Sinh viên sư phạm sẽ không còn miễn học phí, nhưng được cấp tín dụng

Giáo dục - Ngày đăng : 14:56, 29/05/2018

Sáng 29.5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trình bày dự thảo Luật Giáo dục - Ảnh: Quochoi.vn

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sau 12 năm thực thi, Luật Giáo dục đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, quy định hệ thống giáo dục quốc dân chưa thể hiện được sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp học và trình độ đào tạo; giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Một số quy định hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, chưa thu hút, phát triển được đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục…

Theo đó, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung 36 điều, bổ sung 3 điều mới, bãi bỏ 10 điều. Trong đó có một số quy định mới như học sinh, sinh viên sư phạm thực hiện việc đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành khác.

“Việc sửa đổi này nhằm thực hiện đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi đối với người học sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành giáo dục, tránh lãng phí ngân sách Nhà nước”, Bộ trưởng nêu.

Đặc biệt, dự thảo bổ sung trách nhiệm của gia đình phối hợp với nhà trường, nhà giáo trong việc giáo dục học sinh, tôn trọng nhà giáo, không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm và thân thể nhà giáo.

Thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, UBTVQH nhận thấy, dự thảo Luật mới chỉ dừng lại ở những quy định chung, chưa làm rõ phạm vi, tiêu chí của hệ thống giáo dục mở và cơ chế, quy trình, cách thức tổ chức quản lý trong liên thông. Chính sách phân luồng là điểm yếu của hệ thống giáo dục hiện nay nhưng chưa được giải quyết trong Dự thảo Luật.

Về đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí, đa số thành viên ủy ban tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện chính sách theo đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi với đối tượng làm việc trong ngành giáo dục; tránh lãng phí ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, ủy ban này cho rằng cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người học trong tiếp cận chính sách; bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những người tự đóng học phí.

Bên cạnh đó, cũng có một số đại biểu đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để thể hiện chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

Dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, các đại biểu đều cho rằng, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; sửa đổi các quy định có liên quan về tuyển sinh, đào tạo sư phạm; bổ sung các quy định nhằm nâng cao vị thế nhà giáo, xác định đúng vai trò, vị trí của nghề giáo để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.

Ủy ban này cũng đề cập đến việc thực hiện chính sách cử tuyển thời gian qua. Trong những năm gần đây có tình trạng cử tuyển chưa bảo đảm yêu cầu về ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn, số lượng… dẫn đến dôi dư, khó thực hiện việc phân công công tác cho người được cử tuyển đã tốt nghiệp; một số địa phương đã ngừng thực hiện chính sách đưa người đi học cử tuyển. Vì vậy, Ủy ban tán thành việc nghiên cứu, điều chỉnh chính sách cử tuyển để phù hợp với thực tiễn.

Mặt khác, trong giai đoạn hiện nay cần xác định lại mục tiêu của chính sách cử tuyển là để đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ (nói chung) cho vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần tổng kết việc thực hiện chính sách cử tuyển thời gian qua, trong đó lưu ý việc xây dựng chỉ tiêu cử tuyển, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo thông qua hình thức cử tuyển, thống kê số lượng người học sau khi tốt nghiệp được phân công hoặc tự tìm việc làm tại địa phương.

Về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, Ủy ban cho rằng, các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung về nhà giáo trong Dự thảo Luật chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, vẫn chỉ là những quy định chung, chưa rõ yêu cầu và chính sách. Các quy định về vị thế, vai trò; điều kiện, tiêu chuẩn; nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn; sự đãi ngộ, tôn vinh còn chồng chéo.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, sửa đổi chương Nhà giáo một cách căn cơ, tiếp tục khẳng định rõ vị thế của nhà giáo trong Luật; quy định đầy đủ, cụ thể hơn hệ thống chính sách tương xứng với vị thế đã được xác định; làm rõ mối quan hệ và trách nhiệm tương hỗ giữa Nhà nước - nhà giáo - người học, làm căn cứ để xây dựng Luật Nhà giáo và pháp luật có liên quan, bảo đảm việc xây dựng đội ngũ nhà giáo đảm đương tốt nhất trọng trách của mình.

Đặc biệt, đối với chính sách lương của nhà giáo, đề nghị bám sát Nghị quyết của Đảng để thể chế hóa trong Luật, tạo cơ sở để Chính phủ xây dựng các đề án cải cách tiền lương.

Lam Thanh