Nước đầu tiên chỉ cấp ‘thẻ xanh’ cho người tiêm 3 liều vắc xin COVID-19

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:30, 04/10/2021

Hôm 3.10, Israel đã gây áp lực lên các công dân đã tiêm 2 liều vắc xin khi yêu cầu những người chích liều thứ ba mới đủ điều kiện nhận "thẻ xanh" để vào nhà hàng, phòng tập thể dục và nhiều địa điểm khác.

Israel là nước sớm áp dụng các mũi tiêm vắc xin tăng cường của Pfizer - BioNtech cho các nhóm nguy cơ hồi tháng 7 và bất kỳ ai trên 12 tuổi vào cuối tháng 8. Chiến dịch tiêm vắc xin tăng cường của Israel đang được các nước khác theo dõi chặt chẽ.

“Thẻ xanh” mới sẽ được cấp cho những người đã nhận được 3 liều vắc xin hoặc gần đây khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19, thay thế cho hệ thống trước đó chỉ yêu cầu hai mũi vắc xin. Israel nâng cao rào cản với những gì chính phủ coi là tiêm chủng đầy đủ.

Bắt đầu từ 5.10, chủ cửa hàng hoặc nhà tổ chức sự kiện sẽ phải quét mã vạch kỹ thuật số của khách hàng trước khi cho phép vào trong. Sẽ có một số trường hợp miễn trừ, chẳng hạn như bảo tàng và thư viện.

Khoảng 37% dân số 9,4 triệu dân Israel đã được tiêm liều vắc xin thứ ba. Số lượng bệnh nhân COVID-19 nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng đã giảm những ngày gần đây, cũng như số ca được xác nhận hàng ngày, giảm xuống dưới 4.000 sau khi đạt đỉnh 10.000 hồi tháng trước.

nuoc-dau-tien-chi-cap-the-xanh-cho-nguoi-tiem-3-lieu-vac-xin-covid-19.jpg
Israel chỉ cấp ‘thẻ xanh’ cho người tiêm 3 liều vắc xin COVID-19

Trong bối cảnh tiến thoái lưỡng nan về dữ liệu vắc xin COVID-19 tăng cường, các nước EU có kế hoạch khác nhau

Hàng loạt chiến dịch tiêm thêm liều vắc xin COVID-19 thứ ba đang được triển khai trên khắp Liên minh châu Âu (EU) ngay cả trước khi cơ quan giám sát thuốc khu vực này đưa ra các quy định về việc liệu chúng có an toàn và hiệu quả hay không.

Ý, Pháp, Đức, Ireland đã bắt đầu triển khai tiêm mũi vắc xin thứ ba và Hà Lan có kế hoạch sớm thực hiện nhưng chỉ dành cho những người bị ức chế miễn dịch. Thế nhưng, một số quốc gia EU đang chờ Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đưa ra ý kiến ​​trong tuần này.

Bức tranh phân mảnh phản ánh các cách tiếp cận khác nhau được thấy trong việc triển khai mũi tiêm ở một trong những khu vực giàu có nhất thế giới vào thời điểm đầu năm, đồng thời cũng nhấn mạnh sự thiếu đồng thuận giữa các nhà khoa học về mức độ cần thiết của chúng, trong khi các chính phủ tìm cách vực dậy nền kinh tế ốm yếu, chống lại biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn và tránh tiếp tục phong tỏa vào mùa đông.

Nhấn mạnh những gì đang bị đe dọa, trung tâm các bệnh truyền nhiễm EU cho biết tỷ lệ bao phủ vắc xin của khu vực vẫn còn quá thấp và có nguy cơ gia tăng đáng kể số ca mắc COVID-19, nhập viện, tử vong 6 tuần tới.

Chỉ có 61% tổng dân số đã được tiêm hai mũi vắc xin và chỉ có ba nước - Malta, Bồ Đào Nha, Iceland - đã tiêm chủng cho hơn 75% tổng dân số của họ. Con số đó so với chưa đến 1/4 dân số ở Bulgaria, một trong những nước tụt hậu lớn trong việc tiêm chủng của EU.

Tuy nhiên, sự thúc đẩy của EU với liều tăng cường sẽ khuấy động cuộc tranh luận về việc sử dụng vắc xin ở các nước giàu khi các quốc gia nghèo hơn phải vật lộn để tiếp cận nguồn cung cấp và tiêm chủng cho người dân.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia trì hoãn việc sử dụng liều vắc xin thứ ba cho đến khi nhiều người trên thế giới được chủng ngừa.

Nếu EMA ủng hộ việc tiêm tăng cường liều vắc xin Pfizer, EU (với 27 thành viên) sẽ theo chân Mỹ, Anh và Israel.

Những nước này dựa trên dữ liệu từ Israel, nơi liều vắc xin thứ ba đang được cung cấp cho toàn dân và hơn 1,1 triệu người từ 60 tuổi trở lên đã nhận được liều Pfizer tăng cường, dẫn đến giảm các ca bệnh nói chung cũng như bệnh nặng do COVID-19 trong nhóm đó.

Pfizer và Moderna cũng từng công bố các phân tích dữ liệu thử nghiệm lâm sàng cho thấy hiệu quả vắc xin của họ (ước tính ban đầu là hơn 90% với mắc COVID-19 có triệu chứng) sẽ giảm dần theo thời gian.

Nhiều chuyên gia về vắc xin cho biết dữ liệu đến nay chỉ cho thấy nhu cầu sử dụng vắc xin tăng cường ở người lớn tuổi và những ai có hệ miễn dịch bị tổn thương.

Dự kiến ​​sẽ có quyết định của EMA vào ngày 4.10, dù cơ quan quản lý không có khả năng cung cấp hướng dẫn chi tiết về việc ai sẽ nhận được liều vắc xin tăng cường.

EMA và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đều cho biết không có đủ dữ liệu về vấn đề này.

Hôm 30.9, ECDC nói những người có hệ thống miễn dịch suy yếu nghiêm trọng có thể được tiêm liều vắc xin bổ sung vì họ có thể không được bảo vệ đầy đủ từ hai mũi đầu tiên.

Như một biện pháp phòng ngừa, những người già yếu, đặc biệt là những ai sống trong nhà chăm sóc, cũng có thể được tiêm liều vắc xin tăng cường. Trong khi nhân viên y tế và nhân viên khác tiếp xúc với F0 cũng có thể được xem xét.

Thế nhưng, họ cho biết vẫn đang đánh giá dữ liệu về khả năng miễn dịch suy giảm sau khi tiêm chủng và việc giảm hiệu quả của vắc xin chống lại biến thể Delta.

Các nước EU đang thực hiện các chính sách của riêng mình.

Ý đã bắt đầu thực hiện tiêm vắc xin cho những người bị tổn thương miễn dịch, người già và nhân viên y tế, những ai dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ nhiễm vi rút SARS-CoV-2 cao, nhắm vào tổng số khoảng 9 triệu người.

Ngược lại, Hà Lan chỉ tiêm liều vắc xin tăng cường cho những người bị ức chế miễn dịch (lên đến 400.000 người) và nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiêm chủng chính (hai mũi).

"Vào thời điểm hiện tại, vắc xin COVID-19 cung cấp mức độ bảo vệ cao trước vi rút. Manh mối duy nhất cho đến nay cho sự bảo vệ đang giảm dần là đến từ Israel, nhưng bản thân những dấu hiệu này vẫn cung cấp quá ít cơ sở cho một chiến dịch tăng cường ở Hà Lan", hội đồng y tế nước này cho biết.

Ở Đan Mạch, chính phủ đang theo đuổi một chiến lược tương tự nhưng có kế hoạch cung cấp liều tăng cường cho nhân viên y tế và bất kỳ ai trên 65 tuổi nếu EMA cho phép.

Thụy Sĩ sẽ không sử dụng liều vắc xin thứ ba lúc này vì các nhà chức trách không thấy khả năng bảo vệ giảm dần theo thời gian, nhưng họ vẫn đang theo dõi dữ liệu.

Việc ra quyết định cũng đã bộc lộ những chia rẽ trong nước. Các bộ trưởng y tế liên bang và khu vực của Đức đã lo lắng về việc tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 chậm lại nên bỏ phiếu cho liều thứ ba với phần lớn người dân.

Thế nhưng, Ủy ban thường trực tiêm chủng Đức (STIKO) chỉ đồng ý tiêm mũi vắc xin bổ sung cho những người bị suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như bệnh nhân ung thư hoặc những ai được cấy ghép nội tạng.

STIKO cho biết đang xem xét mở rộng sang các nhóm khác và sẽ đưa ra khuyến nghị trong những tuần tới.

Sơn Vân