Khủng hoảng năng lượng thế giới, lo ngại tăng giá điện hiện hữu
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:11, 10/10/2021
Khủng hoảng năng lượng thế giới đang hiện hữu
Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng khiến giá khí đốt, xăng, điện tăng cao. Giá khí đốt tự nhiên tăng đột biến trong năm nay, với mức tăng gần 600% do lo ngại mức dự trữ năng lượng thấp hiện nay sẽ không đủ cung cấp cho các dịch vụ trong mùa Đông sắp tới. Trong khi tại Mỹ, giá khí đốt giao tương lai gần đây đã chạm mức cao nhất trong 12 năm qua.
Giá dầu thô tại thị trường Mỹ đã chạm mức cao nhất trong gần 7 năm qua, trong khi giá khí đốt tự nhiên liên tục lập kỷ lục. Việc giá khí đốt tăng cao, cùng với giá dầu chạm mức cao nhất trong nhiều năm qua, đã dấy lên những lo ngại lạm phát gia tăng và khiến hóa đơn năng lượng trong nước tăng "phi mã".
Vấn đề càng phức tạp hơn khi cuộc khủng hoảng điện ở Trung Quốc khiến tình trạng thiếu hụt năng lượng trên toàn cầu trở nên căng thẳng hơn, có nguy cơ làm đảo lộn quá trình hồi phục sau đại dịch COVID-19.
Nhiều khu vực ở đông bắc Trung Quốc bị cắt điện trong nhiều giờ, đèn giao thông thậm chí cũng bị tắt. Những nhà máy tại các khu vực sản xuất bị yêu cầu giảm giờ hoạt động, thậm chí phải đóng cửa trong vòng một tuần. Tình trạng thiếu điện là một trong những mối đe dọa lớn của nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Ngoài ra, điều này cũng làm dấy lên mối lo ngại ở châu Âu và Mỹ về việc liệu nguồn cung sụt giảm có đủ để cung cấp năng lượng cho các nền kinh tế trong suốt mùa đông hay không. Cuộc khủng hoảng điện ở Trung Quốc còn tạo thêm áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu khi giá nguyên liệu và các thành phần thiết yếu tăng cao.
Việt Nam không đứng ngoài cuộc
Vậy cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới tác động thế nào đến Việt Nam, là điều đang được dư luận quan tâm. Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh khẳng định: "Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc".
Lý giải về điều này, ông Sơn cho biết, Việt Nam bắt đầu chuyển sang nhập khẩu thuần năng lượng từ năm 2015, nên việc tăng giá nhiên nhiệu dẫn tới chi phí đầu vào đối với các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu nhập khẩu sẽ tăng lên. Chi phí sản xuất điện tăng lên sẽ gây áp lực lớn với ngành điện.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo.
Trong giai đoạn 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phụ tải điện giảm nên Việt Nam đảm bảo cung cấp đủ điện. Tuy nhiên, thời gian tới, khi nền kinh tế được được mở cửa trở lại, các hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi, việc cung ứng điện sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, bởi hiện các nguồn điện phát triển rất chậm.
Với các nguồn hiện có, ông Sơn cho rằng, thủy điện do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên có đủ nguồn nước hay không cũng là một câu hỏi lớn. Còn các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời có sự rủi ro lớn về mức độ biến động, khó dự báo.
Theo ông, việc đa dạng hóa nguồn cung đồng thời tiếp tục chuyển dịch sang sử dụng năng lượng tái tạo là một lựa chọn dài hạn để giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có chiến lược phù hợp và có kế hoạch đầu tư cho lưới điện truyền tải liên vùng, liên quốc gia, xem xét các công nghệ lưu trữ năng lượng,…
Riêng đối với nguồn nhiên liệu nhập khẩu, ông đề xuất cần phải có sự chủ động trong việc mua các nhiên liện ngắn hạn, trung hạn, đầu tư hạ tầng các kho chứa…
"Quy hoạch điện VIII dự kiến sẽ giảm công suất nguồn điện than, bổ sung nhiều nguồn điện sử dụng khí LNG. Do đó, việc đảm bảo các hợp đồng cung ứng nguồn nhiên liệu dài hạn với giá cả hợp lý là cực kỳ quan trọng", ông Sơn nói.
Trung Quốc thiếu điện chưa ảnh hưởng đến Việt Nam
Trước lo ngại phía Trung Quốc đang thiếu điện và phải đóng cửa một số nhà máy sẽ ảnh hưởng đến tình hình nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất bởi đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khẳng định, việc nhập khẩu nguyên liệu phục vụ các ngành sản xuất của Việt Nam vẫn chưa bị ảnh hưởng.
Giá một số nguyên liệu đầu vào cho ngành điện cũng như việc cắt giảm khí thải của Trung Quốc đã gây ra việc thiếu điện dẫn đến một số ngành sản xuất công nghiệp, trong đó có các sản phẩm về nguyên liệu cung ứng đầu ra cho thị trường cũng bị giảm sút. Tuy nhiên, thời gian qua, Bộ Công Thương chưa ghi nhận phản ánh nào của doanh nghiệp về việc thiếu nguyên liệu đầu vào.
"Thực tế, Việt Nam đã đối mặt với việc thiếu nguyên liệu từ năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát lần đầu gây đứt gãy nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp như dệt may, da giày, các ngành công nghiệp nặng… Tuy nhiên, ngay sau đó, các doanh nghiệp đã kịp thời ứng phó và đã chủ động được nguồn cung này", đại diện Cục Công nghiệp cho hay.
Ngoài ra, trong thời điểm vừa qua, tình hình dịch bệnh lần 3, lần 4 diễn ra hết sức phức tạp, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước bị giảm, thậm chí nhiều doanh nghiệp thuộc các tỉnh thành phía Nam phải dừng hoạt động. Do đó, nhu cầu nguyên liệu đầu vào chưa thể hiện rõ sự thiếu hụt và doanh nghiệp chưa đề cập vấn đề này với cơ quan quản lý nhà nước.
Hơn nữa, hiện nay, Việt Nam đã có thể chủ động được nguyên liệu đầu vào của một số mặt hàng như thép xây dựng. Hay một số ngành khác, với biến động trong ngắn hạn ở đối tác Trung Quốc trong thời điểm này cũng chưa ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu đầu vào phía Việt Nam.