Gửi hồ sơ theo đường công văn, địa phương không cầm trực tiếp lên Trung ương, tránh phiền hà
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 20:16, 28/09/2021
Ngày 28.9, Thường trực Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Sáng tạo trong giải phóng mặt bằng
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình thực hiện giải ngân 8 tháng đầu năm đạt 183.320 tỉ đồng, đạt 39,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỉ đồng); dự kiến giải ngân đến 30.9.2021 là 218.550 tỉ đồng, đạt 47,38% kế hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết, đến nay, tỉnh đã giải ngân hết số vốn 9.000 tỉ đồng mà Thủ tướng giao cho năm 2021, đang tập trung giải ngân số vốn của tỉnh, hiện đã đạt 72%.
“Phải xác định mục tiêu giải ngân từng tháng, từng quý, lập các tổ công tác đặc biệt thúc đẩy, gắn trách nhiệm người đứng đầu, các cơ quan liên quan như tài chính, kho bạc phải tiếp nhận hồ sơ 24/24h, số liệu giải ngân phải công khai để các bên cùng biết, cùng phấn đấu”, ông Văn nói.
Các bài học khác của Quảng Ninh là phòng chống dịch tốt, giữ địa bàn xanh; động viên, khen thưởng kịp thời cho cán bộ, công nhân trên công trường tăng ca; sáng tạo trong giải phóng mặt bằng. Một điển hình tốt được ông Văn nhắc tới là việc giải phóng mặt bằng cho đường Vân Đồn - Móng Cái chỉ trong 30 ngày đã xong.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường và lãnh đạo nhiều địa phương khác đều ủng hộ việc tách khâu giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, hiện luật mới cho phép áp dụng với một số dự án lớn.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, có một số tuyến đường triển khai rất chậm do theo quy định hiện hành, chuyển đổi 10 ha đất lúa phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ông cũng đề nghị Bộ Xây dựng mạnh dạn phân cấp cho tỉnh thẩm định các dự án nhóm A, dự án cấp 1.
“Vừa rồi, tỉnh có xây dựng thêm tòa nhà khám chữa bệnh 15 tầng phục vụ phòng chống COVID-19, tỉnh báo cáo thì Bộ trưởng đồng ý ngay, ủy quyền cho tỉnh thẩm định và nay đã xong. Nhưng còn các công trình khác, ví dụ cải tạo một chung cư 16 tầng, nhiều tháng rồi chưa nghiệm thu được. Hiện nay, năng lực của các Sở Xây dựng đã rất tốt, công nghệ xây dựng cũng rất tiên tiến, cho nên đề nghị phân cấp. Các Bộ trưởng đều rất quyết liệt, các văn bản lên Bộ trưởng thì đều được xử lý không quá 1 ngày, nhưng từ các vụ lên Bộ thì rất lâu”, ông Thái nêu thực tế.
Tổ chức thực hiện là khâu yếu
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân cố hữu như công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu; việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh toán một lần của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu…
Ngoài ra, năm 2021 là năm chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ và kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự gắn với đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, HĐND, UBND các cấp; năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới, với ưu tiên đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới.
“Đây cũng là năm rất đặc biệt bởi chưa bao giờ nền kinh tế nước ta phải dồn tâm sức và nguồn lực cho công tác phòng chống đại dịch, nhiều tỉnh, thành phải thực hiện các biện pháp giãn cách”, ông Dũng nêu.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay tổ công tác đã tiếp nhận hơn 80 vướng mắc về quy định, thì có tới quá nửa là do cách hiểu không đúng, hiểu khác của các địa phương.
Một nguyên nhân khác là tình trạng chuẩn bị dự án sơ sài nên khi thực hiện khó khăn, có dự án rồi thì lãnh đạo địa phương không tham gia mà giao hết cho các ban quản lý dự án. Trong khi ban quản lý không đủ năng lực, “gặp vướng mắc thì cứ để đấy, trông chờ”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu và thiếu thông suốt, thiếu đồng bộ. Từ đó, dẫn tới việc giải ngân chậm. Chỉ có 4 bộ và 11 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt hơn 60%. Có 76/114 ban, bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (47%), có cơ quan chưa giải ngân được đồng nào.
“Phải thẳng thắn nhìn thẳng vào sự thật, tập trung cao hơn, quyết liệt hơn, giải pháp cụ thể hơn”, Thủ tướng yêu cầu.
Ông nhấn mạnh, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, biểu hiện ở việc xây dựng các dự án, chuẩn bị đầu tư tính toán không kỹ càng, dàn trải; sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp để tổ chức thực hiện có những nơi, những lúc thiếu tập trung, thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể; kiểm tra, giám sát chưa nghiêm túc.
“Công tác giải phóng mặt bằng liên quan tới người dân nên cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải vận động để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”. Có nơi Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo nên làm rất tốt”, Thủ tướng chia sẻ với các địa phương.
Thủ tướng phê bình nghiêm khắc các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%. Ông đề nghị các địa phương này kiểm điểm nghiêm túc.
Tăng cường làm việc trực tuyến
Thủ tướng nêu rõ, từ nay đến cuối năm còn hơn 50% nguồn vốn đầu tư công phải giải ngân. Đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất cao mới làm được.
Theo Thủ tướng, nguồn vốn đầu tư công khoảng 250.000 tỉ đồng còn lại của năm 2021 là nguồn lực rất quan trọng trong lúc dịch bệnh tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và đời sống nhân dân. Theo đó, phải xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thúc đẩy giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất có thể, bảo đảm chống tiêu cực, tham nhũng.
Thủ tướng nhấn mạnh cần kiểm soát tốt dịch bệnh để sớm phục hồi và triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, trong đó có đầu tư công; Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn tạm thời trên tinh thần theo địa bàn, phạm vi, đối tượng nhỏ nhất, hẹp nhất có thể, nhanh nhất có thể, linh hoạt nhất có thể.
Ngoài ra, việc giao vốn phải chuẩn bị kỹ càng, lựa chọn đúng các công trình trọng tâm, trọng điểm. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phát huy vai trò người đứng đầu; cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, xem đây là một tiêu chuẩn đánh giá cán bộ cuối năm.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Sau ngày 30.9 có lộ trình phù hợp, hiệu quả, mở cửa trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
Ông yêu cầu các địa phương, bộ ngành tăng cường trao đổi, làm việc trực tuyến, hồ sơ giấy tờ gửi theo đường công văn. Các địa phương không phải cầm hồ sơ trực tiếp chạy lên các bộ ngành Trung ương để tiết kiệm thời gian, chi phí, tránh phiền hà.
“Các bộ ngành, thành viên Chính phủ, các địa phương quán triệt tinh thần này, tiết kiệm cho dân cho nước trong lúc này là rất cần thiết”, Thủ tướng nhấn mạnh.