Bộ Ngoại giao nói gì về phim Trung Quốc xuyên tạc lịch sử?
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:55, 07/10/2021
Cơ quan chức năng đã chú ý đến trailer phim Trung Quốc xuyên tạc lịch sử
Mạng xã hội của Trung Quốc tuần trước công chiếu trailer phim Quân đội Vương Bài với những chi tiết liên quan đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Việt Nam giai đoạn thập niên 1980. Khán giả Việt Nam đã chỉ ra nhiều chi tiết xuyên tạc lịch sử và đổi trắng thay đen về cuộc chiến này.
Trả lời báo chí về vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chú ý đến thông tin này. Chủ trương nhất quán của Việt Nam đối với các vấn đề lịch sử là “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, nhìn nhận lịch sử một cách đúng đắn và khách quan; có các việc làm thiết thực để tăng cường sự hiểu biết, hữu nghị giữa người dân, đóng góp cho quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia trên thế giới.
“Chúng tôi cũng đề nghị phía Trung Quốc cùng thực hiện nghiêm nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc tăng cường tuyên truyền hữu nghị, khách quan, củng cố cơ sở xã hội thuận lợi cho phát triển quan hệ hai nước”, bà Hằng nêu.
Hộ chiếu vắc xin là giải pháp khả thi mở cửa nền kinh tế
Trả lời về “hộ chiếu vắc xin”, Người phát ngôn Bộ ngoại giao cho biết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và còn lâu dài, không thể khống chế tuyệt đối, Chính phủ Việt Nam đã thống nhất chuyển chủ trương từ “Không COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”; có nghĩa là vừa phòng chống dịch một cách hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó chiến lược “hộ chiếu vắc xin”, “thẻ xanh sức khỏe” hay “giấy chứng nhận sức khỏe số”… được xem là giải pháp khả thi nhằm từng bước mở cửa nền kinh tế - đặc biệt là ngành liên quan đến du lịch, dịch vụ.
Theo bà Hằng, vừa qua, Chính phủ đã đồng ý với bộ tiêu chí công nhận và sử dụng hộ chiếu vắc xin của các quốc gia và vùng lãnh thổ tại Việt Nam do Bộ Ngoại giao đề xuất. Một trong những nội dung quan trọng của bộ tiêu chí nói trên là về loại vắc xin. Theo đó Việt Nam chấp nhận các loại vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ hoặc Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu hoặc Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch đã được tiêm chủng tới Việt Nam, trước mắt là sớm triển khai thí điểm ở Phú Quốc trong thời gian tới.
Nhiều nước tại châu Á đang chạy đua đặt mua thuốc Molnupiravir trị COVID-19 trong bối cảnh tốc độ tiêm chủng chưa đáp ứng kịp.
Trả lời nội dung này tại cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết xác định thuốc điều trị và vắc xin là những giải pháp quyết định để có thể kiểm soát và thích ứng an toàn với dịch bệnh, Bộ Ngoại giao đã sớm chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tìm hiểu về tình hình phát triển các loại thuốc điều trị trên thế giới; đồng thời, thông tin và hỗ trợ Bộ Y tế trong việc tiếp cận một số loại thuốc điều trị tiềm năng được đánh giá là có hiệu quả cao để xem xét nghiên cứu và thử nghiệm sử dụng tại Việt Nam.
Theo bà Hằng, việc tiếp cận nhập khẩu và hợp tác sản xuất thuốc điều trị COVID-19 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin và sẽ được tiếp tục đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới.