Phúc thẩm vụ Ethanol Phú Thọ: Các bị cáo mong HĐXX chấp nhận nội dung kháng cáo
Sự kiện - Ngày đăng : 19:19, 28/09/2021
Chiều 28.9, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên bố kết thúc phần tranh luận tại phiên xét xử phúc thẩm vụ án Ethanol Phú Thọ. Trước khi HĐXX vào nghị án và đưa ra phán quyết vào ngày mai, các bị cáo được nói lời sau cùng.
Đứng trước HĐXX, bị cáo Vũ Thanh Hà (cựu Tổng giám đốc PVB) mong HĐXX xem xét có tình, có lý những nội dung mà bị cáo và luật sư của bị cáo đã trình bày, để cho bị cáo hưởng mức án như luật sư đã đề nghị.
Nói lời sau cùng, bị cáo Phạm Xuân Diệu (cựu Tổng giám đốc PVC) giãi bày: “Cả đời công tác, bị cáo luôn tận tụy, cống hiến vì sự phát triển của đất nước; nay bị cáo tuổi cao, sức yếu, lại đang phụng dưỡng mẹ già”. Bị cáo kính mong HĐXX xem xét cho bị cáo bởi bị cáo chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên…
Các bị cáo còn lại đều mong HĐXX xem xét công tâm, khách quan, chấp nhận nội dung kháng cáo mà các bị cáo đưa ra.
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đã đề nghị bác toàn bộ kháng cáo của 6 bị cáo và Công ty Mai Phương, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Cụ thể, theo bản án sơ thẩm, bị cáo Vũ Thanh Hà bị tuyên phạt mức án 6 năm 6 tháng tù; bị cáo Phạm Xuân Diệu 3 năm 6 tháng tù; bị cáo Nguyễn Xuân Thủy, Khương Anh Tuấn, Hoàng Đình Tâm cùng nhận mức án 30 tháng tù; bị cáo Lê Thanh Thái nhận mức án 24 tháng tù. Các bị cáo nêu trên đều bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
VKS cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt mức án như trên đối với các bị cáo là đã phân hóa đúng vai trò đồng phạm. Do đó, cần giữ nguyên mức án để đảm bảo tính răn đe giáo dục và phòng ngừa chung.
Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo gây thiệt hại số tiền hơn 543 tỉ đồng. Theo phân tích của VKS, theo quy định của pháp luật, trách nhiệm bồi thường được xác định tương ứng với mức độ lỗi của các bị cáo.
Trong vụ án này, Vũ Thanh Hà có mức độ lỗi đứng thứ 3 (sau bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh) nên phải bồi thường 18,42% thiệt hại, các bị cáo còn lại là đồng phạm giúp sức thứ yếu nên mỗi người phải bồi thường 7% thiệt hại như cấp sơ thẩm đã xác định là có căn cứ, phù hợp nên VKS đề nghị giữ nguyên.
Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Đình Tâm cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Tâm phải chịu mức bồi thường thiệt hại 10 tỉ đồng kèm án phí dân sự lên tới hàng trăm triệu đồng là quá cao.
Theo luật sư, trong vụ án này vai trò của bị cáo rất mờ nhạt, không đáng kể, hành vi của bị cáo không trực tiếp gây ra thiệt hại về tài sản cho PVB và nhà nước. Ngoài ra, bị cáo Tâm không hưởng lợi, không thu lợi bất chính, không chiếm hưởng trái pháp luật bất kỳ tài sản hay lợi ích vật chất nào. Đặc biệt, bị cáo còn có hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Vì vậy, luật sư mong HĐXX quyết định cho bị cáo được miễn hoặc giảm tiền bồi thường thiệt hại và án phí dân sự, đồng thời cho bị cáo được trả tiền dần theo điều kiện kinh tế.
Liên quan đến kháng cáo của Công ty Mai Phương, theo phân tích của VKS, diện tích 3.400m2 đất tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) được nhận chuyển nhượng bằng tiền có nguồn gốc của PVC đã bị sử dụng trái pháp luật từ hợp đồng số 173 và chủ trương góp vốn không đúng của cá nhân Trịnh Xuân Thanh. Do đó, cần xác định PVC là chủ thể có quyền sử dụng hợp pháp thửa đất trên.
VKS nhấn mạnh Tòa án cấp sơ thẩm quyết định trả lại cho PVC sử dụng diện tích đất trên là phù hợp và có căn cứ theo quy định của pháp luật. Vì vậy, VKS đề nghị giữ nguyên phán quyết này, không chấp nhận kháng cáo của Công ty Mai Phương.