Gian lận điểm thi THPT quốc gia: nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ

Giáo dục - Ngày đăng : 05:43, 07/08/2018

Chính căn bệnh thành tích cùng lợi ích nhóm và chủ nghĩa cơ hội đã tạo ra những “cơn mưa” điểm 9, điểm 10, “phù phép” không thành có, thấp thành cao, mà vụ tiêu cực điểm thi vừa rồi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là những trường hợp điển hình.
Thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018

Khâu “hậu kiểm” sau chấm thi bị bỏ ngỏ

Chưa bao giờ giáo dục gặp sự cố đáng tiếc như hiện nay. Đến thời điểm này, ngoài Hà Giang và Sơn La bị phát giác, phanh phui gian lận điểm thi THPT quốc gia, vẫn còn một số tỉnh có phổ điểm thi với dấu hiệu bất thường cần làm sáng tỏ, giải tỏa hoài nghi cho dư luận.

Trước hết, dư luận đặt vấn đề: ngoài Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị phát giác, phanh phui và xử lý gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi, liệu còn tỉnh nào khác tiêu cực hay không?

Sau sự cố gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Bộ GD&ĐT yêu cầu các tỉnh còn lại tự rà soát, kiểm tra, thẩm định kết quả điểm thi của tỉnh mình, nếu có sự cố thì báo cáo Bộ GD&ĐT để xử lý.

Xin thưa, có lẽ không bao giờ người ta bỗng dưng tự thú tội lỗi của mình và tự giác báo cáo khuyết điểm của mình cho cấp trên xử lý. Theo thông tin từ báo chí, 16 đĩa CD chứa dữ liệu điểm thi gốc của tỉnh Sơn La đã bị người ta đem ra nghĩa trang đốt, điều đó cho thấy kẻ phạm tội đã cố ý phi tang chứng cứ, quyết thực hiện ý đồ đen tối đến cùng. Như vậy, mỗi khi ai đó chủ ý gian lận, người ta sẽ dàn xếp, xóa dấu vết phạm tội ngay từ đầu, chứ làm gì có chuyện “lạy ông tôi ở bụi này”!

Tại sao Bộ GD&ĐT không tiến hành thanh tra đột xuất một số tỉnh thành khác (có dấu hiệu bất thường về phổ điểm thi hoặc không có dấu hiệu bất thường)?

Dư luận còn đặt vấn đề: sự cố điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có phải là sự cố lần đầu và duy nhất? Trước đây có địa phương nào khác tiêu cực tương tự như vậy hay không? Nếu dư luận không lên tiếng, Thanh tra Bộ GD&ĐT có về các địa phương để thanh tra, thẩm định đột xuất kết quả chấm thi hay không?

Câu trả lời đã rõ, lâu nay Bộ GD&ĐT “khoán trắng” cho các Sở GD&ĐT, khâu thanh tra, thẩm định kết quả chấm thi chưa hề được quan tâm. Giả sử nếu Hà Giang và Sơn La không nâng điểm thi hàng loạt mà chỉ nâng điểm, sửa điểm một số trường hợp, hoặc không nâng lên điểm 9, 10 mà chỉ nâng điểm ở mức khá, trung bình, nghĩa là phổ điểm thi không có gì bất thường, thì 2 địa phương này có bị phát hiện hay chót lọt trong bảng thành tích “đẹp” và “sạch”?

Xử lý tiêu cực chỉ một phía

Hiện một số cán bộ có liên quan đến tiêu cực điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đang bị cơ quan chức năng truy tố trách nhiệm hình sự. Những người này, họ không tự dưng sửa điểm, “đổi trắng thay đen” kết quả thi của hàng loạt thí sinh.

Ai tiếp tay hay dung túng cho họ? Động cơ khiến họ tiêu cực là gì? Vì tiền, vì quyền lợi khác, hay bị ai đó ép buộc? Những người nhờ vả, chạy chọt là những ai? Họ là những kẻ tòng phạm, không thể để họ “nhởn nhơ” ngoài vòng pháp luật. Nếu người nào dùng tiền, vật chất để lo lót, chạy chọt mua điểm, người đó phạm tội đưa hối lộ. Nếu người nào dùng chức vụ, quyền hạn, quan hệ công tác để tác động người khác nâng điểm cho con em mình, người đó phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để trục lợi, tiêu cực.

Trên tinh thần không có “vùng cấm” trong xử lý tiêu cực, dư luận mong rằng cơ qua chức năng sẽ “truy” ra những người chạy điểm, mua điểm hoặc nhờ vả, lợi dụng “quan hệ” để tiêu cực trong vụ sửa điểm thi vừa rồi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Hạn chế của kỳ thi “2 trong 1”

Kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” (gộp chung kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học thành một kỳ thi) tuy “gọn nhẹ”, tiết kiệm, giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh nhưng nó chứa đựng một số hạn chế, bất cập rất rõ. Ngay từ năm học 2014 - 2015, năm học đầu tiên áp dụng kỳ thi này, dư luận đã không khỏi băn khoăn, hoài nghi về hiệu quả và tính khả thi của nó.

Hai kỳ thi với hai bản chất khác nhau, một kỳ thi để công nhận tốt nghiệp, xác nhận người học đã hoàn thành chương trình Trung học phổ thông; một kỳ thi để phân hóa trình độ, tuyển chọn người tài học ở bậc cao. Độ phân hóa của kỳ thi THPT quốc gia chỉ khoảng 2 điểm, ma trận đề thi tốt đến đâu cũng không thể thay thế nổi một kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng đã tồn tại từ lâu với tính ưu việt của nó.

Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (kỳ thi riêng) bị “khai tử” với lý do được cho là “còn thi đại học, còn lò luyện thi”, bỏ kỳ thi này để những “lò luyện thi” không còn “đất sống”. Lập luận đó thiếu cơ sở, mang tính hời hợt, chủ quan. Xin thưa, nếu như những “lò luyện thi” trước đây công khai ồn ào ở các “trung tâm luyện thi” giữa chốn “thanh thiên bạch nhật” thì bây giờ nó lặng lẽ, “âm ỉ cháy” trong trường, trong nhà giáo viên dưới hình thức dạy thêm - học thêm có tổ chức hoặc tự phát.

Sai lầm hơn của kỳ thi “2 trong 1” là trong những năm gần đây Bộ GD&ĐT đã giao nó cho địa phương tổ chức từ khâu sao in đề thi, coi thi, chấm thi. Một khi “bệnh thành tích”, một căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục chưa chữa được thì cái “bong bóng” thành tích được bơm căng lên, tung bay lửng lơ, xa rời giá trị thực. Chính căn bệnh thành tích cùng lợi ích nhóm và chủ nghĩa cơ hội đã tạo ra những “cơn mưa” điểm 9, điểm 10, “phù phép” không thành có, thấp thành cao, mà vụ tiêu cực điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là hiện tượng điển hình.

Mới đây lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã đưa ra giải pháp khắc phục trong năm tới đó là chấm thi tập trung - một hình thức đã từng áp dụng trước đây - bây giờ sắp được quay lại.

Sai thì sửa, sai đâu sửa đó, nhưng mong sao điều đó không phải là sự chắp vá, luẩn quẩn, dò dẫm. Nếu cứ loay hoay về hình thức thi cử, mỗi năm một kiểu, đem học sinh làm “chuột bạch”, thì e rằng nền giáo dục khó cất cánh bay cao.

Lê Xuân Chiến