Từ nữ nhân viên của Alibaba bị quấy rối tình dục tới văn hóa tiếp rượu nơi công sở
Văn hóa - Ngày đăng : 13:15, 04/10/2021
Khoảng hai tuần một lần, Mingxi phải cùng các đồng nghiệp đi uống rượu sau giờ làm việc, điều mà cô rất sợ. Đây không phải là một bữa ăn bình thường mà kéo dài cả một buổi tối với những nụ cười gượng gạo với khách hàng và những lời chúc tụng mà cô không cảm thấy thoải mái.
Nhà tư vấn quan hệ công chúng, 25 tuổi ở Quảng Châu (Trung Quốc) nói với BBC rằng: “Tôi luôn lo lắng rằng mọi thứ có thể vượt qua khỏi tầm kiểm soát mặc dù tôi khá giỏi trong việc kiểm soát việc tửu lượng của mình. Đôi khi, những người tham gia còn bông đùa những câu chuyện không phù hợp, tôi thì phải giả vờ rằng chúng rất buồn cười”.
Kinh nghiệm của Mingxi được chia sẻ bởi những nhân viên trẻ tuổi khác tại Trung Quốc - những người cảm thấy áp lực khi phải tham gia những sự kiện như vậy tại một đất nước mà việc xây dựng các mối quan hệ cá nhân là chìa khóa để đảm bảo công việc diễn ra thuận lợi và có được hình ảnh tốt trong mắt cấp trên.
Văn hóa tiếp rượu trong công sở đã một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý sau cáo buộc hiếp dâm của nữ nhân viên Alibaba. Nữ nhân viên này cáo buộc đã bị ép uống rượu và lạm dụng tình dục bởi quản lý của mình và khách hàng của công ty.
Alibaba đã sa thải người quản lý và nói rằng ông sẽ “không bao giờ được thuê lại”. Song các công tố viên Trung Quốc sau đó đã bỏ ngỏ vụ án và các luật sư nói rằng “hành vi khiếm nhã cưỡng bức” mà người đàn ông thực hiện không phải là một tội ác. Cảnh sát cho biết người này sẽ bị giam giữ trong 15 ngày “như một hình phạt” và cuộc điều tra đã bị đóng lại.
Tuy nhiên, vụ việc đã gây ra một cơn bão trên mạng xã hội không chỉ nhằm vào về vấn nạn quấy rối tình dục nơi công sở mà còn lên án văn hóa tiếp rượu độc hại.
Trên Weibo, hashtag “how to view workplace drinking culture” đã thu hút hơn 110 triệu lượt quan tâm cùng với việc mọi người chia sẻ kinh nghiệm của bản thân khi bị ép buộc phải uống rượu trong môi trường công sở.
“Từ chối là thiếu tôn trọng”
Có những điểm tương đồng giữa văn hóa tiếp rượu ở Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á. Các cuộc tụ họp như vậy tại Nhật Bản và Hàn Quốc cũng được coi là chìa khóa để xây dựng các mối quan hệ tốt hơn trong công việc.
Ở Trung Quốc, đồ uống thường được dùng trong các bữa tiệc xa hoa và một loại rượu mạnh của Trung Quốc có tên là Baijiu chứa tới 60% độ cồn được nhiều người lựa chọn.
Những nhân viên trẻ tuổi được kỳ vọng sẽ thể hiện sự tôn trọng với cấp trên bằng cách nâng ly chúc mừng với rượu. Bất kỳ doanh nhân nào hy vọng gây ấn tượng mạnh với khách hàng họ cũng chọn cách này.
Bà Rui Ma, một nhà phân tích công nghệ đã tham dự nhiều bữa tiệc cho biết: “Bạn phải nói ra những lời khen ngợi, bày tỏ lòng biết ơn và đánh giá cao vì đã có mối quan hệ này. Khi bạn càng nâng cốc thì bạn càng say”.
Đôi khi cấp trên có thể gây áp lực buộc những người mới được tuyển dụng phải uống giúp. “Thật khó để nói không với sếp của bạn vì ý thức phân cấp rất mạnh tại Trung Quốc”.
Đây cũng là lý do tại sao nhân viên thường khó từ chối bất kỳ lời mời ăn tối nào từ cấp trên.
Nhà phân tích thị trường Trung Quốc Hanyu Liu thuộc Daxue Consulting cho biết: “Từ chối một lời mời như vậy sẽ bị coi là cực kỳ thiếu tôn trọng và không nhân viên nào muốn thăng tiến trong sự nghiệp lại dám từ chối lời mời đó”.
Mingxi nói rằng cô lo lắng về việc bị đối xử không công bằng trong công việc nếu từ chối tham gia những buổi tụ tập ăn uống. “Những buổi ăn uống này quan trọng đến mức một số người sẽ sử dụng chúng như một con đường để thu hút sự chú ý của cấp trên. Song điều này không phải ai cũng làm”, Mingxi nói.
Vào năm 2016, các quan chức chính phủ Trung Quốc đã áp chế việc uống rượu của các công chức bằng cách cấm họ tiếp xúc với rượu trong khi làm việc. Nhưng việc này vẫn tiếp tục ở nhiều công ty tư nhân, đặc biệt là khi các giám đốc điều hành lớn tuổi nắm quyền và một số sự cố nghiêm trọng đã xảy ra gây xôn xao dư luận.
Vào tháng 1 năm ngoái, một nhân viên bảo vệ ở Thâm Quyến đã chết sau khi bị cấp trên gây sức ép buộc phải tham gia một cuộc thi uống rượu sau giờ làm việc. Đồng nghiệp của anh cũng bị ép uống rượu đến mức phải nhập viện vì ngộ độc.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương, công ty an ninh đã trả 5.000 nhân dân tệ (775 USD) để trang trải chi phí y tế cho người này trong khi cấp trên của anh phải nghỉ việc.
Sau đó một tháng, một nhân viên ngân hàng ở Bắc Kinh cho biết đã bị chửi bới và tát vào mặt sau khi từ chối lời mời uống rượu của cấp trên trong một bữa tiệc. Sự việc sau đó đã được đưa ra ánh sáng khi người này viết lại câu chuyện trong một nhóm trò chuyện trực tuyến.
Chấm dứt văn hóa tiếp rượu độc hại
Trước sự phẫn nộ lớn về những vụ việc gần đây, các chuyên gia cho rằng việc ép rượu sẽ kết thúc sớm.
Ông Liu thuộc Daxue Consulting chia sẻ với BBC: “Việc tiếp rượu trong môi trường công sở đã diễn ra trong thời gian dài nhưng lý do duy nhất khiến vụ việc Alibaba gây ra phản ứng dữ dội từ công chúng là vì mạng xã hội. Người Trung Quốc rất nghiện internet và chỉ cần có lượng người trực tuyến cao, họ có thể hạ gục một người hoặc một công ty rất nhanh chóng”.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang tiến hành áp chế rộng rãi hơn đối với một số ngành công nghiệp, bao gồm cả một số công ty lớn thì các công ty này cần phải cẩn thận hơn trong các hoạt động để tránh sự trừng phạt từ chính phủ.
Sau khi vụ việc của Alibaba bị vỡ lở, CEO Daniel Zhang đã trấn an nhân viên trong một bản ghi nhớ rằng công ty “kiên quyết phản đối ép rượu”.
Ngay sau đó, cơ quan giám sát chống tham nhũng của Trung Quốc đã kêu gọi chấm dứt văn hóa tiếp rượu đồng thời nói thêm trong một bài bình luận trực tuyến rằng họ sẽ tăng cường giám sát các công ty Trung Quốc. “Văn hóa uống rượu sau giờ làm việc của Trung Quốc chắc chắn sẽ thay đổi”, ông Liu nói.