Có những chuyện "rút kinh nghiệm" đành phải chấp nhận
Thể thao - Ngày đăng : 16:36, 08/10/2021
Ở những trận trước của tuyển Việt Nam (VN), khi truyền hình VN thường ca ngợi quá mức đội tuyển và HLV của mình, thì người hâm mộ lại không thấy yên tâm, khi đội VN chịu quá nhiều bất lợi, quá nhiếu áp lực khi phải đá bóng dưới thời tiết khăc nghiệt của Trung Đông, dưới kỳ vọng vô hạn của người hâm mộ VN.
Phải nói thẳng, vào được vòng loại thứ ba đã là thành tích quá lớn của tuyển Việt Nam. Ai cũng mơ ước ngày bóng đá VN mình góp mặt ở vòng chung kết World Cup, nhưng tôi nghĩ, con đường này còn rất dài, mà tuyển VN chúng ta mới đi được khoảng 1/3 con đường ấy. Còn rất nhiều thời gian, bao nhiêu là công việc phải làm. Giờ chỉ là thi đấu hết mình qua từng trận, để học hỏi, không phải để rút kinh nghiệm, vì mỗi trận đấu với mỗi đối thủ đều khác nhau, vì thế, để cả cầu thủ và ban huấn luyện tự nâng mình lên qua từng trận đấu. Sự cọ xát với những đối thủ mạnh hơn mình bây giờ là điều cực tốt, mình phải tự hoàn thiện qua từng trận, trước từng đối thủ, trong thi đấu phát hiện ra tài năng, trong thi đấu hoàn thiện những tài năng.
Nếu Hồ Tấn Tài được coi là “Thần tài mới của tuyển VN” sau bàn thắng thể hiện đẳng cấp anh ghi trước đội tuyển Trung Quốc, thì Nguyễn Thanh Bình có thể là một tài năng nếu phấn đấu nâng cao tốc độ của mình, và được trui rèn để dạn dày hơn trong thi đấu. HLV Park Hang-seo đã nhận lỗi về mình vì đã nóng vội thay Thanh Bình vào sân, để cầu thủ trung vệ này mắc liền 3 lỗi, trong đó có 2 lỗi dẫn tới 2 bàn thua.
Nhưng nghĩ cho cùng, nếu Thanh Bình cứ mãi không được vào sân, những cầu thủ trẻ khác cũng vậy, thì làm sao đội tuyển phát hiện và bồi dưỡng được tài năng trẻ, nâng cao được đẳng cấp toàn đội bóng. Dù bóng đá thì không có chuyện “rút kinh nghiệm sâu sắc, làm lại”, nhưng cầu thủ thì phải liên tục được thử lửa, chịu sai lầm để lớn lên, để dày dạn hơn.
Đội tuyển Ý, suốt 37 trận không thua, lập kỷ lục không thua lịch sử, nhưng tới trận thứ 38 thì thua trước Tây Ban Nha, đội tuyển hàng đầu mà nhà vô địch châu Âu mới thắng cách đây chưa lâu. Rồi sáng nay, đội bóng số 1 FIFA là Bỉ đã thua Pháp 2-3 sau khi dẫn 2 bàn. Số 1 châu Âu, số 1 FIFA còn thua tức tưởi như vậy, nói gì đội tuyển Việt Nam.
Qua mỗi trận đấu, không chỉ cầu thủ được cọ xát để nâng mình lên, mà HLV cũng vậy. Những trận sắp tới, HLV Park sẽ chuẩn bị tốt hơn cầu thủ dự bị từ cả ba tuyến, và thời điểm thay người cũng sẽ linh hoạt hơn, phù hợp với diễn tiến trận đấu hơn.
Tôi thấy đội tuyển Trung Quốc không hề là đội bóng yếu, chỉ có điều họ chưa mạnh đúng mức như họ mong muốn, trên con đường đi tới vòng chung kết World Cup chắc họ còn phải tự hoàn thiện mình rất nhiều nữa. Nhưng họ đang sở hữu những cầu thủ giỏi, thậm chí tài năng. HLV của họ, vốn là một cầu thủ nổi tiếng, cũng tỏ ra rất linh hoạt, khiêm nhường, biết người biết ta trong trận gặp VN.
Ông Lý Thiết không hề coi thường đội tuyển VN, nhưng ông biết linh hoạt thay đổi từ tấn công chuyển sang phòng ngự chờ thời, và thay vì dùng bóng ngắn phát động tấn công thì dùng bóng dài phất lên, dùng tiền đạo có tốc độ càn lướt và khả năng dứt điểm nhanh để kết thúc.
Nếu ông Park nhìn thấy được cách thay đổi trạng thái nhanh này của đội TQ, thì đã không chịu bàn thua thứ ba khá oan nghiệt, trong khi hoàn toàn có thể cầm hòa trước một đội TQ mạnh hơn mình. Thậm chí cầm hòa ở thế cao hơn, vì đội VN đã lội ngược dòng thành công sau khi bị dẫn tới 2-0. Đó là cuộc lội ngược dòng của một đội bóng bản lĩnh và có trong tay những tài năng ghi bàn. Vấn đề là biết sử dụng họ như thế nào, vào lúc nào. Đường tới World Cup còn dài, nhưng cứ kiên nhẫn đi, bình tĩnh đi, rồi sẽ tới.