Các nhà cung cấp cho Apple ngừng sản xuất vì Trung Quốc hạn chế dùng điện, gây thiếu hụt iPhone 13

Thế giới số - Ngày đăng : 20:40, 27/09/2021

Các nhà sản xuất đang cảnh báo rằng sự gián đoạn hơn nữa với nguồn cung cấp năng lượng ở Trung Quốc sẽ tạo ra sự tàn phá trong chuỗi cung ứng công nghệ vào thời điểm mà ngành công nghiệp đang chuẩn bị cho mùa sản xuất cao điểm, bao gồm cả những chiếc iPhone 13.

Một số công ty gồm các nhà cung cấp chính cho Apple thông báo phải tạm dừng hoặc giảm hoạt động tại các cơ sở ở tỉnh Giang Tô, trung tâm công nghệ công nghiệp của Trung Quốc, sau khi chính quyền địa phương hạn chế cung cấp điện cho mục đích công nghiệp vào cuối tháng 9.

Các thành phố ở tỉnh Giang Tô đã yêu cầu các doanh nghiệp ngừng sử dụng điện hoàn toàn từ 26.9 đến cuối tháng này hoặc đặt mục tiêu cho các nhà sản xuất giảm mức sử dụng năng lượng trong thời gian còn lại của tháng từ 10% đến 30% so với mức thông thường, một số người điều hành ngành công nghệ nói với trang Nikkei.

Những hạn chế đó được đưa ra sau cảnh báo từ Trung Quốc rằng sẽ đưa ra các hình phạt nghiêm khắc hơn với các tỉnh không đạt được mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng hàng năm và cắt giảm carbon.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, đã đưa ra cảnh báo vào giữa tháng 8 khi nêu tên nhiều tỉnh, trong đó có một số trung tâm công nghiệp quan trọng như Giang Tô, Quảng Đông và Hồ Bắc, sử dụng quá nhiều năng lượng và không đáp ứng được lời kêu gọi của đất nước "kiểm soát việc sử dụng năng lượng và phát thải carbon" nửa đầu năm nay.

Các biện pháp này đã ảnh hưởng đến hàng loạt nhà cung cấp chính cho Apple, Tesla, Microsoft, HP và Dell, cũng như làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại các nhà cung cấp thử nghiệm và đóng gói chip hàng đầu thế giới cho Qualcomm, Nvidia, Intel.

Giờ đây, các nhà sản xuất chip và linh kiện đến lắp ráp đang cảnh báo rằng sự gián đoạn năng lượng hơn nữa vào tháng tới sẽ tạo ra tác động mạnh trong toàn bộ chuỗi cung ứng, vì từ tháng 9 đến tháng 11 theo truyền thống là khoảng thời gian bận rộn nhất với các nhà sản xuất công nghệ sản xuất thiết bị điện tử cho kỳ nghỉ lễ. Việc bỏ lỡ cơ hội sản xuất này không chỉ gây rủi ro cho tính liên tục của chuỗi cung ứng mà còn có thể dẫn đến doanh số bán thiết bị điện tử đáng thất vọng.

"Chúng tôi đang xem xét lượng hàng tồn kho cho tất cả các linh kiện và bộ phận có trong kho. Tình hình vẫn có thể kiểm soát được vào thời điểm hiện tại, nhưng chúng tôi lo ngại nó sẽ xảy ra một lần nữa. Sẽ là một sự gián đoạn lớn nếu chúng tôi hết hàng trong tháng tới", một nhà cung cấp thiết bị điện tử có trụ sở tại thành phố Đông Hoản nói với Nikkei Asia.

cac-nha-cung-cap-cua-apple-ngung-san-xuat-vi-trung-quoc-han-che-dung-dien.jpg
Các nhà sản xuất cảnh báo rằng sự gián đoạn hơn nữa với nguồn cung cấp năng lượng ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng công nghệ vào thời kỳ bận rộn quan trọng

Sự gián đoạn sản xuất cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm nguồn cung vốn đã nghiêm trọng ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp ô tô và điện tử.

ASE Technology Holding (công ty Đài Loan có nhà máy ở Trung Quốc), hãng cung cấp dịch vụ đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nhà cung cấp chính cho Apple, Qualcomm, Nvidia và MediaTek, nói rằng họ đã tuân thủ các chính sách tiết kiệm năng lượng của chính phủ Trung Quốc nhưng sắp xếp các lô hàng trước thời hạn để giảm thiểu tác động đến khách hàng của mình.

King Yuan Electronics (nhà cung cấp dịch vụ kiểm tra chip hàng đầu, trụ sở ở Đài Loan) xác nhận rằng có thể có sự chậm trễ trong việc cung cấp dịch vụ do cần hoạt động trong điều kiện tiêu thụ năng lượng thấp hơn.

Nhà lắp ráp iPhone chủ chốt - Pegatron (Đài Loan), điều hành các địa điểm sản xuất lớn ở cả Côn Sơn và Tô Châu (Trung Quốc), sẽ giảm mức sử dụng điện năng không cần thiết để giảm mức tiêu thụ điện tổng thể ít nhất 10% kể từ 26.9, theo một người có kiến ​​thức trực tiếp về vấn đề này.

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã cảm nhận được sức ép về năng lượng.

"Chúng tôi cũng nhận được thông báo rằng điện sẽ bị cắt từ ngày 25 đến 28.9 hàng ngày từ 8 giờ sáng đến nửa đêm. Chúng tôi chỉ có thể yêu cầu các công nhân trong dây chuyền sản xuất của mình làm ca đêm để hoàn thành gấp một số sản phẩm xuất xưởng", một nhà cung cấp thiết bị điện tử có trụ sở tại thành phố Đông Hoản (Trung Quốc) nói với Nikkei.

Các nhà cung cấp công nghệ khác ở Giang Tô cho biết đã đàm phán với chính quyền địa phương và đồng ý cắt giảm sử dụng điện ít nhất từ ​​10% đến 30% để tiếp tục hoạt động.

Các nhà sản xuất đã áp dụng một loạt các biện pháp để đáp ứng các hạn chế, từ ngừng hoạt động dây chuyền sản xuất đến giảm sử dụng năng lượng "không thiết yếu" và dựa vào hàng tồn kho hiện có để lấp đầy các đơn đặt hàng trong ngắn hạn.

Một số công ty đang sắp xếp cho nhân viên làm việc thêm giờ trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng sắp tới bắt đầu từ ngày 1.10 (Quốc khánh Trung Quốc) để bù đắp cho việc mất năng lực sản xuất trong tháng này.

Eson Precision Engineering, chi nhánh của Foxconn - hãng lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới - và là nhà cung cấp linh kiện cơ khí quan trọng cho Apple lẫn Tesla, cho biết đã tạm ngừng sản xuất từ ​​26.9 đến 1.10 tại các cơ sở của mình ở Côn Sơn để phản ứng trực tiếp với chủ trương từ thành phố về việc ngừng cung cấp điện cho công nghiệp.

Công ty sẽ tận dụng hàng tồn kho của mình để duy trì hoạt động trong khi sản xuất bị tạm dừng. Chúng tôi dự kiến ​​sắp xếp sản xuất vào cuối tuần hoặc trong những ngày lễ sắp tới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, Eson Precision Engineering cho biết trong một hồ sơ gửi lên sàn chứng khoán Đài Loan.

Theo Unimicron Technology (Đài Loan), nhà sản xuất bảng mạch in lớn và nhà cung cấp chính cho Apple, các công ty con của họ tại thành phố Tô Châu và Côn Sơn thuộc tỉnh Giang Tô cũng cần ngừng sản xuất từ ​​trưa 26.9 cho đến cuối tháng. Công ty Đài Loan cho biết sẽ huy động năng lực sản xuất tại các địa điểm sản xuất khác của mình để giảm thiểu tác động.

Nhà cung cấp linh kiện loa iPhone - Concraft Holding (Đài Loan), sở hữu các cơ sở sản xuất ở thành phố Tô Châu, thông báo trong một hồ sơ trao đổi chứng khoán rằng sẽ tạm ngừng sản xuất 5 ngày cho đến trưa 30.9 và sử dụng hàng tồn kho của mình để hỗ trợ nhu cầu.

Sự gián đoạn nguồn điện diễn ra khi Trung Quốc đẩy mạnh các mục tiêu nhằm vào biến đổi khí hậu, tuyên bố đặt mục tiêu phát thải CO2 lên mức cao nhất trước năm 2030 và sau đó đưa về 0 trước 2060.

Chủ tịch Tập Cận Bình tuần trước đã nói trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng Trung Quốc sẽ không xây dựng thêm bất kỳ nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu than nào. Mục tiêu cuối cùng của đất nước là đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2060.

Chính phủ Trung Quốc đang phải đối phó với việc chi phí than và khí đốt tự nhiên ngày càng tăng đáng kể, cả hai đều được sử dụng rộng rãi trong nước để phát điện. Trung Quốc được cho là không hài lòng về việc các chính quyền địa phương không đạt được mục tiêu giảm phát thải.

Chính quyền thành phố và khu vực ở Trung Quốc cho biết việc sử dụng năng lượng trong nước đang được ưu tiên hơn so với sử dụng trong công nghiệp.

Động thái này diễn ra vào thời điểm tồi tệ với Apple, công ty vốn đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu iPhone 13 và tình trạng thiếu linh kiện cũng đang gây ra sự chậm trễ trong sản xuất.

Sơn Vân