Thương mại Mỹ - Trung: Washington vẫn tiếp tục ‘cây gậy và củ cà rốt’
Quốc tế - Ngày đăng : 10:04, 06/10/2021
Bà Tai vừa chính thức đưa ra chính sách thương mại Trung Quốc của Nhà Trắng trong bài phát biểu trước Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) vào ngày 4.10. Nữ quan chức này đánh giá Trung Quốc không thực hiện được một số cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhấn mạnh tình hình khó lòng thay đổi nếu không có biện pháp cứng rắn.
Đại diện Thương mại cho biết sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các đời chính quyền Mỹ đã triển khai nỗ lực đối thoại cấp cao nhằm thúc đẩy quốc gia châu Á này tuân thủ, tự thay đổi theo quy tắc và chuẩn mực WTO, cũng như thực hiện thay đổi theo định hướng thị trường.
“Nhưng loạt cam kết đó trở nên khó giữ vững trong những năm qua, Trung Quốc tuân thủ không nhất quán và không thể thực thi được”, theo bà Tai.
Trước lúc đại diện thương mại Mỹ phát biểu trước CSIS, Mỹ thông báo bà sắp tiến hành hội đàm trực tuyến với Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào vài ngày tới. Nữ quan chức cho biết cuộc hội đàm sẽ giúp bà quyết định Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thay đổi chiến lược với Trung Quốc như thế nào, nội dung làm việc dự kiến xoay quanh những cam kết mua hàng trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Thỏa thuận giai đoạn 1 đạt được cuối năm 2019 yêu cầu Trung Quốc mua thêm 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ (so với mức năm 2017) ở hai năm 2020 và 2021. Viện Kinh tế quốc tế Peterson ước tính Bắc Kinh còn thiếu 30% mới đạt mục tiêu khi thỏa thuận sắp hết hạn.
Theo bà Tai, Mỹ vẫn lo ngại về nhiều hoạt động lấy doanh nghiệp nhà nước làm trung tâm, phi thị trường của Trung Quốc. Washington quyết dùng mọi công cụ để bảo vệ lợi ích kinh tế đất nước trước chính sách có hại.
Học giả George Magnus thuộc Đại học Oxford dự đoán chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn kiên trì áp dụng cách tiếp cận “cây gậy và củ cà rốt” nhằm duy trì lợi thế đàm phán trước Trung Quốc: “Cây gậy” là xem xét và yêu cầu báo cáo việc tuân thủ thỏa thuận giai đoạn 1, còn sự xem xét quá trình dỡ bỏ thuế quan đóng vai trò “củ cà rốt”.
“Có thông tin Mỹ đã chấp nhận 1/3 yêu cầu dỡ bỏ thuế. Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu Đại diện Thương mại Mỹ có đề xuất giảm hay tăng số yêu cầu được chấp nhận hay không”, học giả Magnus cho biết.
Nhà nghiên cứu Tôn Vân thuộc Trung tâm Stimson cũng đánh giá “Quan hệ thương mại vốn đã căng thẳng. Tôi không nghĩ Trung Quốc nên mong đợi chính sách thương mại của Tổng thống Biden thân thiện đáng kể hơn của người tiền nhiệm. Phân tách kinh tế có chọn lọc dường như là không thể tránh khỏi dù cho Tổng thống Biden có thể cho phép bán một số sản phẩm chip bán dẫn cho Trung Quốc”.