Bộ Y tế lý giải về giá chênh lệch bộ kit test COVID-19
Sự kiện - Ngày đăng : 08:00, 29/09/2021
Hiện nay, thị trường bán nhiều loại que test nhanh COVID-19 với mức giá chỉ khoảng vài chục đến hơn 100.000 đồng/bộ. Tương tự, ở nước ngoài, giá bán tính ra cũng chỉ có 35.000 đồng/bộ. Trong khi đó, thực tế khi người dân đi test tại các bệnh viện, các cơ sở y tế để lấy chứng nhận thì mức test nhanh vẫn rất cao. Tại các bệnh viện, cơ sở y tế người dân đến test phải trả từ 170.000 đồng đến 250.000 đồng/lượt test.
Liên quan tới vấn đề bộ test nhanh có sự chênh lệch giữa giá gốc và giá bán, trao đổi riêng với Một Thế Giới, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng (Việt kiều tại Đức) cho biết trước đây ông đã email cho một số cơ quan chức năng thông tin về việc các bộ kit xét nghiệm ở bên Đức khá rẻ, nhưng khi về Việt Nam lại bị đội lên cao nhiều lần so với thực tế.
"Tôi cũng đề nghị nếu Bộ Y tế cần sự tư vấn ở Đức thì bản thân tôi có thể giúp vì tôi làm việc, sinh sống tại Đức trên 50 năm, đặc biệt có thâm niên lâu trong ngành dược phẩm, nên có thể giúp nhà nước nhập các bộ kit xét nghiệm nhanh về nước ở mức thấp nhất có thể. Như thế mới hỗ trợ được người dân cùng đồng lòng chống dịch.
Nếu đặt địa vị là chủ doanh nghiệp với số lượng nhân viên cả ngàn người thì số tiền một doanh nghiệp chi trả cho việc xét nghiệm vài ngày/lần cho công nhân viên là điều rất khó, thậm chí là ảnh hưởng đến kinh tế, đến sự phục hồi của đất nước.
Vì vậy Bộ Y tế cần tiếp cận nguồn bộ test nhanh giá rẻ được sử dụng ở những nước sản xuất để hỗ trợ cho doanh nghiệp và chính quyền trong công tác chống dịch phi lợi nhuận.
Và cũng cần hiểu thêm là giá bán lẻ ở thị trường thường đã được nâng lên 300% đến 500% giá bán của nhà sản xuất, có sản phẩm cũng được nâng lên 2.000% chứ không thể dựa vào giá bán lẻ mà nhập khẩu được", ông nói.
Trước đó, ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 từng chia sẻ: “Chi phí xét nghiệm toàn bộ cho công nhân của May 10 trước đây mỗi lần là 1,3 tỉ đồng, giờ giá một kit thử xuống còn 100.000 đồng thì cũng là 1 tỉ đồng. Toàn bộ chi phí này so với vắc xin thì tiền vắc xin ít hơn rất nhiều”.
Nhiều doanh nghiệp ngán ngẩm muốn đóng cửa vì các chi phí cho xét nghiệm COVID-19 quá lớn, làm không lãi, nhưng vì uy tín với khách hàng, vì cuộc sống của người lao động mà họ vẫn phải cắn răng vận hành guồng máy sản xuất kinh doanh. Đã có những chủ doanh nghiệp cay đắng chia sẻ: Lãi lời cũng chỉ đủ để trang trải cho xét nghiệm COVID-19.
Trao đổi với báo chí ngay trong ngày 28.9 về thông tin giá bộ xét nghiệm tại Việt Nam còn cao hơn một số nước trên thế giới, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết giá của mặt hàng kit xét nghiệm COVID-19 thường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố:
Thứ nhất, nếu test có tiêu chuẩn của WHO thì giá cao so với tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
Thứ hai, nếu test có xuất xứ ở các quốc gia Âu - Mỹ thì thường đắt hơn nơi khác.
Thứ ba, ở giai đoạn cao điểm dịch gia tăng, nhà cung ứng ít thì đương nhiên giá sẽ cao hơn so với thời điểm dịch bệnh giảm, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối, nhập khẩu và đơn vị trong nước sản xuất được kit xét nghiệm và bán phi lợi nhuận.
Thứ tư, nếu mua với số lượng nhiều thì thường giá sẽ rẻ hơn so với số lượng ít khi đơn vị đặt mua.
Cũng theo ông Trần Văn Thuấn, hiện nay Bộ Y tế chưa mua sắm mặt hàng này, việc đấu thầu, thực hiện mua sinh phẩm, kit test chủ yếu do các địa phương thực hiện. Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 sinh phẩm xét nghiệm và thường xuyên cập nhật để công bố giá cả của các loại xét nghiệm, hướng dẫn xét nghiệm cũng như thanh toán linh hoạt tùy thuộc vào thời điểm. Ví dụ, trước đây quy định, mỗi xét nghiệm kháng nguyên nhanh là 238.000 đồng thì sau thời điểm ngày 1.7.2021, chúng ta thanh toán theo thực thanh thực chi và theo kết quả đấu thầu.
“Chúng tôi cho rằng, hợp lý nhất, tiết kiệm nhất là chúng ta cần có chiến lược xét nghiệm hợp lý, phù hợp với từng địa phương, từng thời điểm. Và Bộ Y tế hướng dẫn chuyên môn, cấp phép cho các loại xét nghiệm, đồng thời tham gia công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm chuẩn các kit test Bộ nhận được tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước. Việc mua, bán, thầu do các tỉnh, các đơn vị tiến hành và được công bố công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế làm cơ sở để các tỉnh và các đơn vị tham khảo, phục vụ cho các công tác đấu thầu và mua bán theo các quy định hiện hành”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Bộ Y tế cũng đề nghị các sở y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng chống dịch COVID-19 và chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiểm soát các sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 trôi nổi trên thị trường và hiện tượng lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để nâng giá, đội giá. Cần đưa giá thành kit xét nghiệm COVID-19 vào mặt hàng bình ổn giá, đảm bảo chất lượng.
Đồng thời, theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế đã tăng cường việc chuyển giao công nghệ để tới đây, Việt Nam sớm có test chất lượng chuẩn châu Âu nhưng giá thành của Việt Nam. "Từng địa phương phải có chiến lược xét nghiệm phù hợp với từng thời điểm theo hướng dẫn của Bộ Y tế để làm sao vừa đạt hiệu quả nhất trong công tác phòng chống dịch, vừa tiết kiệm"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.