thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả năm.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, có 5 nguyên nhân khiến cho Việt Nam chuyển từ vị trí tăng trưởng cao của thế giới trong năm 2020 xuống dưới trung bình của thế giới vào 2021 và các năm tiếp theo.
Các nguyên nhân được chỉ ra là tình hình y tế đang chuyển biến xấu; chương trình vắc xin triển khai chậm, đứng sau các nước trong khu vực ASEAN về độ phổ cập vắc xin; việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển nghiêm ngặt; tổ chức thực thi còn thiếu đồng bộ, nhất quán tác động đến kết quả của phòng chống dịch, duy trì chuỗi cung ứng, hoạt động của kinh tế xã hội.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Quốc hội, các chương trình ứng phó quy mô còn khiêm tốn tính trên tỷ lệ GDP; thiếu cân bằng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; tài khóa chủ yếu giãn hoãn các khoản thuế, giảm chậm nộp và trực tiếp chi tiền mặt còn ít; các chương trình trợ giúp xã hội quy mô vẫn còn hạn chế.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tán thành với nhận định của đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là việc phục hồi kinh tế vẫn chưa thể được đảm bảo ngay cả ở những nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp nếu vẫn tồn tại dịch ở các nước khác. Do đó đó cần chia sẻ bình đẳng vắc xin.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cho rằng chiến lược vắc xin toàn cầu chậm hơn dự kiến, độ bao phủ không đồng đều; chính sách tài chính, tài khóa toàn cầu có thể bị thắt chặt hơn nếu các nước tiên tiến thặt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ nhanh hơn dự kiến để đối phó với rủi ro gia tăng lạm phát sau thời gian siêu nới lỏng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và Quốc hội cần tính toán kỹ những tác động này. Lý do là khi Việt Nam bắt đầu phục hồi được thì các nước phát triển có thể đã thắt chặt chi tiêu để đối phó với những bất ổn vĩ mô.
“Nếu tăng trưởng kinh tế của các đối tác chiến lược, thành viên các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP, EVFTA… chững lại hoặc suy giảm sẽ ảnh hưởng tới sự phục hồi của Việt Nam. Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “không thể lạc quan một chiều được”, phải đánh giá, dự báo được để có những chính sách phù hợp”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Hỗ trợ tài khóa, tiền tệ theo hướng cân bằng hơn
Các đại biểu cũng dự báo tăng trưởng thế giới 2021 ở mức 5,6%-6%, tuy nhiên triển vọng kinh tế toàn cầu có sự phân hóa sâu sắc.
Nhóm các nước phục hồi mạnh là các nước phát triển do chủ động vắc xin, đạt miễn dịch cộng đồng và có quy mô các gói hỗ trợ rất lớn, siêu nới lỏng cả về tài chính và tiền tệ. Nhóm các nước phục hồi chậm đối mặt với rủi ro bùng phát trở lại của dịch bệnh, số ca tử vong tăng là ở những nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Về các lưu ý chính sách đối với Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần kiên định mục tiêu kép có ưu tiên thời điểm và địa bàn cụ thể cho phòng chống dịch hay phát triển kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội dẫn lại các kiến nghị như đẩy nhanh tiêm chủng và xét nghiệm bởi đây là điều kiện tiên quyết để kiểm soát đại dịch và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế - xã hội. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ủng hộ với ý kiến bản thân các giải pháp phòng chống dịch cũng phải tiết kiệm, hiệu quả.
Song song với đó, tiếp tục giãn cách, hạn chế di chuyển nhưng phải thông minh hơn như áp dụng công nghệ, linh hoạt, đồng bộ, chủ động, gắn với quản trị quốc gia có phân cấp ủy quyền, liên kết vùng.
Ông cũng yêu cầu tiếp tục hỗ trợ cả về tài khóa, tiền tệ theo hướng cân bằng hơn, trong đó tài khóa hỗ trợ nhiều hơn cho phục hồi kinh tế - xã hội; tăng chi cho y tế, có hỗ trợ trực tiếp, có chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất có mục tiêu và có địa chỉ; giải pháp hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp đang chịu lỗ; đề xuất cho phép chuyển lỗ nhiều hơn so với quy định hiện nay, hỗ trợ chi phí trong giá thành cao hơn chi phí thực tế…
Về bài học kinh nghiệm, Chủ tịch Quốc hội cho biết, mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe nhân dân cả về thể chất và tinh thần; duy trì hoạt động kinh tế - xã hội bình thường ở mức tối đa có thể trong bối cảnh có dịch bệnh.
Theo ông Vương Đình Huệ, đây thực chất đây là giải pháp tìm điểm cân bằng, tối ưu giữa y tế và kinh tế - xã hội, áp dụng lĩnh hoạt theo thời điểm và có lộ trình.
Mô hình cho phòng chống dịch trong tình hình mới chú trọng vai trò của ý thức nhân dân trong bảo vệ sức khỏe và tiêm chủng, năng lực của hệ thống y tế; cần lưu ý yếu tố linh hoạt, không cứng nhắc, điều chỉnh để thích ứng, tính toán kỹ bài toán lợi ích và chi phí, duy trì sinh hoạt, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng.
Đồng thời, coi trọng vai trò của công nghệ, dữ liệu khoa học. Có lộ trình phù hợp căn cứ tỷ lệ tiêm chủng vắc xin; không mở cửa ồ ạt mà mở cửa có điều kiện và quy định cho từng ngành lĩnh vực, theo đối tượng cá nhân và doanh nghiệp; củng cố sức khỏe và phát triển kinh tế hết sức chú trọng khía cạnh xã hội và tâm lý người dân, nới lỏng một số hoạt động để hạn chế sức ép xã hội.
Với dự báo dịch bệnh còn có thể kéo dài, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các chính sách cần tính đến tác động, xử lý hài hòa các mối quan hệ giữa y tế và kinh tế - xã hội. Trong đó nhấn mạnh y tế là trụ cột, khoa học công nghệ là then chốt, kinh tế là nền tảng, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị là trọng yếu và thường xuyên.
Ngoài ra, các biện pháp phòng chống dịch bệnh cần dựa trên cơ sở khoa học và thận trọng kỹ lưỡng đánh giá tổng thể và có lộ trình phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí mở lại Diễn đàn kinh tế thường niên sau thời gian dài gián đoạn.
Mục đích nhằm phát huy tối đa, tập hợp đầy đủ trí tuệ, đóng góp của các đại biểu quốc hội các khóa, của người dân và cử tri, cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời tập hợp hình thành và khai thác mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý – mạng lưới sáng kiến Quốc hội Việt Nam trong và ngoài nước, để hỗ trợ cho Quốc hội nâng cao chất lượng công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định vấn đề quan trọng quốc gia.