Kháng thể trung hòa giảm mạnh sau 7 tháng tiêm mũi vắc xin Pfizer đầu tiên

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:51, 02/10/2021

Phụ nữ mang thai chưa tiêm vắc xin COVID-19 có nguy cơ phát triển bệnh nặng nếu nhiễm biến thể Delta; kháng thể trung hòa giảm mạnh sau 7 tháng tiêm mũi vắc xin Pfizer đầu tiên. Đó là hai nghiên cứu quan trọng được công bố mới đây.

Biến thể Delta làm tăng rủi ro cho phụ nữ mang thai chưa tiêm vắc xin COVID-19

So với các trường hợp mắc COVID-19 trước đó trong đại dịch, nhiễm biến thể Delta dẫn đến kết quả tồi tệ hơn cho phụ nữ mang thai chưa được tiêm vắc xin, dữ liệu mới cho thấy.

Các bác sĩ đã nghiên cứu 1.515 phụ nữ mang thai mắc COVID-19 được chăm sóc từ hệ thống y tế công cộng lớn ở thành phố Dallas (bang Texas, Mỹ) từ tháng 5. 2020 đến 4.9.2021.

Trong 82 phụ nữ phát bệnh nặng có 81 người chưa được tiêm vắc xin COVID-19, với 10 người cần phải thở máy và 2 người chết.

Các nhà nghiên cứu cho biết tỷ lệ ca mắc COVID-19 nghiêm trọng hoặc nguy kịch ở phụ nữ mang thai là khoảng 5% tính đến đầu năm 2021, gần như không có vào tháng 2 và phần lớn tháng 3.2021.

Vào cuối mùa hè, trong thời gian biến thể Delta lây lan dữ dội nhất, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 mang thai cần phải nhập viện đã tăng lên 10% đến 15%, theo báo cáo đăng trên Tạp chí Sản phụ khoa Mỹ.

anh-chup-man-hinh-2021-10-02-luc-09.10.33.png
Một phụ nữ mang thai được tiêm vắc xin COVID-19 tại  Mỹ  - Ảnh: Reuters

Phụ nữ mang thai phải đối mặt nguy cơ biến chứng cao hơn với bất kỳ loại nhiễm trùng đường hô hấp nặng nào. Vì vậy những phát hiện về nguy cơ cao hơn từ biến thể Delta càng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Emily Adhikari thuộc Đại học Trung tâm Y tế Tây Nam Texas (Mỹ), cho biết.

Ngày 6.9, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã kêu gọi “hành động khẩn cấp” để đẩy mạnh việc tiêm vắc xin cho những người đang mang thai, những người đang cho con bú hoặc những ai dự định mang thai vì “lợi ích của việc tiêm vắc xin là vượt trội hơn những rủi ro đã biết hoặc tiềm ẩn”.

Kháng thể trung hòa giảm mạnh sau 7 tháng tiêm mũi vắc xin Pfizer đầu tiên

Một nghiên cứu cho thấy 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai vắc xin Pfizer - BioNTech, nhiều người sẽ không còn kháng thể từ vắc xin có thể vô hiệu hóa ngay lập tức các biến thể đáng lo ngại của vi rút SARS-CoV-2.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu máu của 46 người khỏe mạnh, chủ yếu là thanh niên hoặc người trung niên sau khi tiêm hai mũi vắc xin Pfizer và một liều tăng cường 6 tháng sau mũi thứ 2.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc tiêm vắc xin Pfizer tạo ra lượng kháng thể trung hòa cao chống lại COVID-19 nhưng mức này giảm gần 10 lần sau 7 tháng khi tiêm mũi ban đầu”, nhà nghiên cứu Bali Pukendran thuộc Đại học Stanford và Mehul Suthar của Đại học Emory cho biết.

2109281931.jpeg
Vắc xin Pfizer  - Ảnh: Internet

Trong khoảng một nửa số đối tượng, các kháng thể trung hòa có thể ngăn chặn sự lây nhiễm các biến thể như Delta, Beta và Mu không thể phát hiện được sau 6 tháng sau kể từ mũi tiêm thứ hai.

Các kháng thể trung hòa không phải là cách bảo vệ duy nhất của hệ thống miễn dịch chống lại vi rút SARS-CoV-2. "Tuy nhiên, chúng cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ chống lại sự lây nhiễm của vi rút SARS-CoV-2", theo Bali Pukendran và Mehul Suthar.

"Những phát hiện này cho thấy sử dụng một mũi tiêm tăng cường vào khoảng 6 đến 7 tháng sau khi tiêm mũi ban đầu có thể sẽ tăng cường khả năng bảo vệ chống lại vi rút SARS-CoV-2 và các biến chủng của nó”, hai nhà nghiên cứu cho biết thêm.

Đan Thuỳ