Đảng cầm quyền Đài Loan tích cực xóa bỏ biểu tượng ‘Tưởng Giới Thạch’
Quốc tế - Ngày đăng : 12:14, 28/09/2021
Động thái mới nhất là kế hoạch kéo bức tượng đồng của Tưởng Giới Thạch - nhà lãnh đạo chính thức của Đài Loan từ năm 1949 đến khi ông qua đời năm 1975 - khỏi Nhà tưởng niệm Đài Bắc, một trung tâm mang tính biểu tượng.
Bước đi này được đưa ra dựa trên khuyến nghị của Ủy ban Tư pháp Chuyển tiếp, nơi giải quyết các tội ác đã xảy ra trong thời kỳ thiết quân luật, hay còn gọi là "Khủng bố Trắng".
Được biết, thời kỳ thiết quân luật ở Đài Loan kéo dài 38 năm và 57 ngày, từ 19.5.1949 đến 15.7.1987. Thời kỳ thiết quân luật này của Đài Loan là thời kỳ thiết quân luật lâu nhất trên thế giới vào thời điểm nó được dỡ bỏ. Khoảng 140.000 người Đài Loan đã bị cầm tù trong thời gian này, trong đó có khoảng 3.000 đến 4.000 người bị xử tử vì sự chống đối thực sự hoặc được cảm nhận của họ đối với chính quyền của Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo.
Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch là một trong những thắng cảnh du lịch thu hút nhiều du khách đến thăm thành phố của Đài Loan. Đài tưởng niệm này được khánh thành năm 1980 để tưởng nhớ nhà lãnh đạo đã nắm quyền cai trị Đài Loan. Quốc Dân Đảng của ông đã nắm quyền kiểm soát toàn bộ Trung Quốc cho tới khi ông chạy sang Đài Loan sau khi bị lực lượng của cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông - người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - đánh bại năm 1949.
Sau khi Đài Loan trở thành một hỏn đào dân chủ hồi cuối thập niên 1980, dân chúng ở đây đã bắt đầu công khai chỉ trích ông Tưởng Giới Thạch như một nhà lãnh đạo độc tài với cáo buộc thủ tiêu và đàn áp những người bất đồng chính kiến một cách dã man.
Hàng nghìn bức tượng tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, từng là trung tâm của sự sùng bái nhân cách của Tưởng, đã bị dỡ bỏ khắp Đài Loan trong hơn 20 năm qua. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn và Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) cầm quyền của bà đã tăng cường nỗ lực nhằm tạo khoảng cách với quá khứ.
Trung Quốc từ lâu luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và tuyên bố bảo lưu phương án dùng vũ lực để thống nhất hai bờ eo biển. Bắc Kinh tuyên bố chỉ có chính phủ Trung Quốc có quyền đại diện hòn đảo này lên tiếng trên trường quốc tế. Tuyên bố này đã được Trung Quốc nhấn mạnh trong giai đoạn đại dịch, đặc biệt là tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhiều năm qua, Đài Loan đã tranh cãi về danh tính của họ và quan hệ chính xác giữa hòn đảo này và đại lục, bao gồm cả về tên gọi.
Trong bối cảnh Bắc Kinh đang ngày càng chèn ép và cô lập hòn đảo về mặt ngoại giao, DPP đã đặt ra mục tiêu xây dựng lại thương hiệu cho bản sắc quốc tế của Đài Loan. Một số động thái có thể kể đến như việc thiết kế lại hộ chiếu để nhấn mạnh tên của hòn đảo này, tránh lẫn lộn với Trung Quốc đại lục. Chính quyền của bà Thái Anh Văn cũng đang xem xét việc đổi tên, hoặc ít nhất là thiết kế lại, đối với hãng hàng không lớn nhất của Đài Loan là China Airlines.
Adina Zemanek, giảng viên bộ môn Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Central Lancashire (Anh) cho biết: “Những thay đổi này mang tính căn bản và có hệ thống hơn so với trước đây, đặc biệt là trong 3 năm qua. Đó là xây dựng một hình ảnh và xây dựng khả năng hiển thị bản sắc cho chính Đài Loan”.
Zemanek cho biết đảng DPP cầm quyền thời gian gần đây đang tích cực tiếp cận lượng quan tâm của công chúng về hòn đảo ở nước ngoài. DPP cũng nỗ lực quảng bá di sản bản địa của Đài Loan ở trong và ngoài nước, đặt câu chuyện lịch sử của hòn đảo này khác biệt hẳn so với Trung Quốc, và đảng cầm quyền cũng đưa Đài Loan vào bản đồ LGBT như là nơi đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
Đại dịch cũng mang lại cơ hội mới cho Đài Loan để tăng vị thế của mình bằng cách cung cấp thiết bị y tế theo khẩu hiệu "Đài Loan có thể giúp đỡ" và "Đài Loan đang giúp đỡ", cũng như cách mà hòn đảo này cho đến nay đã tránh được thương vong hàng loạt do COVID-19.
Tuy nhiên, trong khi nhiều động thái trong số này mang giá trị biểu tượng sâu sắc trong và ngoài hòn đảo, thì DPP vẫn không đủ sức nặng để thay đổi cách nhìn nhận Đài Loan trên toàn cầu. Chuyên gia Jose Torres nói với Nikkei rằng xây dựng thương hiệu hòn đảo không chỉ là một chiến dịch quảng bá thông thường.
"Thế giới không biết nhiều về Đài Loan. Họ chỉ biết rằng có hòn đảo này luôn xung đột với Trung Quốc và băn khoăn rằng liệu nó có thuộc về Trung Quốc hay không, còn điều thứ hai là công nghệ. Đây là hai thứ duy nhất gắn liền với Đài Loan. Thế giới không có thời gian để quan tâm trừ khi hòn đảo có điều gì đặc biệt muốn thế giới quan tâm”, Torres cho hay.
Theo ông, Đài Loan vẫn đang thiếu một "ý tưởng lớn" với sự cộng hưởng cảm xúc. Torres chỉ ra rằng New Zealand đã tái xây dựng thương hiệu như một quốc gia bền vững, trong khi Estonia đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu của mình là một trong những xã hội kỹ thuật số hàng đầu thế giới mặc dù dân số chỉ 1,35 triệu. Hàn Quốc, thậm chí còn thành lập Hội đồng về thương hiệu quốc gia vào năm 2009, nhằm xuất khẩu văn hóa, quảng bá thương hiệu quốc gia.