Việt – Mỹ đạt được thỏa thuận, hàng Việt Nam hết lo bị thuế cao khi vào Mỹ
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:45, 02/10/2021
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngày 1.10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã thay mặt cho Chính phủ Việt Nam ký Thỏa thuận với Trưởng đại diện thương mại (USTR) của Chính phủ Mỹ Katherine Tai về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.
Vào tháng 10.2020, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) dưới thời Tổng thống Donald Trump đã mở một cuộc điều tra về xuất khẩu gỗ của Việt Nam theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974. Và dưới thời Tổng thống Joe Biden, cuộc điều tra đã được giải quyết bằng thỏa thuận.
Thỏa thuận vừa đạt được sẽ thiết lập các cam kết ngăn chặn gỗ bị khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung ứng, cũng như bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Thỏa thuận thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chuỗi cung ứng gỗ, mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép.
Đồng thời, thỏa thuận cũng được phía Mỹ đánh giá rất cao. Bà Tai nói: “Tôi ca ngợi Việt Nam đã cam kết giải quyết những lo ngại của chúng tôi liên quan đến việc nhập khẩu và sử dụng gỗ bị khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp”. “Với hiệp định này, Việt Nam sẽ cung cấp một mô hình - cho cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn cầu - để thực thi toàn diện đối với gỗ bất hợp pháp. USTR mong muốn được hợp tác với Việt Nam để tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin, gồm cả việc thông qua Nhóm công tác về gỗ mới được thành lập”.
Bà Tai lưu ý rằng thỏa thuận cung cấp một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề đang được điều tra và đảm bảo sẽ không có hành động thương mại nào vào thời điểm này.
Hiện tại, Mỹ là thị trường tiêu thụ đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam, ước tính trị giá 6,5 tỉ USD vào năm 2020, tương đương khoảng một nửa tổng lượng hàng nông sản của Việt Nam sang Mỹ. Ngay trong bối cảnh khó khăn của đại dịch COVID-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 8 tháng năm 2021 đạt mức 6,4 tỉ USD, tăng trưởng 58,8% so với cùng kỳ 2020. Walmart Inc. và Ashley Furniture Industries Inc. là một trong những khách hàng lớn nhất của các nhà sản xuất đồ gỗ nội thất Việt Nam.
“Gỗ bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng gây thiệt hại cho môi trường toàn cầu và các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà tất cả chúng ta phụ thuộc vào đó và không công bằng đối với các công nhân và doanh nghiệp Mỹ phải tránh những loại gỗ đó”, bà Tai nói thêm. “Việc USTR sử dụng Mục 301 đầu tiên trong cuộc điều tra này cho thấy sức mạnh của việc sử dụng công cụ này để giải quyết các mối quan tâm về rủi ro môi trường hoặc việc thực thi luật môi trường”.
Thỏa thuận sẽ thúc đẩy tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Mỹ, khuyến khích phát triển trồng rừng nguyên liệu trong nước, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời cũng tạo thêm nhiều việc làm cho nền kinh tế. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký.
Ngay lập tức, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội giày dép & quần áo (AAFA) Steve Lamar đã lên tiếng ca ngợi thông báo của Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai rằng Việt Nam đã giải quyết các mối quan ngại của Mỹ trong cuộc điều tra Mục 301 về Gỗ Việt Nam:
“Chúng tôi vui mừng nhận thấy hàng may mặc, giày dép và phụ kiện của Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam sẽ không phải chịu thêm thuế quan. Vào thời điểm mà chúng tôi đang tập trung vào việc cung cấp nhiều vắc xin hơn cho đối tác thương mại quan trọng này và mở lại các chuỗi cung ứng gặp khó khăn, việc loại bỏ mối đe dọa thuế quan này thực sự được hoan nghênh. Chúng tôi cũng vui mừng nhận thấy Việt Nam và Mỹ tăng cường công tác bảo vệ chống khai thác gỗ bất hợp pháp, một bước quan trọng cho hành trình phát triển bền vững của Việt Nam”.
“Là nhà cung cấp hàng may mặc, giày dép và sản phẩm du lịch lớn thứ hai cho thị trường Mỹ, Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ kể từ năm 2016. Ngoài ra, Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) quan trọng.
“Tất cả các biện pháp giảm thuế quan và loại bỏ các mối đe dọa thuế quan là chính sách thương mại tốt, vì đánh thuế quần áo người Mỹ mặc hằng ngày không bao giờ là một chiến thuật đàm phán tốt”.
Tuần trước, AAFA đã viết một lá thư cho Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai về vấn đề này và cuộc khủng hoảng vận chuyển đồng thời gây ra giá cước ngoài tầm kiểm soát. Cùng với sự chậm trễ trong sản xuất thì chi phí đắt đỏ đang tàn phá chuỗi cung ứng và sự phục hồi kinh tế của Mỹ.