Cục Hàng không yêu cầu các hãng bay dừng bán vé nội địa

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:27, 28/09/2021

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các hãng bay dừng mở bán vé nội địa.

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không gồm: Pacific, Vietjet, Tre Việt và Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam về việc dừng mở bán vé trên các đường bay nội địa cho đến khi có thông báo mới.

mbay-1632011211362-16320112115531859382183-1632452437364535810811-10-0-410-640-crop-1632452443528182171021.jpg
Máy bay của các hãng hàng không Việt Nam - Ảnh: Internet

Theo đó, hiện nay Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng Kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa, đường bộ) trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Do vậy, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các hãng hàng không Việt Nam dừng mở bán vé trên các đường bay nội địa cho đến khi Bộ Giao thông vận tải ban hành Kế hoạch chính thức.

Trước đó, trong công văn gửi các hãng hàng không chiều 30.8, Cục Hàng không đã yêu cầu các hãng tiếp tục thực hiện việc hạn chế số lượng chuyến bay từ các tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, không được phép mở bán vé máy bay nội địa.

Bộ Giao thông vận tải mới đây đã đưa ra dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách (lần 2) với lĩnh vực hàng không với 2 phương án:

Phương án 1 sẽ được chia làm 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng kế hoạch này): Tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4.2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay.

Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1): Tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4.2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay.

Giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2): Tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4.2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).

Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới) được khai thác trở lại bình thường.

Trong thời gian thực hiện các giai đoạn 1, 2 và 3: Các đường bay mới, đường bay có tần suất 1 chuyến/ngày của mỗi hãng hàng không thì được khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày; thực hiện giãn cách ghế trên tàu bay trong giai đoạn 1.

Phương án 2: Giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng kế hoạch này) tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4.2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay.

Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1) tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4.2021của hãng hàng không đó.

Giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2): Tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4.2021của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).

Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới): được khai thác trở lại bình thường.

Trong thời gian thực hiện các giai đoạn 1 và 2: Các đường bay mới, đường bay có tần suất 1 chuyến/ngày của mỗi hãng hàng không thì được khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày; thực hiện giãn cách ghế trên tàu bay trong giai đoạn 1.

Trong quá trình thực hiện từng giai đoạn, căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương và trên cơ sở ý kiến thống nhất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có cảng hàng không sân bay (nơi đi, nơi đến), Cục Hàng không Việt Nam quyết định áp dụng thực hiện một trong các giai đoạn nêu trên.

Tuyết Nhung