Phú Yên đón người dân về quê: Chưa khi nào áp lực, vất vả như lần này

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:04, 09/10/2021

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên cho biết chưa có lần nào lại vất vả, áp lực như việc tổ chức đón dân về quê lần này. Rất nhiều công việc đều là lần đầu tiên thực hiện.

Phú Yên đã kết thúc hành trình hơn 70 ngày tổ chức đón dân từ TP.HCM và các tỉnh phía nam về quê trong đại dịch COVID-19 với con số gần 17.000 người.

Để hiểu rõ hơn về chiến dịch này, phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên, một trong những người lên kế hoạch và tham gia sâu sát công việc này.

Chưa khi nào áp lực, vất vả như lần này

- Thưa bà, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các địa phương phối hợp tổ chức đón người dân có nhu cầu về quê một cách an toàn, nhanh chóng. Được biết Phú Yên là địa phương tổ chức đưa người dân về quê từ khá sớm và hiệu quả, trong khi Phú Yên cũng là địa phương phải vất vả chống dịch. Xin bà chia sẻ thêm về việc này và vì sao tỉnh quyết tâm đón người dân về?

- Bà Phạm Thị Minh Hiền: Chưa có đợt việc nào mà vất vả, áp lực như lần này, bởi bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Rất nhiều công việc đều là lần đầu tiên thực hiện.

Ban đầu, từ thông tin báo chí và Hội đồng hương Phú Yên tại TP.HCM, chúng tôi biết người dân mong muốn được về quê.

Khi chúng tôi đề xuất việc đưa người dân về quê thì lãnh đạo UBND tỉnh cũng như Thường trực Tỉnh ủy đều đồng ý với chủ trương nêu ra.

Lúc này Phú Yên cũng đang ở trong tâm dịch. Chúng tôi bị bùng dịch bất ngờ và các mạng lưới cơ sở y tế đều có sự yếu kém nhất định liên quan đến phòng chống dịch. Lúc đó phải có các đoàn của Bộ Y tế vào tăng cường. Nhưng khi chúng tôi thấy được sự vất vả của bà con thì không thể yên lòng.

Kế hoạch được triển khai rất nhanh. Từ khi chúng tôi đề xuất đến chuyến xe đầu tiên của nhà tài trợ là Tập đoàn Phương Trang lăn bánh, chỉ trong 6 ngày với tất cả công tác hậu cần, liên hệ, đưa đón…

py-2.jpg
Tỉnh Phú Yên tổ chức đón người dân từ các tỉnh phía nam về quê

Trong quá trình triển khai chúng tôi họp bàn liên tục và có sự tham gia của các sở ngành như Sở LĐ-TB-XH, GTVT, Y tế, TT-TT, Tỉnh đoàn… Vấn đề đặt ra là làm sao không tạo thêm áp lực cho ngành y tế, cho địa phương nhưng vẫn đảm bảo được việc đưa đón bà con trở về.

Tất cả việc này đều là lần đầu tiên, chưa thể lường được hết các tình huống xảy ra. Mỗi chuyến đi lại có những phát sinh cần phải nhanh chóng giải quyết, điều chỉnh liên tục để tốt hơn cho các chuyến sau.

- Vậy người dân tiếp nhận thông tin đăng ký về quê qua kênh nào, thưa bà?

Chúng tôi có 3 hệ thống đăng ký. Thứ nhất là đường link của Sở TT-TT, thứ 2 là Hội đồng hương Phú Yên tại TP.HCM và thứ 3 là tiếp nhận qua đường dây nóng điện thoại. Việc này nhằm mục đích để người dân tiếp cận được việc đăng ký bằng nhiều cách.

Tuy nhiên, việc có nhiều kênh đăng ký cũng mang đến một khó khăn khác cho chúng tôi là lượng người đăng ký rất đông. Chúng tôi phải tiếp nhận quá nhiều dữ liệu nên cực kỳ gian nan với việc lập danh sách. Để lập được danh sách người về cần xử lý rất nhiều, lọc bớt dữ liệu trùng, dữ liệu ảo. Đối tượng tập trung ưu tiên vào người yếu thế như bà bầu, người già, người khuyết tật và trẻ em.

Ban đầu, chúng tôi thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, những công dân trở về từ vùng dịch thì không cách ly tập trung mà cách ly, giám sát chặt chẽ tại nhà. Mỗi lần đón người về chúng tôi chỉ đón 300-400 người để thăm dò sức chịu đựng của địa phương thế nào, cũng như năng lực xét nghiệm bởi vì đưa người về thì phải qua xét nghiệm PCR, âm tính thì mới đưa về địa phương.

Sau khi đưa được chuyến đầu tiên về, số lượng người đăng ký về thêm rất lớn. Khi đó chúng tôi phải tính toán lại và kế hoạch sẽ dài hơi hơn, tiếp tục đưa thêm người về.

Trong quá trình đưa người về chúng tôi cũng tuân thủ giãn cách trên xe và các yêu cầu phòng chống dịch khác. Ví dụ xe chỉ chở 50% số ghế, khoảng hơn 20 người. Nhiều khi đi cả đoàn xe nhưng số lượng người về cũng không nhiều.

Có rất nhiều tình huống phát sinh trong kế hoạch không dự liệu. Đến đợt thứ 4, 5 thì mọi thứ bắt đầu vào guồng, vận hành trơn tru hơn thì chúng tôi mới tính toán không chỉ đón người ở TP.HCM mà mở rộng ra là Đồng Nai, Bình Dương; đồng thời lập các khu cách ly tập trung ở địa phương.

py-5(1).jpg
Bà Phạm Thị Minh Hiền Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên tham gia công tác đưa đón người dân về quê

- Như vậy đợt này Phú Yên đưa được khoảng bao nhiêu người dân về quê, và trong số đó bao nhiêu người được phát hiện dương tính, thưa bà?

Ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ đưa khoảng 4 - 5 đợt, nhưng sau đó phải lên tới 30 đợt. Phú Yên đưa được khoảng gần 17.000 người về và trong số đó chỉ có khoảng 130 F0. Những F0 được đưa đi cách ly ngay, không lây ra cộng đồng và không có ai bị diễn biến nặng.

Cả tỉnh chung tay

- Quá trình này hẳn có nhiều chuyện đáng nhớ, xin bà chia sẻ một số điều...

Ban đầu tôi điều phối chung, phối hợp với các ngành, các tỉnh, các đầu mối. Nhưng bắt đầu từ việc khảo sát vấn đề lên danh sách đưa bà con về quê thì phát hiện ra có một vài lỗ hổng. Sau đó, mọi người liên hệ đến tôi rồi người này mách người kia họ tìm đến tôi để được trợ giúp.

Tôi gặp rất nhiều trường hợp đáng thương, thậm chí nhiều người bị tổn thương về mặt tâm lý bởi xung quanh họ toàn F0, nhiều người tử vong nên họ hoảng loạn. Do đó, tôi vừa làm công việc điều phối chung vừa phải tư vấn, trợ giúp tâm lý cho người bị tổn thương vượt qua nỗi sợ hãi đó.

Ví dụ như một cô bé có hoàn cảnh rất khó khăn, đang lâm vào bế tắc và hoảng loạn. Tôi hỗ trợ tâm lý xong, lên danh sách cho cô ấy về quê. Tuy nhiên, đến ngày cô ấy đi xét nghiệm để lên đường về quê thì phát hiện ra dương tính. Cô ấy là trường hợp dương tính cuối cùng trong khu trọ đó.

Khi đó, cô ấy lại hoảng loạn trở lại và một lần nữa, tôi lại phải như một người chị, một người điều trị tâm lý cho cô ấy từ xa và 14 ngày sau thì cô đã vượt qua; rồi mua thêm một số đồ dùng để cô ấy mang về làm quà cho gia đình.

Người Phú Yên vào TP.HCM đi bán vé số, lao động tự do cũng nhiều và họ bị dương tính và họ không về được. Thông qua các tình nguyện viên thì họ biết được số điện thoại của tôi và họ nhờ trợ giúp đưa những người già đã từng bị F0 đưa khỏi khu cách ly về quê.

Ngoài ra, khi TP.HCM áp dụng nghiêm ngặt giãn cách xã hội thì bà con cũng rất khó khăn để vượt chốt đi xét nghiệm, về quê. Lúc đó, người dân cũng gọi đến tôi để nói chuyện trực tiếp với người trực chốt để người dân được qua chốt.

Có những trường hợp người dân đăng ký về nhưng lại bị dương tính. Tôi không bao giờ từ chối họ ở những đợt sau mà luôn nói rằng "chị sẽ chờ em, cháu sẽ chờ cô". Tôi nói họ cứ cố gắng khỏe đi rồi sẽ được đưa về và đưa họ về những chuyến sau. Bằng sự động viên của mình thì họ vượt qua rất tốt. Những trường hợp đó thì chúng tôi đã đưa về quê được hết.

py-3.jpg
Phú Yên tổ chức 30 đợt, gần 17.000 người được đưa về quê

Thậm chí có những trường hợp người dân về mà không có trong danh sách. Trong vấn đề đưa người về cần chú ý đến cả vấn đề ăn uống, an ninh trật tự nên phải quản lý chặt chẽ người đi, người về. Tuy nhiên, có những lúc tổ của chúng tôi phải linh động, “vượt quyền”, bổ sung đưa họ được về, đánh cược với trách nhiệm cá nhân để đứng về phía người dân, hỗ trợ họ, sau đó chúng tôi giải trình. Trong quá trình đó đôi lúc cần phải gạt sang một bên những nguyên tắc cứng nhắc, đặt mình vào vị trí của người dân, tình huống thực tế để hỗ trợ cho họ.

- Để kế hoạch được triển khai một cách nhanh chóng và hiệu quả như vậy, theo bà đâu là những yếu tố quan trọng?

Tôi nghĩ là có sự đồng thuận cao từ lãnh đạo tỉnh cho tới các cơ quan ban ngành. Việc này không thể giao cho riêng một cơ quan nào mà phải có sự chung tay của tất cả các cơ quan, đoàn thể. Bắt buộc phải xây dựng thành một tiểu ban để các cơ quan liên kết với nhau, phối hợp nhịp nhàng với nhau trong quá trình thực hiện.

Ví dụ Sở GTVT lo về phương tiện thì Sở liên hệ với nhà xe để hỗ trợ xe; Sở TT-TT thì hỗ trợ đường dây nóng, đề nghị nhà mạng hỗ trợ tin nhắn miễn phí thông báo lịch về cho công dân…

Tôi cho rằng phải nhanh nhạy nắm bắt nguyện vọng, phải hình dung ra bà con phải gặp những khó khăn gì. Sự nhanh nhạy, quyết liệt, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh cũng như các sở ngành, đơn vị liên quan cũng như tổ liên ngành đã cho ra được kế hoạch này. Kế hoạch này tạo được sự đồng thuận rất lớn của cả hệ thống chính trị, đây là yếu tố rất quan trọng.

Ngoài ra, các tình huống thực tế phát sinh liên tục nên cần sự linh hoạt. Ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ việc lập danh sách chỉ để đăng ký trên mạng xã hội. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi thấy không ổn và phải làm việc với Sở TT-TT, hội đồng hương để thiết lập các đường link đăng ký cho bà con.

Nhưng rồi sau đó chúng tôi lại nhận ra có nhiều bà con khó khăn, không có điện thoại thông minh để đăng ký. Khi đó, chúng tôi lại phải thiết lập đường dây nóng để họ gọi điện đăng ký.

Chúng tôi đúng kiểu vừa làm vừa học, quan sát và cảm nhận được khó khăn của người dân tới đâu thì chúng tôi điều chỉnh tới đó. Làm sao bằng mọi phương tiện cả thủ công lẫn hiện đại để đưa thông tin và tiếp nhận thông tin đến người dân, hỗ trợ được cho họ.

Ngoài ra, phải tận dụng mọi phương tiện, mọi sự ủng hộ từ khắp nơi. Đối với TP.HCM, chúng tôi có Hội đồng hương Phú Yên tại đây hỗ trợ rất nhiều về mọi mặt nên chúng tôi không phải làm việc với chính quyền TP.HCM nhiều. Tuy nhiên, đối với các địa phương khác, nơi không có hội đồng hương, chúng tôi phải làm việc trực tiếp với UBND các tỉnh, Sở LĐ-TB-XH làm đầu mối.

May mắn là chúng tôi cũng được các địa phương tạo điều kiện. Các địa phương cũng hỗ trợ test nhanh, lên danh sách đến các chốt để hỗ trợ công dân vượt qua chốt.

Một điều quan trọng là trong quá trình đưa đón người về không gây khó khăn, tăng thêm gánh nặng cho tỉnh bạn vì lúc đó họ cũng đng căng mình chống dịch. Nếu đưa thêm yêu cầu, thêm việc cho tỉnh bạn thì hoàn toàn không nên. Khi đó, chúng tôi thành lập một tổ liên ngành đi trực tiếp vào trong đó để trực tiếp hỗ trợ người dân, dù lúc đó chúng tôi cũng đang rất thiếu nhân lực. Mỗi đợt như vậy chúng tôi đều họp trực tuyến, trao đổi ý kiến liên tục.

- Được biết không chỉ hỗ trợ đón người dân về mà Phú Yên cũng đã tính toán và rất tạo điều kiện cho lao động trở lại phía nam làm việc khi dịch bệnh được khống chế. Xin bà chia sẻ thêm điều này.

Ở TP.HCM, lao động Phú Yên vào đó không làm việc nhiều trong các khu công nghiệp mà chủ yếu là lao động tự do. Nhưng đối với Bình Dương thì người Phú Yên chủ yếu là công nhân các khu công nghiệp. Mấy tháng trời dịch bệnh công nhân rất đói, nhiều khi họ chụp ảnh bữa ăn mà không cầm được nước mắt, càng vậy nên càng có động lực để đưa họ về.

Các địa phương cũng rất ủng hộ việc Phú Yên đưa người về quê nhưng cũng có đặt vấn đề là nên cân nhắc về đối tượng để địa phương khỏi mất đi nguồn lao động sau khi khống chế được dịch. Các địa phương đã nỗ lực khống chế dịch bệnh để ổn định sản xuất, nếu địa phương đưa người về hết thì cũng lo về nguồn lao động.

Đối với vấn đề này, chúng tôi cũng phải trao đổi với tỉnh bạn là khi công dân về quê có nhu cầu quay trở lại Bình Dương thì Phú Yên sẽ rất tạo điều kiện. Vừa rồi tỉnh Phú Yên có một cuộc họp về vấn đề hỗ trợ người lao động quay lại phía nam để làm việc. Nếu công ty có giấy gọi người dân đi làm thì chúng tôi sẽ hết sức tạo điều kiện cho công nhân đi làm, không đặt ra các giấy đi đường hay thủ tục khó khăn gì cả.

Ngoài ra, có nhiều công nhân cũng nằm trong danh sách về nhưng rồi họ quyết định ở lại bởi công ty đã quay lại sản xuất, họ muốn ở lại làm việc để có món tiền cho Tết. Với nhiều trường hợp, chúng tôi khuyến khích ở lại chứ không thuyết phục về. Tôi cho rằng mỗi thời điểm lại cần có một cách tiếp cận khác nhau. Hiện nay, Bình Dương, Đồng Nai đã bắt đầu khởi động lại sản xuất.

- Xin cảm ơn bà!

Trí Lâm