Với liên minh cầm quyền mới, Đức sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc

Góc nhìn - Ngày đăng : 17:06, 03/10/2021

Cuộc bầu cử cuối tuần trước là thời điểm quan trọng đối với chính trường Đức, hứa hẹn đem lại thay đổi đáng kể về chính sách ngoại giao và an ninh.

Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ kế nhiệm bà Angela Merkel làm Thủ tướng Đức. Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ xã hội (SPD) đang chiếm ưu thế, nhưng khoảng cách sít sao khiến cho nhân vật lãnh đạo Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) Armin Lasche vẫn còn cơ hội.

Trong nền dân chủ nghị viện của Đức, bầu cử chỉ là bước đầu tiên. Xây dựng liên minh giữa các đảng phái mới quyết định ai sẽ điều hành đất nước và điều hành ra sao.

Trạng thái mới

Cuộc bầu cử vừa kết thúc báo hiệu khởi đầu của một trạng thái mới: hệ thống chính trị phân mảnh hơn, số phiếu SPD và CDU cộng lại khó vượt quá 50%. Do đó Bundestag (Quốc hội Đức) sẽ bao gồm nhiều đảng phái nhỏ nắm giữ khoảng 10% phiếu, khiến liên minh cầm quyền đa đảng trở thành tiêu chuẩn. Chính phủ Đức được thành lập sẽ kém ổn định hơn, thời gian tồn tại rút ngắn; quyền lực của Thủ tướng Đức cũng giảm đi.

Tỷ lệ phiếu bầu mà đảng Xanh cùng đảng Dân chủ tự do (FDP) giành được tăng đáng kể lên 14,8% và 11,5% - đảm bảo họ có vai trò trong hình thành liên minh cầm quyền. Vị thế hiện tại cho phép họ đưa ra nhiều yêu cầu khi đàm phán tham gia liên minh.

Đảng Xanh sẽ muốn quyền quyết định về chính sách môi trường và năng lượng, có khả năng giữ vai trò lãnh đạo lãnh đạo một cơ quan khí hậu - năng lượng - môi trường (thậm chí có thể có tiếng nói trong đối ngoại). Phía FDP sẽ muốn kiểm soát chính sách tài khóa, lãnh đạo đảng này là ông Christian Lindner đã tỏ ý muốn nắm giữ một vị trí quan trọng về quản lý tài chính.

Cơ hội để xét lại chính sách với Trung Quốc

Chính sách ngoại giao và an ninh cũng hứa hẹn sắp có thay đổi. Với lập trường ủng hộ mạnh mẽ NATO, CDU cùng bản thân Thủ tướng Merkel xem quân đội Đức là công cụ hợp pháp phục vụ đối ngoại nên lâu nay định hướng tăng cường dần sức mạnh của lực lượng vũ trang. Phe này cũng hoan nghênh Đức thiết lập dấu ấn an ninh lớn hơn trên toàn cầu, tăng chi tiêu quốc phòng theo đúng cam kết đưa ra trước đó với NATO.

Một chính phủ do SPD lãnh đạo, đặc biệt có thành viên đảng Xanh theo chủ nghĩa hòa bình, là tin xấu cho CDU. Tuy nhiên, liên minh như vậy lại là tin tốt với những ai mong muốn Đức cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Bất chấp sự chỉ trích không giải quyết được nhiều vấn đề trong nước, Thủ tướng Merkel thành công tạo dựng uy tín đối ngoại to lớn khi đưa Đức cùng châu Âu vượt qua không ít cuộc khủng hoảng rất khó khăn.

Nhưng ở mảng Trung Quốc, bà lại gây thất vọng vì áp dụng cách tiếp cận thờ ơ và tránh công kích dù Bắc Kinh đem lại hàng loạt thách thức mang tính hệ thống. Nữ lãnh đạo bị chỉ trích thờ ơ trước hành vi vi phạm nhân quyền, ưu tiên quan hệ kinh tế với Trung Quốc chứ không đứng lên chống lại hành vi vi phạm luật quốc tế Trung Quốc thực hiện.

f62fd7d4-cc83-46e4-8f73-094f34565ec8.jpeg
Bà Merkel bị chỉ trích quá "hiền" với Trung Quốc - Ảnh: Global Times

Khi Thủ tướng Merkel nghỉ hưu, một phần quyền lực sẽ được chuyển giao lại cho các đảng liên minh cùng một số bộ. Văn phòng Đối ngoại liên bang Đức cũng có thể tái khẳng định vị thế nếu chính trị gia Annalena Baerbock thuộc đảng Xanh giữ chức ngoại trưởng.

Đây là cơ hội xét lại chính sách Trung Quốc cũng như ưu tiên kinh tế vốn không còn phù hợp với động lực địa chính trị ngày nay. Tâm lý chống Trung trên toàn cầu khiến áp lực buộc Đức xác định rõ lập trường ngày càng gia tăng, trốn tránh không phải lựa chọn tốt vì thách thức mà Bắc Kinh đem lại sẽ sớm vượt quá giới hạn của Berlin.

Dù khác biệt về ý thức hệ, nhưng cả đảng Xanh lẫn FDP đều ủng hộ lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc và Nga. Đảng Xanh khi tranh cử xác định phải “cạnh tranh mang tính hệ thống” với Bắc Kinh tuy không nhấn mạnh yếu tố quân sự.

FDP thì ủng hộ phong trào đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông, chủ trương thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan, nhấn mạnh cần bảo vệ luật pháp quốc tế.

Liên minh cầm quyền như vậy sẽ giúp Đức liên kết chặt chẽ hơn với đồng minh, hướng tới xây dựng lập trường thống nhất của liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Cẩm Bình