'Chạy' là bước đi thụt lùi của xã hội

Giáo dục - Ngày đăng : 16:29, 31/08/2018

Lẽ ra phải đi bằng đôi chân của chính mình, chỉ hưởng những gì mình làm ra, do sức mình mà có, thì đáng lo ngại thay, xu hướng “chạy toàn tập” trong giáo dục cũng như trong xã hội đang gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Giáo dục liên quan đến mọi nhà, mọi địa phương nên tệ nạn “chạy” không riêng lẻ mà đó là một cuộc “chạy ma-ra-tông” tập thể. Học sinh chạy, phụ huynh chạy, giáo viên chạy, trường chạy, sở chạy, bộ chạy… Kể cả bằng cách gian lận.

Con vào lớp 1, phụ huynh phải chạy cho con học trường điểm, một số nơi, bọn trẻ còn đi luyện tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt để thi tuyển đầu vào. Vào trường ưng ý rồi, phụ huynh chạy cho con vào lớp chọn. Rồi các em chạy sô đi học thêm, học kèm với mục tiêu phụ huynh đặt ra là cuối năm phải đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, giỏi xuất sắc.

Không chỉ phụ huynh, học sinh “chạy”, giáo viên cũng “chạy”: chạy thành tích chủ nhiệm, thành tích chuyên môn, thành tích thi đua… Trường thì “chạy” theo thành tích học sinh khá, giỏi, học sinh đạt giải các kỳ thi, bằng khen, danh hiệu… Đâu đó vẫn có những hội đồng thi mà quy chế thi thực hiện rất dễ dãi, tiêu cực vì bệnh thành tích hoặc vì tư lợi của một số người. Trường chạy thành tích cho trường, sở, bộ cũng vậy. Những con số rất đẹp về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT, số trường đạt chuẩn quốc gia, số người có trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Vụ chạy chức danh giáo sư ở một số trường đại học, học viện là hồi còi cảnh báo về “bệnh thành thích”, bệnh “chạy” trong giáo dục, chạy từ trên xuống dưới, chạy từ trong ra ngoài.

Không ít phụ huynh có thanh thế, quyền lực đi “chạy điểm” cho con em, biến rớt thành đậu, thành “thủ khoa”. Các vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vừa rồi là “đỉnh cao” của hiện tượng “chạy” trong giáo dục. Con nhà quan, nhà thanh thế chạy trường, chạy lớp cho con, xong thì chạy điểm thi để đỗ tốp đầu vào các trường đại học ưng ý, và chắc chắn 4, 5 năm sau lại chạy điểm tốt nghiệp đại học, rồi lại chạy việc làm sau khi ra trường.

Có việc làm rồi, hiển nhiên là chạy chức, chạy quyền. Và khi có chức, có quyền rồi thì đứng trên đầu, ngồi trên cổ người ta. Cả đời không đi bằng đôi chân của chình mình mà “chạy” bằng quyền thế, hậu duệ, tiền tệ, quan hệ. Vậy thì làm sao họ tin theo pháp luật, công lý, đạo đức? Vậy nên mới có tiền lệ chạy tội, chạy án. Mới đây một đường dây làm giả hồ sơ tâm thần để chạy án cho nhiều đối tượng giang hồ cộm cán ở Bệnh viên Tâm thần Trung ương 1 bị phanh phui. Thì ra cái gì người ta cũng có thể “chạy”, chạy bằng tiền, bằng quyền, chạy bằng mọi cách. Công bằng mà nói, không chỉ trong giáo dục mới chạy! Nhưng phải nói rằng hiện tượng “chạy” có mầm mống từ giáo dục, vì nhân cách con người do giáo dục mà ra. Tất nhiên không chỉ giáo dục nhà trường mà còn giáo dục gia đình và xã hội.

Hệ lụy của hiện tượng “chạy” là bước đi thụt lùi của xã hội. Nền tảng vững chắc của một xã hội bền vững là sự công bằng, niềm tin vào lẽ phải, đạo đức, pháp luật. Hiện tượng “chạy” giẫm đạp lên nền tảng ấy. Những nhân tài thực sự, những con người thanh liêm cương trực sẽ đứng ở đâu giữa các nhóm lợi ích của đội ngũ “chạy”? Đáng lo ngại thay khi tệ nạn “chạy” mang tính “di truyền” thâm căn cố đế qua nhiều đời, nhiều thế hệ, từ ông tới cha, tới con, tới cháu…

Và người viết bài này chỉ còn biết băn khoăn tự hỏi: Xu hướng “chạy” bao giờ mới chấm dứt?

Lê Xuân Chiến