Nước đến chân mới nhảy, có thể nhảy sớm hơn không?
Góc bình luận - Ngày đăng : 15:17, 03/10/2021
Tuyển Việt Nam chuẩn bị đá với Trung Quốc và Oman tại vòng loại World Cup 2022. Rất may, các trận đấu đều đá trên sân khách vì nếu tiếp tục đá trên sân nhà, người Việt Nam lại có dịp xấu hổ khi truyền hình quay bộ mặt nham nhở của sân Mỹ Đình.
Trận đấu hồi tháng trước, Việt Nam tiếp Úc đã bị báo chí Úc có thói quen nói thật ví von là “bãi cỏ bò gặm dở”. Ban đầu, vẫn còn có không ít người Việt tự ái khi bộ mặt của thể thao quốc gia bị chê bằng từ có vẻ quá phũ phàng (nhưng lại rất chính xác). Sau đó AFC cũng phải lên tiếng, mà theo Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh thì AFC đã có những đánh giá tệ về sân Mỹ Đình, đặc biệt là mặt sân, các phòng chức năng, âm thanh, ánh sáng...
Lúc này thì tất cả mới chịu là sân Mỹ Đình... tệ thật.
Ông Trần Văn Chiên - Phó Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia (KLHTTQG) cho biết, từ tháng 7.2020 đến nay, ngân sách hoạt động của đơn vị này gần như trống rỗng. Do vậy, dù biết sân Mỹ Đình xuống cấp nhưng cũng không có tiền để cải tạo.
Đến 21.9, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương có mặt trên sân Mỹ Đình để kiểm tra, thị sát đánh giá thực trạng tổng thể sân Mỹ Đình. Chiều 1.10, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn khẳng định sân Mỹ Đình đang được cải tạo để đảm bảo chất lượng cho đội tuyển Việt Nam đá vòng loại World Cup 2022.
Ơ, sao các vị sao không chịu đốc trách nhiều hơn? Sao các vị không kiểm tra sân sớm hơn khi lịch thi đấu của tuyển Việt Nam đã có từ tháng 7. Chỉ đến khi mặt sân nham nhở phô bày ra thế giới thì các vị mới chịu xuống kiểm tra rồi quyết liệt cải tạo. Cứ nước đến chân mới nhảy thì nhiều khi... chết đuối. Giá như có tâm lo lắng hay có tầm để nhìn trước vấn đề thì đâu có cơ sự như vậy.
Mà chuyện thể thao bóng đá dù sao cũng chỉ là chuyện mua vui vài trống canh. Hình ảnh đó dù có thể tồn tại rất dài trên youtube làm người Việt cảm thấy xấu hổ khi xem lại chỉ là cái mặt sân vận động quốc gia. Còn những thứ như dân sinh xã hội ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của đất nước còn đáng lo hơn gấp bội khi nước không chỉ đến chân mà còn có thể dâng cao hơn.
Sau 18h ngày 30.9, dòng người từ TP.HCM ùn ùn đổ về quê khi nghe tin thành phố nới lỏng giãn cách. Khó trách những người này khi nằng nặc về quê vì họ đã phải nghiêm chỉnh cấm túc suốt 4 tháng giãn cách. Nhiều người trong số họ đã cạn tiền, âm tiền do vay mượn và không thể chịu đựng thêm cảnh ở trọ với nỗi lo cảnh cũ có thể tái diễn. Dù sao về quê cũng có chỗ dựa tinh thần và không bị áp lực tài chính như ở TP.HCM.
Nhưng dòng người về quê – những nơi chưa được tiêm phủ vắc xin sẽ mang lại những điều rủi ro cho các miền quê. Trong khi đó, thành phố - nơi đang gắng gượng phục hồi kinh tế lại rơi vào cảnh thiếu lao động trầm trọng. Đây là thời điểm mà các doanh nghiệp đang cần đẩy hàng cho các đối tác quốc tế trước mùa mua sắm cuối năm. Thậm chí, họ phải chạy đua sản xuất để giao kịp hàng sau nhiều tháng sản xuất đình trệ. Thiếu lao động sẽ khiến cho doanh nghiệp rơi vào tình cảnh không sản xuất kịp, phải bồi thường hợp đồng hay thậm chí bị mất bạn hàng.
Tất cả những điều kể trên không khó để nhận ra từ tháng trước.
Nhưng tại sao khi nguy cơ như nước mấp mé, chúng ta lại không có phương án để xử lý vấn đề từ sớm?
Tại sao trước giờ nới lỏng, không có những biện pháp trấn an người ngoại tỉnh một cách thiết thực làm ấm lòng họ thì có lẽ họ sẽ ở lại.
Và trước đó, nếu như các nguồn lực của chính quyền và doanh nghiệp được tập trung chăm lo thật tốt cho người lao động nhập cư trong những tháng qua thì họ không tìm cách thoát khỏi thành phố bất chấp rủi ro phía trước. Người dân lên Sài Gòn cũng chỉ vì mưu sinh, vì kiếm tiền và khi họ thấy Sài Gòn không phải nơi an sinh tốt, nơi không cảm thấy được "trân trọng", thì họ cần chi phải lưu luyến.
Người lao động hôm nay không phải nước đến chân mới nhảy, mà 4 tháng qua thì nhiều người đã ngấm lạnh do tác động của đại dịch rồi. Khi lạnh, người ta thường nghĩ về mái ấm, nghĩ về quê nhà. Mà, TP.HCM năm nay cũng nhiều mưa và lạnh hơn.