Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lúc này phải “thắt lưng buộc bụng”

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:29, 02/10/2021

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương lưu ý cân đối ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi tiêu hội họp, đi lại…; lúc này phải “thắt lưng buộc bụng”.

Áp lực khôi phục sản xuất cuối năm rất lớn

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, diễn ra ngày 2.10, các ý kiến tại phiên họp nhận định tình hình phòng chống dịch bệnh đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể là số ca lây nhiễm trong cộng đồng giảm, đặc biệt số người tử vong giảm mạnh, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát ở phần lớn các địa phương, tiến độ tiêm vắc xin được đẩy nhanh.

Theo Bộ KH-ĐT, nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm đạt được một số kết quả tích cực. Nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương, 1,42% trong 9 tháng dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Tính chung 9 tháng, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì.

Về phát triển doanh nghiệp, trong 9 tháng cả nước ghi nhận 117,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc nghiên cứu xây dựng và thực hiện lộ trình mở cửa trở lại tạo tín hiệu tốt cho cộng đồng doanh nghiệp, theo đó 70% doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình kinh doanh những tháng cuối năm.

thu-tuong-2.jpg
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết dịch bệnh phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của kinh tế-xã hội. Theo đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, hành khách bị đình trệ, chi phí tăng cao, sức mua trong nước giảm sút, nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đời sống người dân, người lao động, nhất là tại khu vực thành thị chịu tác động mạnh.

Theo Bộ trưởng Dũng, áp lực khôi phục sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm là rất lớn. Phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 vẫn là yếu tố quyết định cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Nhiệm vụ những tháng cuối năm là hết sức nặng nề.

Hỗ trợ hơn 18,1 triệu người

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết đến nay trên cả nước chính phủ đã hỗ trợ hơn 18,1 triệu người với kinh phí hơn 14.900 tỉ đồng. Hai chính sách tiếp cận chậm hơn là cho vay trả lương, phục hồi sản xuất; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.

Về việc triển khai chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực từ ngày 1.10, ngay trong ngày hôm qua, các cơ quan đã khởi động việc này, tới 12 giờ trưa đã hỗ trợ 3.570 người lao động trên cơ sở dữ liệu có sẵn.

Các cơ quan phấn đấu trong 5 ngày hỗ trợ cho tất cả người sử dụng lao động và hỗ trợ cho 12,8 triệu lao động trong tối đa trong vòng 45 ngày, rút ngắn 2/3 thời gian so với yêu cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh trong những tháng cuối năm, cùng với nỗ lực cao nhất về phòng chống dịch, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh mọi biện pháp để tháo gỡ cơ chế, khơi thông nguồn lực. Chính phủ cũng tạo động lực mới, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tăng trưởng kinh tế tốt hơn và tạo tiền đề cho những tháng đầu năm 2022, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Thủ tướng chia sẻ, tình hình kinh tế và đời sống nhân dân rất khó khăn, GDP quý 3 giảm 6,17%, GDP 9 tháng tăng 1,42% so với cùng kỳ. Hầu hết các ngành đều suy giảm trong quý 3, tổng cầu suy yếu mạnh, giải ngân đầu tư công chưa đạt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, tình hình vẫn có những điểm sáng. Nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn vẫn được bảo đảm, lạm phát ở mức thấp. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, thanh khoản thông suốt, thu ngân sách đạt hơn 80%, góp phần bảo đảm thu chi cho phòng, chống dịch và an sinh xã hội. Sản xuất nông nghiệp vẫn là điểm sáng, xuất nhập khẩu tăng trưởng khá; đầu tư FDI vẫn được duy trì. Tổng cầu tăng nhẹ trở lại nhưng phải theo dõi thêm…

Thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện chiến lược, kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành trong tháng 10.

Ngoài ra, chính sách tài khóa phải phù hợp tình hình, linh hoạt, sáng tạo. Bộ Tài chính và các bộ ngành, địa phương lưu ý cân đối ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi tiêu hội họp, đi lại…, lúc này phải “thắt lưng buộc bụng”.

Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung giải ngân vốn ODA. Các bộ quản lý vĩ mô sớm có chính sách kích thích kinh tế, đưa dòng tiền vào nền kinh tế đúng hướng, có hiệu quả; nghiên cứu nới trần nợ công, bảo đảm các chỉ số kinh tế vĩ mô phù hợp tình hình.

thu-tuong.jpg
Thủ tướng yêu cầu triệt để tiết kiệm chi thường xuyên

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện thống nhất toàn quốc việc lưu thông hàng hóa theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, không cứng nhắc; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và nông nghiệp an toàn; thúc đẩy nhanh việc gỡ thẻ vàng IUU của EU với thủy sản Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay các giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất. Tháo gỡ các khó khăn giúp doanh nghiệp giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng; tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo tính toán, dự báo cung cầu hàng hóa dịp cuối năm để không thiếu hàng; cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính ở các cấp; xử lý nghiêm các vi phạm về giá, đầu cơ, găm hàng, trục lợi.

Vận động người dân ở lại nơi đang sinh sống làm ăn

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; theo dõi hằng ngày diễn biến đời sống người dân, thực hiện các chính sách hỗ trợ nhanh nhất, đơn giản nhất.

“Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội, làm cho "dân biết - dân hiểu - dân tin - dân theo - dân làm". Những gì người dân thắc mắc thì phải giải thích rõ; đồng thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch, kẻ xấu, củng cố niềm tin của nhân dân, an lòng dân”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục vận động người dân ở lại, đồng thời triển khai các biện pháp ổn định cuộc sống, tiêm vắc xin, quan tâm giải quyết việc làm cho bà con…

“Với những người thực sự cần trở về, các địa phương phối hợp, chia sẻ, hợp tác chặt chẽ để đưa đón người dân một cách an toàn, trật tự, trên tinh thần tương thân, tương ái, tránh những căng thẳng không cần thiết”, Thủ tướng nêu.

Người đứng đầu Chính phủ biểu dương và đề nghị các địa phương tham khảo một số bài học kinh nghiệm tốt như tỉnh Vĩnh Phúc đã đón hơn 20.000 người dân trở về bảo đảm an toàn, Tiền Giang đón người trở về theo hướng phân cấp, phân tán xuống từng xã, huyện để tránh quá tải, vận dụng quan điểm lấy xã phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ…

Lam Thanh