Sử gia Canada thừa nhận sai lầm của Canada trong chiến tranh Việt Nam

Hồ sơ - Ngày đăng : 13:35, 08/10/2021

Đã hơn 45 năm kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Boyko nói rằng thời gian cho phép Canada đương đầu và chấp nhận những quyết định sai lầm đã được đưa ra, như một phần của lịch sử đất nước.

Có một điều huyễn hoặc về vai trò của Canada trong Chiến tranh Việt Nam mà sử gia John Boyko muốn làm sáng tỏ với một số bối cảnh cần thiết được bổ sung.

Đó là một ý tưởng nhận được hưởng ứng từ hầu hết những người Canada trẻ tuổi, phần lớn ngỡ là Canada là không can dự trong cuộc chiến, Canada chào đón những quân nhân Mỹ đào ngũ và những người xin tị nạn từ Đông Dương.

Boyko mô tả quan điểm huyễn hoặc bấy lâu này trong cuốn sách của mình, The Devil's Trick, là bi kịch.

war.jpg
Người Canada biểu tình phản đối chiến tranh tại Việt Nam

"Canada đã tham gia vào việc cho phép và hoan nghênh những người (Mỹ) từ chối nhập ngũ đến Canada và chúng ta cho phép cũng như chào đón những người tị nạn", Boyko viết.

"Nhưng xa hơn thế, Canada chỉ đơn giản (tự xem) là một người đứng ngoài cuộc. Chúng ta quan sát với sự kinh hoàng như phần còn lại của thế giới"

Đã hơn 45 năm kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Boyko nói rằng thời gian cho phép Canada đương đầu và chấp nhận những quyết định sai lầm đã được đưa ra, như một phần của lịch sử đất nước.

Ông gợi ý rằng bằng cách nhớ lại các cuộc tranh luận trong quá khứ, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về mối quan hệ của Canada với chiến tranh, với Mỹ và dư luận.

Canada bán vũ khí cho Mỹ

Trong cuốn sách, Boyko kể về câu chuyện của 6 người Canada bị thay đổi cuộc sống bởi Chiến tranh Việt Nam, chẳng hạn như Claire Culhane, một y tá người Canada trở thành nhà hoạt động phản chiến.

bsi.jpg
Bà Claire Culhane, một y tá người Canada

"Culhane là một quản lý bệnh viện 48 tuổi ở Montreal, người đã quyết định bỏ chức vụ ở quê nhà để tới Việt Nam làm việc tại một bệnh viện có nhân viên người Canada do Canada xây dựng sau khi đọc một bài báo trên tạp chí", Boyko viết trong The Devil's Trick.

Bà ấy, cũng như nhiều người khác, rất sốc khi biết người Canada đã xây dựng và điều hành các bệnh viện ở miền Nam Việt Nam. Bà ấy phải tới (miền nam Việt Nam) vì không thể chịu đựng được thói đạo đức giả".

"Những gì bà ấy nhận ra là rất nhiều bệnh nhân trong bệnh viện này, đã phải nhập viện vì vũ khí mà Canada đang hỗ trợ cung cấp", Boyko nói thêm.

Culhaine đã dẫn đầu các cuộc biểu tình và gửi thư cho chính phủ, yêu cầu chấm dứt việc bán vũ khí của Canada cho Mỹ.

Boyko nói với IDEAS: "Đó là tất cả mọi thứ, từ hệ thống hướng dẫn đến ủng cho đến mũ nồi xanh được đội bởi Thủy quân lục chiến và cũng liên quan đến bom napalm. Và nó cũng liên quan đến chất độc màu da cam. Chúng được sản xuất tại Canada và gửi đến Việt Nam".

"Khoảng 375 triệu USD vũ khí được sản xuất ở Canada mỗi năm và được bán cho Lầu Năm Góc để sử dụng ở Việt Nam. Ngày nay, con số đó sẽ tương đương khoảng 2 tỉ USD bán vũ khí sẽ trực tiếp cho người Việt Nam để sử dụng trong chiến tranh".

Theo Boyko, việc chấp nhận những người trốn quân dịch trong chiến tranh cuối cùng đã trở thành một điểm đáng tự hào của người Canada. Nhưng trong chiến tranh, đã có sự phản đối đáng kể đối với những người Mỹ ở các bang miền bắc - đặc biệt là những người đã trải qua quân ngũ - coi những người trốn nghĩa vụ như là lính đào ngũ.

Ở đây phải hiểu khái niệm những người trốn quân dịch là những người có danh sách được chiêu mộ nhưng chưa trình diện, chưa được phát áo lính còn lính đào ngũ là chỉ những người đã trình diện, được phát áo lính và sẵn sàng lên đường sang Việt Nam nhưng bỏ trốn trước khi lên đường. Tất cả họ đều thường trốn sang biên giới Canada.

Boyko nói rằng chủng tộc đóng một vai trò trong sự khác biệt trong cách đối xử giữa những người chạy trốn quân dịch và những người đào ngũ. Trong khi những người chạy trốn quân dịch chủ yếu là người da trắng, những người được coi là lính đào ngũ thường là người da đen.

Ông giải thích: "Người Canada không chào đón (những người đào ngũ) như họ đã làm những người trốn quân dịch". "Họ (những người đào ngũ) bị coi là những kẻ hèn nhát không làm những gì đất nước yêu cầu họ làm. Họ đã cởi bỏ quân phục và bỏ trốn”.

"Và nhiều tổ chức dù đang giúp đỡ người chống đối ở các thành phố trên khắp Canada nhưng sẽ không giúp những người đào ngũ vì họ cảm thấy họ sẽ mất nguồn tài trợ từ các nhà thờ và từ các tổ chức từ thiện khác đang cấp tiền cho họ để hoạt động".

Sự tức giận và phân biệt chủng tộc đối với người từ Việt Nam xin tị nạn

Sau khi Mỹ rút khỏi cuộc chiến, hơn một triệu người đã rời Đông Dương. Trong những năm 1979-1980, Canada đã chấp nhận 60.000 người xin tị nạn, mặc dù đa số người dân Canada phản đối kế hoạch này. Boyko lập luận rằng việc đón nhận người tị nạn đã trở thành một phần nổi tiếng trong lịch sử của Canada, nhưng vào thời điểm đó đã làm dấy lên sự tức giận và phản kháng.

"Các cuộc thăm dò ý kiến, cũng giống như các cuộc thăm dò liên quan đến dự thảo, cho thấy phần lớn người Canada không muốn đón nhận. Có những người nói có nhưng chỉ với số lượng vừa phải", Boyko giải thích.

Boyko nói rằng đó là một hành động thách thức ý chí chính trị để cho phép những người xin tị nạn ở lại.

joe-clark.jpg

"Joe Clark (thủ tướng Canada khi ấy) chỉ mới nắm quyền trong 9 tháng, nhưng ông ấy đã có mặt khi cần đưa ra quyết định. Liệu chúng ta có cho phép những người đến từ Đông Dương vào không?

"Và ông ấy quyết định rằng ông ấy sẽ làm, mặc dù thực tế là chính phủ của ông ấy rất bấp bênh, bất chấp việc đi ngược lại các cuộc thăm dò, đi ngược lại mong muốn của đa số người dân Canada".

Sống theo những huyễn hoặc

Trong The Devil's Trick, Boyko lập luận rằng trong những thập kỷ kể từ sau chiến tranh, Canada đã thay đổi - và bài học từ các cuộc tranh luận về sự can dự của Canada, đã định hình đất nước ngày nay.

"Những bài học mà chúng ta có được, về cơ bản... đã thay đổi tâm hồn chúng ta. Đó là, chúng ta học được rằng chúng ta là người Canada và nên tự hào là người Canada, không chỉ là những người chống Mỹ".

Khi nói đến tiền, Boyko nói thêm, sẽ là đạo đức giả nếu nói đất nước khi ấy chống lại chiến tranh vì Canada đã kiếm được lợi nhuận từ chiến tranh thông qua việc bán vũ khí.

Nhưng ông nói thêm bài học kinh nghiệm lớn nhất là trở thành một quốc gia biết quan tâm. "Chiến tranh Việt Nam cũng dạy chúng ta điều gì đó về trái tim của mình, bởi vì nó nói rằng nếu những người trẻ tuổi muốn tránh một cuộc chiến như những kẻ trốn chạy quân dịch, nếu những người tị nạn từ chiến tranh muốn rời đi và trốn đến một nơi nào đó tốt hơn, chẳng hạn như Canada, thì có lẽ chúng ta nên nhìn thấy nó bằng trái tim của chúng ta để cho phép điều đó xảy ra".

Anh Tú