Singapore đi ngược hướng với thế giới dù tiêm vắc xin COVID-19 hai mũi cho 83% dân
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:18, 09/10/2021
Singapore được nhiều người coi là nơi có thành công ban đầu trong xử lý COVID-19. Nước này đã đóng cửa biên giới, xét nghiệm, truy vết tích cực và là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á đặt mua vắc xin COVID-19.
Một chính trị gia hàng đầu nói với công chúng rằng tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 đến 80% là tiêu chí để mở cửa trở lại theo từng giai đoạn. Hiện đã tiêm vắc xin 2 mũi cho 83% dân số nhưng thay vì mở cửa, Singapore lại làm ngược lại.
Vào tháng 9.2021, với số ca mắc COVID-19 tăng gấp đôi cứ sau 8 đến 10 ngày và lên mức kỷ lục 3.590 trường hợp hôm 8.10, chính phủ Singapore đã khôi phục hạn chế với các cuộc tụ tập. Mỹ cho biết công dân của họ nên xem xét lại việc đi đi du lịch đến Singapore. Hàng dài bắt đầu hình thành tại các khoa cấp cứu ở một số bệnh viện. Nhiều người một lần nữa phải làm việc tại nhà.
Kinh nghiệm của Singapore đã trở thành nghiên cứu điển hình nghiêm túc cho các quốc gia khác theo đuổi chiến lược mở cửa trở lại nhưng trước đó không phải đối phó với các đợt bùng phát lớn trong đại dịch. Với những người dân tin rằng Singapore sẽ mở cửa trở lại khi tỷ lệ tiêm vắc xin đạt đến mức nhất định, có một cảm giác đau đớn và những câu hỏi dai dẳng về việc sẽ cần những gì để điều đó trở thành sự thật.
Tiến sĩ Paul Tambyah, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh Viện Đại Học Quốc Gia Singapore, nói: “Theo một cách nào đó, chúng tôi là nạn nhân của thành công của chính mình, vì chúng tôi đã đạt được COVID-19 gần bằng 0 nhất có thể và tỷ lệ tử vong rất thấp. Vì vậy, chúng tôi muốn giữ vị trí đầu bảng và điều đó rất khó thực hiện”.
Một số người nói cách tiếp cận thận trọng của Singapore trong việc mở cửa trở lại trái ngược với Mỹ và châu Âu, nơi những người tiêm vắc xin đã tập trung tại các buổi hòa nhạc, lễ hội và các sự kiện lớn khác. Song không như Singapore, cả hai nơi này đều phải đối mặt với các đợt bùng phát dịch COVID-19 sớm.
Lawrence Wong, Bộ trưởng Tài chính Singapore và là Chủ tịch lực lượng đặc nhiệm COVID-19 của đất nước, cho biết bài học cho các xã hội ngây thơ về COVID-19 như Singapore, New Zealand và Úc là sẵn sàng cho những đợt lây nhiễm lớn, bất kể tỷ lệ phủ vắc xin.
Ông nói: “Một khi bạn cởi mở hơn, nhiều tương tác xã hội hơn sẽ xảy ra. Với bản chất vốn có khả năng lây truyền cao của biến thể Delta, bạn sẽ có những cụm dịch nổi lên".
Các loại vắc xin đã có tác dụng giúp phần lớn dân số Singapore không phải đến bệnh viện, với 98,4% các trường hợp có biểu hiện nhẹ hoặc không có triệu chứng. Các ca tử vong do COVID-19 chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, thường có bệnh nền, và chiếm 0,2% các trường hợp trong 28 ngày qua ở nước này. Thế nhưng, vắc xin COVID-19 không thể bảo vệ chống lại sự lây nhiễm, đặc biệt là với biến thể Delta, Lawrence Wong nói.
Ông Lawrence Wong nói: “Ở Singapore, chúng tôi nghĩ rằng bạn không thể chỉ dựa vào vắc xin trong giai đoạn trung gian này. Đó là lý do tại sao chúng ta không lập kế hoạch cho một cách tiếp cận mà mở cửa trở lại theo cách thức gây tiếng vang lớn và chỉ tuyên bố tự do”.
Singapore sẽ xem xét các hạn chế của mình vào ngày 11.10, hai tuần sau khi chúng được áp dụng, và thực hiện các điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình trong cộng đồng. Với Lawrence Wong, một tầm nhìn về cách mà đại dịch COVID-19 diễn ra ở Singapore và các nơi khác sẽ bao gồm việc đeo khẩu trang, hạn chế đi lại và giãn xã hội, có lẽ cho đến năm 2024.
Lawrence Wong nhấn mạnh rằng Singapore vẫn đang trên con đường hướng tới cuộc sống chung với vi rút SARS-CoV-2 và nói ông nhận ra bất kỳ hình thức thắt chặt nào, dù nhỏ đến đâu, đều sẽ gặp phải sự tức giận và thất vọng vì làm người dân tiếp tục lo lắng. “Thế nhưng, chúng tôi phải điều chỉnh dựa trên thực tế, dựa trên tình hình mà chúng tôi đang đối mặt”, ông nói.
Tháng trước, quan chức đã thành lập các cơ sở điều trị cộng đồng được trang bị bình dưỡng khí và yêu cầu những người mắc COVID-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng phục hồi tại nhà. Nhiều người Singapore cho biết đang bối rối về việc phải làm gì và chính phủ tỏ ra thiếu chuẩn bị.
“Nếu hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải, đó là khi chúng tôi biết từ kinh nghiệm ở khắp mọi nơi rằng các bác sĩ không thể đối phó và tỷ lệ tử vong của bạn bắt đầu tăng lên. Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng rất nhiều để tránh điều đó này", Lawrence Wong nói.
Một số bác sĩ đã phản bác tuyên bố của chính phủ Singapore rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe đang bị căng thẳng vô cùng. Paul Anantharajah Tambyah, người là chủ tịch của một đảng đối lập gần đây đã vạch ra chiến lược thay thế để đối phó với đại dịch, nói có đủ chỗ trong các bệnh viện vì Singapore đã hủy bỏ tất cả cuộc phẫu thuật tự chọn.
Theo Paul Anantharajah Tambyah, vấn đề đối với các nhà lãnh đạo của Singapore là họ “về cơ bản đang thực hiện quá trình chuyển đổi từ COVID-19 bằng 0 sang sống chung với vi rút”.
Với nhiều người, các điều chỉnh lặp đi lặp lại với các hạn chế mang đến điều tồi tệ. Số vụ tự tử vào năm 2020 là cao nhất kể từ năm 2012, một xu hướng mà một số chuyên gia sức khỏe tâm thần cho là do đại dịch. Nhiều người đã kêu gọi chính phủ Singapore xem xét các mối quan tâm về sức khỏe tâm thần do các hạn chế gây ra.
Devadas Krishnadas, Giám đốc điều hành của Future-Moves Group, một công ty tư vấn tại Singapore, cho biết: “Nó không bền vững về mặt kinh tế, xã hội, tình cảm và tinh thần”.
Devadas Krishnadas nói quyết định áp dụng lại các biện pháp hạn chế sau khi đạt tỷ lệ tiêm chủng cao như vậy đã khiến quốc gia này trở thành ngoại lệ trên toàn cầu. Ông nói: “Quan trọng là nó di chuyển Singapore hoàn toàn 180 độ, ngược hướng với phần còn lại của thế giới”.
Angeline Ng, giám đốc tiếp thị, cho biết 2021 khó khăn hơn năm ngoái. Trước khi cha cô qua đời vào tháng 5.2021, Angeline Ng đã phải tuân theo những giới hạn nghiêm ngặt về khách thăm người bệnh trong bệnh viện. Vào tháng 7, thông báo của chính phủ Singapore rằng họ sẽ một lần nữa thắt chặt các hạn chế xã hội khiến Angeline Ng mệt mỏi.
“Tôi nghĩ rằng rất nhiều lần chúng ta tập trung vào việc muốn đạt được kết quả tốt đến nỗi chúng ta chỉ có tầm nhìn đường hầm”, cô nói.
Angeline Ng sống đối diện với một trung tâm xét nghiệm COVID-19. Gần như hàng ngày, cô chứng kiến một dòng người liên tục đến xét nghiệm, một chiến lược mà nhiều chuyên gia y tế công cộng cho là lãng phí nguồn lực ở quốc gia được tiêm vắc xin COVID-19 nhiều như vậy.
“Ngày Tự do - như các bộ trưởng của chúng tôi đã nói - không phải là phong cách của Singapore”, Jeremy Lim, Phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore và là chuyên gia về chính sách y tế, nhắc đến việc nước Anh mở cửa trở lại vào mùa hè. Nhưng di chuyển quá thận trọng trước những nhược điểm tiềm ẩn của các hạn chế là chiến lược “sức khỏe cộng đồng xấu”, ông nói.
Chính phủ Singapore không nên chờ đợi các điều kiện hoàn hảo để mở cửa trở lại, “vì thế giới sẽ không bao giờ hoàn hảo”, theo Jeremy Lim.
Sarah Chan, Phó giám đốc tại Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu của Singapore, cho biết cô đã có cảm giác thoáng qua về cuộc sống bình thường khi đến Ý vào tháng trước để thăm gia đình chồng.
Không cần khẩu trang khi ở ngoài trời, những người đã tiêm vắc xin có thể tụ tập thành từng nhóm và Sarah Chan cùng con trai cô có thể ngả đầu theo nhạc trong nhà hàng. Ở Singapore, âm nhạc bên trong nhà hàng đã bị cấm dựa trên quan điểm rằng nó có thể thúc đẩy sự lây lan của vi rút.
Sarah Chan nói cô rất xúc động với khoảng thời gian ở Ý đến mức đã khóc.
“Đó là điều gần như bình thường. Bạn quên điều đó là như thế nào. Tôi thực sự nhớ điều đó", cô nói.
Singapore có thể cần đến 6 tháng để có cuộc sống bình thường với COVID-19 trong điều kiện nới lỏng các hạn chế và người dân tiếp tục các thói quen trước đó của họ trong đại dịch.
"Chúng tôi sẽ mất ít nhất ba tháng, và có lẽ lâu nhất là sáu tháng, để đến được đó", Thủ tướng Singapore - Lý Hiển Long cho biết hôm 9.10.
Quốc gia với dân số 5,45 triệu người đã báo cáo hơn 3.000 ca mắc COVID-19 hàng ngày trong vài ngày qua, dù hầu hết đều nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tính đến 8.10, Singapore ghi 120.454 ca mắc COVID-19 với 142 người chết.
“Sau khi sự gia tăng ca mắc COVID-19 này ổn định, chúng ta vẫn có thể thấy điều tương tự trong tương lai, đặc biệt nếu các biến thể mới xuất hiện. Chúng tôi có thể phải hãm lại nếu các ca bệnh lại tăng quá nhanh, để bảo vệ hệ thống chăm sóc sức khỏe và nhân viên y tế của chúng ta”, ông Lý Hiển Long nói thêm.Singapore gần đây đã áp dụng lại các biện pháp hạn chế về COVID-19 để có thời gian chuẩn bị chung sống với căn bệnh này.
Hôm 9.10, Singapore thông báo sẽ thắt chặt hơn nữa các hạn chế với những người chưa được tiêm vắc xin và mở thêm các tuyến du lịch từ nước ngoài cho người đã chủng ngừa COVID-19.
Gan Kim Yong, Bộ trưởng Thương mại Singapore và đồng chủ tịch lực lượng đặc nhiệm về coronavirus của chính phủ, cho biết những người chưa tiêm vắc xin sẽ không còn được phép vào các trung tâm thương mại. Ông nói, ngay cả những người đã tiêm vắc xin COVID-19 cũng sẽ bị giới hạn hai người khi vào các trung tâm thương mại.
Những người chưa tiêm vắc xin cũng không được phép dùng bữa tại các cửa hàng cà phê và trung tâm ẩm thực, nơi trước đây họ được phép làm như vậy, giới hạn hai người một bàn.
Bộ Y tế Singapore cho biết các biện pháp mới nhất với những người chưa được tiêm vắc xin là nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương hơn, bao gồm cả người già.
Những hạn chế đó sẽ có hiệu lực vào 13.10.