Bão số 7 có khả năng mạnh thêm, các tỉnh miền Bắc hứng chịu lượng mưa lớn

Sự kiện - Ngày đăng : 12:34, 08/10/2021

Do ảnh hưởng của Bão số 7, từ chiều 9-11.10, phía Đông Bắc Bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm,
Chú thích ảnh
Tin bão trên Biển Đông (cơn bão số 7). Ảnh: KTTV

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 8.10, tâm bão số 7 ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.

Từ 10 giờ đến 22 giờ ngày 8.10, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh thêm.

Từ 22 giờ ngày 8.10 đến 10 giờ ngày 9.10, dự báo, bão giữ hướng di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 10 giờ ngày 9.10, tâm bão ở khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông: Phía Bắc vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 112,5 độ Kinh Đông.

Từ 10 giờ ngày 9.10 đến 10 giờ ngày 10/10, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và đi vào Vịnh Bắc Bộ. Đến 10 giờ ngày 10/10, vị trí tâm bão ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông ngay trên khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông: phía Bắc vĩ tuyến 17,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông.

Từ 10 giờ ngày 10.10 đến 10 giờ ngày 11.10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó đi vào đất liền các tỉnh Nam Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đến 10 giờ ngày 11.10, tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Từ 10 giờ ngày 11.10 đến 22 giờ ngày 11.10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào. Rủi ro thiên tai ở cấp 3.

Trên biển, ngày và đêm 8.10, vùng biển phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 11, sóng biển cao từ 2-4m, biển động rất mạnh.

Ngày 8.10, Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-3,5m, biển động; từ ngày 9.10, gió trên vịnh Bắc Bộ mạnh dần lên.

Ngày 8-9.10, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2-3m, biển động.

Ngoài ra, phía Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, Vịnh Thái Lan, khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông mạnh, có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật mạnh.

Trên đất liền, ngày 8.10, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum còn có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến 50-80mm, có nơi trên 100mm. Từ ngày 9-12.10, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to do ảnh hưởng của bão.

Từ chiều 9-11.10, phía Đông Bắc Bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm. Ngày 10-11.10, phía Tây Bắc Bộ có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm. Ngày 10-12.10, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150-350mm, có nơi trên 350mm. Khu vực vùng núi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại; các vùng trũng, thấp, ven sông nguy cơ ngập úng cục bộ.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm trên biển đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo ngư dân và các thuyền viên cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão. Khi nhận được tin bão, tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão để kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão.

Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên phải hướng di chuyển của bão thì thuyền viên phải cho tàu thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch lớn hay nhỏ tùy thuộc vào sức đẩy của tàu thuyền, tức là chạy về hướng Bắc-Đông Bắc. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên trái hoặc ở ngay trên đường bão đang di chuyển tới thì thuyền viên cho tàu, thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu thuyền từ mạn phải, tức là chạy về hướng Nam-Tây Nam.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT họp đối phó

Sáng 8.10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT tổ chức cuộc họp trực tuyến với các ban, ngành và địa phương có liên quan để ứng phó với bão số 7. Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, hiện bão số 7 đang mạnh cấp 8, trong 24h tới bão sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc do áp cao cận nhiệt đới đang suy yếu. Tốc độ di chuyển khoảng 10km/h và tiếp tục mạnh thêm.

“Sau đó bão số 7 sẽ di chuyển lên khu vực đảo Hải Nam và suy yếu một chút trước khi di chuyển trở vào Vĩnh Bắc Bộ và có thể mạnh trở lại. Sau khi bão số 7 lên tới đảo Hải Nam thì khả năng áp cao cận nhiệt đới sẽ di chuyển về phía Tây, cùng với đó là không khí lạnh ở phía Bắc tràn xuống, bắt đầu ảnh hưởng từ đêm 9.10 và mạnh nhất sẽ là đêm 10.10 và sang ngày 11.10. Khi bão số 7 di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ sẽ chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau, vì vậy quỹ đạo, cường độ, lượng mưa và gió của bão sẽ còn phức tạp. Khả năng cao nhất là bão số 7 sẽ gây ra một đợt mưa lớn trên diện rộng, cho khu vực Bắc Bộ và các tỉnh phía Bắc của Trung Bộ”, ông Lâm nhận định.

Trong ngày 8.10, mưa sẽ còn rất to ở khu vực Quảng Bình – Quảng Ngãi và Kon Tum, lượng mưa phố biến khoảng 50-80mm có nơi trên 100mm. Từ tối hôm nay (8.10), các khu vực phía Nam mưa sẽ giảm nhanh.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Đình Hưng - Phó trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, hiện vẫn còn 4.557 tàu thuyền hoạt động ở ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ninh. Căn cứ vào diễn biến của bão sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị từ Quảng Ninh đến Nghệ An kêu gọi các tàu, thuyền này di chuyển vào bờ để đảm bảo an toàn, kiên quyết sẽ không để các phương tiện này nằm trong vùng nguy hiểm.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT đề nghị các địa phương phải khẩn trương kiểm đếm, thông tin và hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền trên biển ra khỏi vùng nguy hiểm của bão hoặc vào nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố căn cứ vào hình thực tế để tiến hành cấm biển cho phù hợp.

Đối với hoạt động nuôi trồng thủy hải sản ven bờ, ông Tiến đề nghị các địa phương cần có kế hoạch sơ tán dân đến nơi an toàn trước khi bão vào và có phương án bảo vệ tài sản cho người dân.

Ông Tiến đặc biệt lưu ý đến công tác sơ tán dân ra khỏi vùng trũng, thấp. Các đơn vị quản lý hồ thủy lợi, thủy điện phải theo dõi sát mực nước của hồ hiện tại, dự báo lũ đổ về để có phương án vận hành cho an toàn, tránh thiệt hại cho hạ du khi dự báo bão số 7 có thể mưa lớn.

P.V