Thúc đẩy kiến thức kỹ thuật số cho trẻ em ở Việt Nam

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:32, 11/10/2021

Đại sứ quán Thụy Điển cam kết hợp tác với các bạn trẻ và tổ chức Plan International, thúc đẩy kiến thức kỹ thuật số cho trẻ em gái và trẻ em nói chung ở Việt Nam.

Năm 2021 là năm thứ 3 liên tiếp Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội tham gia chuỗi sự kiện “Trao quyền cho trẻ em gái” của tổ chức Plan International, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Trẻ em gái (11.10).

Theo Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe, chưa có quốc gia nào trên thế giới đạt được bình đẳng giới. Phân biệt đối xử và tình trạng phụ thuộc vẫn là vấn đề lớn mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt.

Tuy nhiên, bà Ann Måwe nhấn mạnh: “Không vì thế mà họ chấp nhận đầu hàng số phận, trẻ em gái nỗ lực hàng ngày để thay đổi các định kiến giới, những quan điểm cổ hủ, lỗi thời tồn tại qua nhiều thế hệ. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn hỗ trợ trẻ em gái để tiếng nói của các em được lan tỏa và có trọng lượng hơn”.

Năm nay, Bùi Ý Nhi (20 tuổi, đến từ Hà Nội) được bà Ann Måwe trao quyền đảm nhiệm vị trí Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam. Theo đó, Bùi Ý Nhi có cuộc trao đổi với Đại sứ Måwe và Phương Anh (em gái được Đại sứ trao quyền trong hai năm 2019 và 2020), về những thách thức và thành tựu mà các em cùng tổ chức Plan International Việt Nam đã đạt được với vai trò là Thủ lĩnh tiên phong về bình đẳng giới trong hơn 1 năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

dai-su-thuy-dien-chup-anh-cung-y-nhi-va-phuong-anh.jpg
Đại sứ Thụy Điển cùng Phương Anh và Ý Nhi - Ảnh: BTC

Đảm bảo trẻ em gái được an toàn trên không gian số

Trong sự kiện Trao quyền năm ngoái, Đại sứ Ann Måwe và Phương Anh đã kêu gọi mọi người cùng tham gia ký tên vào thư ngỏ, yêu cầu các công ty truyền thông có các hành động cần thiết nhằm chống lại tình trạng quấy rối trên mạng.

Để hiện thực hóa lời kêu gọi này, trong suốt 1 năm qua, Plan International trên toàn cầu và các bạn trẻ đã thực hiện rất nhiều chiến dịch do thanh thiếu niên khởi xướng và dẫn dắt.

Đáng chú ý, phải kể đến các buổi đối thoại với Facebook, Instagram, WhatsApp, xây dựng Maru chatbot dành cho trẻ em gái và công bố nghiên cứu “Tương lai trực tuyến” với nỗ lực xây dựng một thế giới số an toàn hơn cho trẻ em gái và trẻ em nói chung.

Ngày Quốc tế Trẻ em gái (11.10) là thời điểm tôn vinh các em gái vì sự đa dạng của họ, đồng thời chỉ ra những vấn đề cần cải thiện. Vào năm 2020, Plan International đã nói chuyện với 26.000 trẻ em gái và phụ nữ trẻ ở 26 quốc gia về việc họ tiếp xúc với thông tin sai sự thật trên mạng.

Trong một thế giới đang thay đổi, chúng ta cần đảm bảo trẻ em gái được an toàn trên mạng và đây là mục tiêu cho năm 2021. 

y-nhi-va-dai-su-thuy-dien.jpg
Ý Nhi và Đại sứ Thụy Điển - Ảnh: BTC

Đại sứ Thụy Điển cùng Phương Anh và Ý Nhi thấy rằng đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng. Khi hầu hết các hoạt động phải chuyển sang hình thức trực tuyến, việc đảm bảo một thế giới số an toàn và không có sự phân biệt, ngày càng quan trọng hơn.

Tuy nhiên, trẻ em và trẻ em gái vẫn đang phải đối mặt với vô số rủi ro trực tuyến. Trong số đó, sự lan truyền của thông tin sai lệch trên mạng có rất nhiều tác động tiêu cực, đặc biệt là đối với trẻ em gái.

“Do COVID-19, phần lớn cuộc sống của chúng em, dù là dưới góc độ cá nhân hay công việc, đều diễn ra trên mạng Internet. Chúng em lên mạng để tìm các thông tin cần thiết về mọi mặt của cuộc sống, như sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, cơ hội công việc… nhưng việc phân biệt tin giả, tin thật không hề dễ dàng. Thông tin sai sự thật ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống thực. Vấn đề này cần được giải quyết triệt để”, Phương Anh bày tỏ lo ngại của mình.

Nói về hậu quả của vấn đề này, Ý Nhi cho rằng không phải ai cũng được trang bị đầy đủ các kỹ năng để nhận biết tin giả hoặc lừa đảo trên mạng. Nếu trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng được dạy những kỹ năng cần thiết để điều hướng thông tin sai lệch trên mạng, chúng em tin mình sẽ có khả năng lên tiếng phản đối mạnh mẽ trước những thông tin sai trái, những quan điểm sai lệch.

“Nhiệm vụ này chỉ có thể được thực hiện một cách hiệu quả nếu mọi người cùng chung tay trong việc trang bị kiến ​​thức kỹ thuật số cho tất cả trẻ em”, Ý Nhi nhấn mạnh.

Đại sứ Måwe cho biết Thụy Điển là quốc gia đầu tiên khởi động chính sách đối ngoại nữ quyền vào năm 2014 nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái đảm bảo họ được hưởng đầy đủ quyền của mình. Chương trình nghị sự tiên tiến của Thụy Điển về bình đẳng giới là kết quả của quá trình vận động lâu dài và bền bỉ của các tổ chức xã hội,

Kết thúc buổi làm việc, Đại sứ Måwe cùng Ý Nhi và Phương Anh đã ký vào thư ngỏ do tổ chức Plan International kêu gọi, lên tiếng chống lại việc lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng. Đại sứ quán Thụy Điển cam kết hợp tác với các bạn trẻ và tổ chức Plan International thúc đẩy kiến thức kỹ thuật số cho trẻ em gái và trẻ em nói chung ở Việt Nam.

“Cần nỗ lực hơn nữa để trẻ em gái và phụ nữ không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới có thể tự tin tham gia thế giới 4.0 và nắm giữ các vị trí lãnh đạo”, bà Sharon Kane, Giám đốc quốc gia Tổ chức Plan International Việt Nam chia sẻ.

Thu Anh