Trọng dụng Trần Quốc Tuấn là sự dũng cảm đáng ngạc nhiên của vua Trần
Giáo dục - Ngày đăng : 08:31, 07/08/2018
Trong phần trước, chúng tôi đã đề cập việc Hưng Đạo vương bất chấp những hiềm khích của thế hệ trước để trở thành trung thần số 1 của nhà Trần. Nhưng ở góc độ ngược lại thì cũng phải ca ngợi vua Trần Thái Tông đã có quyết định rất dũng cảm trong việc trọng dụng người cháu trai bởi vì nếu chỉ nhìn sai người thì không những cơ đồ nhà Trần mất mà có khi Trần Thái Tông còn gặp họa sát thân.
Như đã nói, Trần Quốc Tuấn từ nhỏ đã được nuôi dạy ở Thăng Long bởi người cô ruột Thụy Bà công chúa (em gái của Trần Thái Tông và Trần Liễu). Quá trình Quốc Tuấn được nuôi dạy và sự trưởng thành trong nhân cách cũng như tài năng của ông được triều đình theo sát. Năm 1251, Trần Liễu qua đời và đến 1257, Trần Quốc Tuấn bắt đầu được trọng dụng mà theo Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Tháng 9, xuống chiếu, lệnh tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của Quốc Tuấn". Chi tiết này khiến nhiều người nhầm tưởng năm 1257, Trần Quốc Tuấn đã được phong là Tiết chế, thống lĩnh quân đội. Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chép rõ ràng hơn: "Tháng 9. Hạ mệnh lệnh cho Quốc Tuấn đem quân trấn ngự biên thùy phía bắc".
Có thể hiểu thời điểm đó, Quốc Tuấn mới khoảng 20 tuổi lại chưa có công lao gì thì sao được trao chức Tiết chế (như Tổng tư lệnh quân đội) trong lúc Thái sư Trần Thủ Độ mãi 1264 mới qua đời. Tuy nhiên, việc trao cho ông nhiệm vụ trấn giữ biên giới phiên Bắc khi đấy là sự trọng dụng đầy mạo hiểm của vua Trần Thái Tông.
Tại sao lại như vậy? Cần phải lật lại thời điểm 14 tháng trước tức tháng 7.1256. Sử chép: "Tháng 7, mùa thu. Vũ Thành vương tên là Doãn chạy sang đất nhà Tống, bị viên quan bản thổ ở Tư Minh là Hoàng Bính bắt được đưa trả lại. Doãn là con An Sinh vương Liễu, do Lý Thị sinh ra, từ khi nhà vua chiếm lấy Lý Thị lập làm Hoàng hậu, An Sinh vương đối với quốc gia có sự hiềm khích, đến khi Lý hậu mất, tên Doãn bị thất thế, nên đem cả gia quyến chạy sang đất nhà Tống, bị viên quan bản thổ ở Tư Minh là Hoàng Bính bắt được đưa trả lại, nhà vua ban vàng lụa thưởng cho Hoàng Bính. Từ bấy giờ việc xét hỏi quan ải ngày thêm nghiêm mật".
Hiểu một cách đơn giản, Trần Doãn chính là anh cùng cha khác mẹ của Trần Quốc Tuấn. Có thể là để làm vui lòng Lý Oanh và an ủi Trần Doãn nên Trần Thái Tông đã phong cho Doãn làm Vương trong lúc Trần Quốc Tuấn vẫn chưa được phong tước danh giá này. Thế nhưng, Trần Doãn vẫn trong lòng lo sợ nên đã mang cả gia quyến trốn sang Tống giữa 1256. Chỉ ở chi tiết này thôi cũng đủ dấy lên lo ngại rằng Trần Quốc Tuấn có thể hành động tương tự và nếu ông có bụng khác phản bội vua Trần thì rất nguy hiểm cho Thăng Long.
Vào thời điểm đó có lẽ cũng có những tin đồn không có lợi cho Trần Quốc Tuấn về mối thù của cha. Đến ngay Đại Việt sử ký toàn thư còn chép cả chi tiết mơ hồ nhưng đáng sợ là: "Yên Sinh Vương trước đây vốn có hiềm khích với Chiêu Lăng (chỉ Thái Tông), mang lòng hậm hực, tìm khắp những người tài nghệ để dạy Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, Yên Sinh cầm tay Quốc Tuấn giối giăng rằng: "Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được?". Nhưng vua Trần Thái Tông đã dẹp qua mối lo từ tin đồn, mối lo từ chuyện Trần Doãn trốn sang Tống để quyết trọng dụng Trần Quốc Tuấn.
Có một giai thoại được cho là ghi trong cuốn Đông A di sự (được giới thiệu là cuốn sách cổ do Trần Triều Bình Chương Quốc Sư, Băng Hồ Tướng Công Trần Nguyên Đán) kể về chuyện Trần Thái Tông hỏi cung Trần Doãn sau khi bị giải Thăng Long như sau:
"Nhà vua hỏi Vũ Thành Vương (Trần Doãn) rằng:
– Người là con của Hiển Từ thái hậu sinh ra, tước phong tới vương, được trong đãi, thế sao lại bỏ nươc trốn đi?
– Bỏ nước, bỏ mồ mả tổ tiên, bỏ quê hương, bỏ người thân, lưu lạc xứ người, hỏi mấy ai muốn? Từ khi phụ vương băng, anh em thần gạt bỏ hết những thù hận từ tiên vương, để trung thành, bảo vệ vương triều. Nhưng anh em thần vẫn bị nghi ngờ. Từ xưa đến giờ, phàm vua nghi ngờ bầy tôi thì có hai việc xảy ra. Một là bầy tôi sẽ bị giết, hoặc bầy tôi làm loạn để tự tồn. Thần không đủ can đảm phản bệ hạ, nên phải trốn đi.
– Ta nghi ngờ người? Người bịa đặt ra như vậy sao?
– Bệ hạ thử đặt mình vào hoàn cảnh anh em thần thì thấy ngay. Buổi thiết đại triều trước đây đã nghị trao cho Hưng Đạo Vương làm Tiết chế quân mã. Thế nhưng từ hồi ấy đến giờ chiếu chỉ vẫn chưa ban ra. Bệ hạ phong cho Hưng Đạo Vương lĩnh Tiết chế. Cái danh Tiết chế chỉ để trang trí cho đẹp. Quyền của Tiết chế ra sao? Bốn hạm đội, hiệu Kỵ binh, hiệu Ngưu binh, ba hiệu bộ binh của Ngũ Yên sẵn sàng cho triều đình sử dụng. Còn quân của triều đình thì vẫn có Phụ quốc thái úy chỉ huy. Trên Phụ quốc thái úy còn Thái sư thống quốc hành quân vụ chinh thảo sứ. Thì ra Hưng Đạo Vương lĩnh chức Tiết chế để đem lực lượng Ngũ Yên trao cho triều đình.
Vương khẳng khái nói lớn:
– Triều Lý đã có Kiến Hải Vương Lý Dương Côn chạy sang Cao Ly; Lạng Châu Công Lý Long Phi chạy sang Mông Cổ; Phò mã Thủ Huy, công chúa Đoan Nghi chạy sang Mông Cổ; gần đây Kiến Bình Vương Lý Long Tường cũng ra đi. Tất cả những vị đó đều bị oan khuất, các người không muốn chống lại triều đình, muốn ẩn thân cho toàn tính mạng, mà thấy không yên… Nên phải xuất ngoại. Nay thêm thần, thì cũng là sự thường".
Giai thoại này có quá nhiều chi tiết sử liệu cần xem lại vì thực ra thời điểm đó, Trần Quốc Tuấn chưa được phong vương, chưa được phong là tiết chế và khó có lực lượng gọi là Ngũ Yên (được cho là quân tinh nhuệ do Trần Liễu nuôi. Cứ theo lý mà xét, Trần Liễu sau khi thất bại trong vụ loạn ở sông Cái, thuộc hạ bị giết hết thì bị giám sát chặt chẽ, lấy đâu ra cơ hội để tuyển mộ mộ binh sĩ). Tuy nhiên, nếu cuộc đối đáp này có thật thì nó càng khẳng định được sự độ lượng của Trần Thái Tông khi dù có quá nhiều phản biện theo hướng bất lợi nhưng ông vẫn kiên quyết đặt niềm tin vào Trần Quốc Tuấn. Và đó là quyết định sáng suốt bậc nhất trong cuộc đời Trần Thái Tông. Trần Quốc Tuấn, sau là Trần Hưng Đạo không chỉ là trụ cột của nhà Trần mà còn là trụ cột của cả đất nước và trở thành biểu tượng sức mạnh trong cả lịch sử dân tộc.
Còn về chuyện hàng Tống thì để tránh nỗi lo Nguyên Mông khi ấy chẳng có mỗi Trần Doãn nghĩ đến mà ngay Trần Nhật Hiệu, em trai của Trần Thái Tông cũng vậy. Sử chép: "Ngày 12.12.1257, quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy tiến tới Bình Lệ Nguyên. Thế quân Mông Cổ rất mạnh, vua Thái Tông phải lui giữ sông Thiên Mạc. Vua ngự thuyền nhỏ đến thuyền Nhật Hiệu hỏi kế sách chống giặc. Nhật Hiệu đương dựa mạn thuyền, cứ ngồi chứ không đứng dậy nổi do trước đó ông uống rượu vì quá hoang mang trước thế mạnh của quân Mông Cổ, chỉ lấy ngón tay chấm nước viết hai chữ "nhập Tống" lên mạn thuyền". Sau đó, Thái Tông lại dời thuyền đến hỏi Trần Thủ Độ, Thủ Độ tâu: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác". Là anh em ruột trong nhà nhưng chuyện người dũng cảm, người yếu đuối và có suy nghĩ khác nhau cũng là chuyện thường, đó không phải chỉ là riêng chuyện của Thái Tông - Nhật Hiệu hay Trần Quốc Tuấn - Trần Doãn mà thôi.
Anh Tú
Đọc thêm:
Thử lý giải chuyện vua Lý đột nhiên bị điên khi nương nhờ nhà Trần
Vua Lý đảo càn khôn khiến anh em vua Trần oán hận nhau đến chết
Cha của Hưng Đạo vương với án oan hãm hiếp cung nữ do Trần Thủ Độ dựng?
Trần Hưng Đạo chịu sống cảnh ‘con tin’ thời niên thiếu?