'Vũ khí' hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp hiện tại và tương lai
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:24, 05/10/2021
COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống
Chia sẻ trong phần 2 OPEN TALKS với chủ đề Đâu là “Trận cuối”?, theo TS.Nguyễn Thanh Mỹ (Chủ tịch Rynan Technologies), khó khăn lớn với doanh nghiệp giai đoạn vừa qua là cách chống dịch của cơ quan ban ngành địa phương chưa phù hợp với doanh nghiệp.
“Chúng ta cũng không thể áp đặt “zero COVID” cho tất cả doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải kiên trì để theo dõi tình hình và sự thay đổi của chính sách để có thể bám sát quy trình, duy trì sản xuất cho doanh nghiệp, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng”, ông Mỹ cho biết.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Kỳ (Chủ tịch Vietravel Holdings) cũng cho rằng doanh nghiệp nên kiên nhẫn trong giai đoạn “nóng” hiện tại. Ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ trong giai đoạn này, hàng loạt chuyến bay bị cắt giảm, máy bay “đắp chiếu”, hành khách vắng bóng, cảng hàng không ngưng trệ… cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tới hoạt động của ngành du lịch.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, định hướng thị trường khai thác của Vietravel Airlines là các đường bay du lịch kết nối địa phương - địa phương thông qua 2 trung tâm Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Dịch COVID-19 đã “đâm thủng” trái tim của ngành du lịch, hàng không.
Kể từ khi chủng Delta tràn vào, Việt Nam đã thấy rõ tốc độ lây nhiễm và mức độ tàn khốc của nó. Sự tác động của đại dịch COVID-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Anh Đức (Tổng giám đốc Saigon Co.op) nhận định: “Ngành bán lẻ thường bị nhầm là không thể chết dù có rủi ro, nhưng trên thực tế, thương mại hiện đại chỉ đóng 1/4 thị phần. Khi hình thức mua bán truyền thống bị ảnh hưởng thì thương mại hiện đại lúc này sẽ gồng gánh”.
Thời điểm này, người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (hơn 75%), trong khi đây là ngành hàng có tỉ lệ lợi nhuận thấp nhất trong tất cả các ngành hàng, chưa kể nhóm này siêu thị đang bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt.
Tốc độ đi kèm tỉnh táo
Tính trong 2 quý đầu năm 2021, “trận địa” chống COVID-19 được các khách mời ví von là một cuộc đua của những ngành thiếu oxy.
Với ngành hàng không, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói vui rằng nếu ví ngành du lịch - hàng không như một bệnh nhân của COVID-19, thì ngành này đang thực sự cần chạy ECMO. Khác với các doanh nghiệp tiêu dùng phải hoạt động hết công suất, doanh nghiệp của ông Nguyễn Quốc Kỳ gần như bất động nhiều tháng nay do dịch bệnh.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ nhận định ngành hàng không nói riêng và du lịch nói chung hiện tại đang “đóng băng”. Du lịch nghỉ dưỡng được dự báo sẽ khôi phục khi vắc xin có hiệu quả đưa vào sử dụng; tuy nhiên hành khách sẽ thận trọng hơn vì vẫn lo lây bệnh khác. Họ sẽ đánh giá mức độ an toàn trước khi quyết định du lịch trở lại.
Theo ông Lê Trí Thông (Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, Phó chủ tịch HĐQT - CEO Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ), năm 2021 có quá nhiều biến động, bất định, đặt ra câu hỏi cho nhiều doanh nghiệp. Cũng phần 2 OPEN TALKS, ông Lê Trí Thông có lời khuyên 5T dành cho doanh nghiệp đang vẫy vùng trong những “trận cuối”.
Cụ thể, “Tỉnh táo” - không ngủ quên trong những trận đánh thắng đại dịch vào những đợt bùng phát trước; “Tài năng” - tìm ra nhân tài trong đội ngũ, vì nhân viên là tài sản quan trọng nhất tạo nên bộ rễ của cây.
“Tái tạo” - sau đại dịch, doanh nghiệp sẽ không thể đi theo con đường như cũ nên phải khởi động lại và tái cơ cấu doanh nghiệp. “Tình nghĩa” - doanh nghiệp nên gắn bó với doanh nghiệp, với đội ngũ lao động, với Nhà nước.
“Tốc độ” đi kèm với “Tỉnh Táo”. Ông Thông phân tích rằng cơn bão thổi tới và tất cả phải xuất phát trở lại, nhanh chóng xoay chuyển tình thế để thích nghi kịp thời, tỉnh táo nhìn về phía trước để thấy được những con đường, thấy được những kịch bản khác nhau để linh hoạt đối phó tình huống.