2 địa phương chưa muốn tiếp nhận chuyến bay nội địa

Sự kiện - Ngày đăng : 07:00, 04/10/2021

Hà Nội và Hải Phòng là hai địa phương kiến nghị chưa khai thác đường bay nội địa đi/đến địa phương mình.

UBND TP Hải Phòng đã có văn bản phản hồi kế hoạch tổ chức khai thác các đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam. Theo đó, TP đề nghị Cục Hàng không tạm thời chưa khai thác các đường bay chở hành khách đi/đến Hải Phòng.

2-chot-1568215314466411451780-1593403169977763842291.jpg
Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại đường bay nội địa - Ảnh: Internet

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải cho biết, qua 60 ngày thực hiện giãn cách xã hội, TP Hà Nội cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội nhận định hiện nay, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố phía Nam và một số địa phương khác vẫn còn diễn biến phức tạp. Dịch bệnh xâm nhập từ các tỉnh, thành phố khác vào Hà Nội vẫn còn rất cao.

Để đảm bảo mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho thủ đô, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài.

Ngày 1.10, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi văn bản lấy ý kiến các địa phương về dự thảo kế hoạch tổ chức khai thác các đường bay nội địa trong nước giai đoạn 1 để thống nhất trước khi triển khai cấp phép hoạt động.

Đáng chú ý, trong kế hoạch này, tiếp thu kiến nghị của TP Hà Nội (Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng kiến nghị dừng các hoạt động bay thương mại đi, đến), nên Cục Hàng không không lấy ý kiến từ phía Hà Nội.

Tuy nhiên, trong dự thảo với các chặng bay từ các địa phương khác, Cục Hàng không vẫn đưa hành trình đến Hà Nội để chủ động xin ý kiến của các địa phương về việc nối chuyến đến Hà Nội, tới khi Hà Nội sẵn sàng sẽ tăng tính chủ động trong việc xây dựng kế hoạch bay.

Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất mở lại các đường bay đi và đến các địa phương gồm: TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cà Mau. Tổng số các đường bay nội địa dự kiến khôi phục lại là 385 chuyến bay khứ hồi/ngày.

Trong đó, TP.HCM khôi phục lại 18 đường bay với 132 chuyến bay khứ hồi/ngày. Đà Nẵng khôi phục 10 đường bay; Lâm Đồng khôi phục 23 chuyến khứ hồi/ngày; Hải Phòng khôi phục 20 chuyến khứ hồi/ngày; Thanh Hoá là 6 đường bay với 11 chuyến khứ hồi/ngày; Cần Thơ là 7 đường bay với 11 chuyến khứ hồi/ngày, Nghệ An là 7 đường bay với 19 chuyến khứ hồi/ngày. Đắk Lắk là 6 đường bay với 14 chuyến khứ hồi/ngày; Khánh Hoà là 6 đường bay với 20 chuyến khứ hồi/ngày; Thừa Thiên - Huế là 3 đường bay với 9 chuyến khứ hồi/ngày; Kiên Giang khôi phục 8 đường bay với 24 chuyến khứ hồi/ngày; Gia Lai khôi phục 4 đường bay với 9 chuyến khứ hồi/ngày.

Một số địa phương khác như Phú Yên đề nghị khôi phục 2 đường bay với 7 chuyến khứ hồi/ngày; Bình Định là 3 đường bay với 5 chuyến khứ hồi/ngày; Quảng Nam là 2 đường bay với 8 chuyến khứ hồi/ngày; Bà Rịa - Vũng Tàu là 5 đường bay với 15 chuyến khứ hồi/ngày; Quảng Bình là 2 đường bay với 6 chuyến khứ hồi/ngày. Riêng Quảng Ninh và Điện Biên đề nghị khôi phục 1 đường bay.

Riêng đối với đường bay đi/đến Hà Nội, Cục đã trao đổi với Sở GTVT Hà Nội về kế hoạch khai thác đường bay nội địa đi/đến Hà Nội giai đoạn 1, dự kiến hoạt động từ ngày 5.10 gồm 17 đường bay với 91 chuyến khứ hồi/ngày.

"Ngoài những quy định nêu trên, nếu UBND TP Hà Nội có chỉ đạo cần bổ sung về các biện pháp, yêu cầu về phòng chống dịch, Cục sẽ triển khai, thực hiện nghiêm ngặt đến các cơ quan, đơn vị có liên quan trong dây chuyền vận tải nhằm đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19", đại diện Cục Hàng không nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có 2 sân bay lớn nhất cả nước, việc đóng cửa sân bay Nội Bài (Hà Nội) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc khôi phục lại mạng bay nội địa và hoạt động giao thương cũng như các kế hoạch nới lỏng của các địa phương.

Tuyết Nhung